(Tổ Quốc) - Ngày hôm nay cả nước ghi nhận hơn 7.000 ca nhiễm mới. Hơn 6.000 ca trong số đó được ghi nhận tại TP.HCM.
Diễn biến dịch ngày 27/7
Thông tin ca mắc mới
- Tính từ 6h đến 19h ngày 27/7 có 5.149 ca ghi nhận trong nước, trong đó có 525 ca trong cộng đồng. TP. Hồ Chí Minh vẫn ghi nhận số ca mắc cao với 4.469 ca.
- Trong ngày 27/7, cả nước ghi nhận 7.913 ca mắc mới, trong đó 02 ca nhập cảnh và 7.911 ca ghi nhận trong nước, trong đó có 1.063 ca trong cộng đồng.
Riêng TP.HCM ghi nhận tới 6.318 ca.
Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam
- Tính đến chiều ngày 27/7, Việt Nam có tổng 114.260 ca mắc, trong đó có 2.203 ca nhập cảnh và 112.057 ca mắc trong nước.
- Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 110.487 ca, trong đó có 20.172 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
- Có 07/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới: Yên Bái, Quảng Trị, Điện Biên, Hải Dương, Quảng Ninh, Bắc Kạn, Nam Định.
- Có 10 tỉnh, thành phố không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn: Lào Cai, Ninh Bình, Kon Tum, Hà Giang, Phú Thọ, Sơn La, Lai Châu, Hoà Bình, Tuyên Quang, Thái Nguyên.
Tình hình điều trị
- 1.602 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 27/7.
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 22.946 ca.
- Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU: 211 ca.
- Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO: 17 ca.
Tình hình tiêm chủng
Tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 4.746.642 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 4.323.571 liều, tiêm mũi 2 là 423.071 liều.
Tình hình dịch tại TP.HCM tiếp tục diễn biến phức tạp
Trong bản tin tối 27/7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết, tính từ 6 giờ đến 19 giờ ngày 27/7, Bộ Y tế đã công bố thêm 4.469 trường hợp nhiễm mới tại TP.HCM.
Như vậy trong 1 ngày (tính từ 18 giờ 30 ngày 26/7), Thành phố ghi nhận 6.318 trường hợp nhiễm mới.
Từ đợt dịch thứ 4 bắt đầu ngày 27/4 đến nay, Thành phố đã có tổng cộng 72.740 trường hợp nhiễm COVID-19 được công bố.
Hiện nay, dịch COVID-19 đã lây lan rộng trên địa bàn Thành phố và một số địa phương lân cận, đòi hỏi phải áp dụng những giải pháp đặc biệt để ngăn chặn.
TP.HCM đang huy động mọi nguồn lực cùng tham gia, không phân biệt công hay tư, quân đội hay dân sự, Trung ương hay địa phương.
Người dân cần hy sinh những lợi ích cá nhân một thời gian để tránh những tổn thất khi dịch bệnh vượt quá khả năng kiểm soát.
Đồng thời thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, khuyến cáo 5K của Bộ Y tế và giãn cách giữa nhà với nhà, giữa người với người, nhất là tại các khu cách ly, phong tỏa.
Báo động tình trạng F0 lang thang ngoài cộng đồng
Các chuyên gia dịch tễ tại TP.HCM đã đưa ra cảnh báo về tình trạng F0 lang thang ngoài cộng đồng, đặc biệt những đối tượng đi đường là nhóm nguy cơ lây nhiễm COVID-19 ở mức độ cao nhất.
Cụ thể, PGS.TS.BS Lê Thành Đồng, Viện trưởng Viện Sốt rét Ký sinh trùng – Côn trùng TPHCM (thuộc Bộ Y tế) cho biết:
“Một thống kê 500 mẫu test nhanh cách đây 3 ngày cho thấy có 20 ca dương tính được phát hiện ngoài đường. Nếu độ nhạy của test nhanh khoảng 80% thì sẽ có 16 ca dương tính thật (chiếm khoảng 3,2% tổng số mẫu test).
Điều đó cho thấy, những đối tượng đi đường là nhóm nguy cơ lây nhiễm COVID-19 ở mức độ cao nhất vì họ hay tiếp xúc với nhiều người khác nhau trong cộng đồng, chính họ sẽ trở thành tác nhân lây nhiễm bệnh cho người lành ở nhà”.
Qua giám sát, quần thể ngoài cộng đồng tại huyện Hóc Môn đang có tỷ lệ nhiễm bệnh cao hơn cả nhóm được phong tỏa, bao vây, cách ly. Người giao lưu trên đường rất có thể đang là những đối tượng F0 lang thang. Tuy nhiên, theo ông Đồng có tình trạng các nhóm đối tượng nguy cơ cao kể trên đang cố ý trốn tránh, không đi lấy mẫu xét nghiệm tầm soát ngoài cộng đồng.
Nhiều địa phương "giới hạn" thời gian ra đường sau 18h
Trong những ngày vừa qua, tình hình dịch Covid-19 tại nước ta có nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt tại các tỉnh thành phía Nam. Nhiều địa phương đã áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ cùng các biện pháp tăng cường ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Tuy nhiên, thời gian qua, tại nhiều địa phương người dân vẫn chưa chấp hành nghiêm quy định, điều này ảnh hưởng rất lớn đến công tác phòng, chống cũng như ngăn chặn sự lây lan dịch tại các địa phương.
Trước tình hình dịch vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều tỉnh, thành phía Nam đã thực hiện "quyết liệt" hơn nữa các biện pháp để ngăn chặn, lây lan của dịch bệnh.
Ngoài TP.HCM thì đã có 5 tỉnh miền Tây yêu cầu người dân không ra đường sau 18h. Cụ thể, Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang đã ban hành văn bản yêu cầu người dân không ra đường sau 18h. Ngoài ra, mỗi địa phương còn áp dụng thêm một số biện pháp tăng cường khác tùy tình hình thực tế theo của địa phương.
PV