TOÀN CẢNH COVID ngày 25/7: Cả nước thêm 7.531 ca mắc mới, từ ngày mai người dân TP.HCM không được ra đường sau 18h

(Tổ Quốc) - Ngày 25/7, cả nước ghi nhận hơn 7.000 ca mắc mới. TP.HCM siết chặt hơn nữa các biện pháp phòng dịch.

Diễn biến dịch ngày 25/7

Thông tin các ca mắc mới

- Tính từ 6h đến 19h ngày 25/7 có 3.552 ca mắc mới ghi nhận trong nước tại TP. Hồ Chí Minh (2.227), Bình Dương (368), Tây Ninh (186), Bà Rịa - Vũng Tàu (126), Đồng Nai (119), Phú Yên (95), Khánh Hòa (90), Đồng Tháp (90)... trong đó có 594 ca trong cộng đồng.

- Trong ngày 25/7, cả nước ghi nhận 7.531 ca mắc mới, trong đó 06 ca nhập cảnh và 7.525 ca trong nước, trong đó có 1.516 ca trong cộng đồng.

TP. Hồ Chí Minh tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm cao nhất cả nước với 4.555. Tuy nhiên, cũng trong ngày hôm nay một địa phương khác là Bình Dương cũng ghi nhận số ca nhiễm cao kỉ lục với 1.249 ca.

TOÀN CẢNH COVID-19 ngày 25/7: Cả nước tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm cao kỷ lục, TP.HCM đặt lệnh giới nghiêm, chuẩn bị cho tình huống xấu nhất - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam

- Tính đến chiều ngày 25/7, Việt Nam có tổng 98.465 ca mắc, trong đó có 2.178 ca nhập cảnh và 96.287 ca mắc trong nước.

- Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 94.717 ca, trong đó có 16.564 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

- Có 08/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới: Yên Bái, Quảng Trị, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Điện Biên, Hải Dương, Quảng Ninh, Bắc Kạn.

- Có 9 tỉnh, thành phố không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn: Nam Định, Lào Cai, Ninh Bình, Kon Tum, Hà Giang, Phú Thọ, Sơn La, Lai Châu, Hòa Bình.

Tình hình điều trị

- 1.755 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 25/7.

- Tổng số ca được điều trị khỏi: 19.342 ca.

- Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU: 130 ca.

- Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO: 17 ca.

Tình hình xét nghiệm

- Trong 24 giờ qua đã thực hiện 154.397 xét nghiệm cho 590.982 lượt người.

- Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 5.262.258 mẫu cho 14.982.078 lượt người.

Tình hình tiêm chủng

Tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 4.535.741 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 4.163.388 liều, tiêm mũi 2 là 372.353 liều.

TP.HCM chuẩn bị cho tình huống xấu nhất

Tại Hội nghị trực tuyến Ban chấp hành Đảng bộ TP.HCM lần thứ 7 vào tối 25/7, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết hiện nay tình hình dịch trên địa bàn TP diễn biến khó lường. Nguyên nhân một phần xuất phát từ việc không thực hiện nghiêm việc giãn cách, từ chính một bộ phận người dân.

Trên địa bàn TP hiện nay đang diễn ra việc tiếp xúc giao lưu với nhau, thậm chí nhiều người đi ra đường dù TP đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16.

Dù hiện tại TP đang nỗ lực, cố gắng nhưng tình hình dịch vẫn diễn biến phức tạp. Đặc biệt, trước đó, TP đã nêu ra 3 kịch bản chống dịch. Tuy nhiên, dù TP đã cố gắng, nỗ lực nhưng vẫn không đạt được mục tiêu kịch bản thứ 1 và phải thực hiện kịch bản thứ 2, tăng cường mạnh mẽ thực hiện Chỉ thị 16 với các giải pháp nâng cao. Và hiện tại, trước tình hình nêu trên, kịch bản thứ 3 nhiều khả năng sẽ được áp dụng với những biện pháp chống dịch như trong điều kiện khẩn cấp.

TOÀN CẢNH COVID-19 ngày 25/7: Cả nước tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm cao kỷ lục, TP.HCM đặt lệnh giới nghiêm, chuẩn bị cho tình huống xấu nhất - Ảnh 2.

Bắt đầu từ tối mai (26-7-2021) người dân không nên ra đường sau 18h. Ảnh minh họa.

Theo đó, bắt đầu từ tối mai (26-7-2021) người dân không ra đường sau 18h. Tất cả các hoạt động trên địa bàn TP tạm dừng, trừ cấp cứu và theo yêu cầu điều phối để phòng chống dịch.

Mặc dù việc thực hiện các biện pháp hết sức quyết liệt, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, TP mong người dân chia sẻ, hợp tác với chính quyền TP để công tác chống dịch đạt kết quả nhất.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết, Chính quyền sẽ cung ứng nhu yếu phẩm đến từng nhà đồng thời giám sát, giảm thiểu tối đa việc giao lưu giữa người với người để kiểm soát dịch bệnh COVID-19 chặt chẽ.

Ngoài ra, tại buổi họp báo về công tác phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn vào sáng cùng ngày, ông Phan Văn Mãi, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM cho biết, dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố chưa dừng lại mà đang có những diễn biến hết sức phức tạp. Đặc biệt, trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16, thành phố đã đề ra 3 kịch bản: 

Thứ nhất, dịch bệnh được kiểm soát, thành phố sẽ thực hiện điều chỉnh giải pháp phòng, chống dịch theo thực tế; 

Thứ hai, dịch bệnh chưa được kiểm soát, tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 hoặc áp dụng Chỉ thị 16 tăng cường ở một số địa bàn; 

Thứ ba, dịch gia tăng mạnh, phải siết chặt phong tỏa và đề xuất với Trung ương để quyết định giải pháp phù hợp.

Trên thực tế, công tác chống dịch chưa mang lại kết quả như mong đợi nên TP đã lỡ cơ hội cho kịch bản thứ nhất, kịch bản thứ hai đang bất đắc dĩ phải áp dụng với các biện pháp tăng cường hơn. Thành phố sẽ có các đánh giá để đề ra những phương án điều chỉnh cấp độ chống dịch phù hợp với thực tế.

Ông Phan Văn Mãi - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM cho biết: “Nếu tình hình dịch tiếp tục diễn biến xấu hơn sẽ khởi động cho tình huống 3. Dù không mong muốn nhưng phải nghĩ đến mọi tình huống có thể xảy ra, chúng ta phải chuẩn bị để có tâm thế cho người dân thành phố, chủ động, chung tay thực hiện đồng bộ các giải pháp chống dịch... Nếu không tuân thủ chặt chẽ quy định thì dịch bệnh sẽ lây lan mạnh, xấu hơn, tồi tệ hơn...".

Những ngày tới, thành phố sẽ tăng cường các lực lượng công an, quân đội vào cuộc để giám sát chặt chẽ việc cách ly xử lý triệt để tình trạng vi phạm quy định chống dịch. Các biện pháp di chuyển sẽ được thắt chặt, đối tượng ra đường sẽ được có văn bản quy định cụ thể theo khung giờ.

Chính vì vậy, TP mong người dân chia sẻ, hợp tác với chính quyền TP để công tác chống dịch đạt kết quả nhất.

Những chuyến xe yêu thương mùa dịch

Trong những ngày vừa qua, khi tình hình dịch tại các tỉnh phía Nam tiếp tục diễn biến phức tạp, cuộc sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn, không chỉ người dân bản địa mà những người từ các địa phương khác đến sinh sống, học tập làm việc còn khó khăn hơn rất nhiều. Trước tình hình đó, rất nhiều người có mong muốn được về quê. Nhiều địa phương cũng đã lên kế hoạch tổ chức đưa công dân địa phương mình trở về bằng tàu hỏa, máy bay... Nhưng không phải ai cũng may mắn được như vậy.

TOÀN CẢNH COVID-19 ngày 25/7: Cả nước tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm cao kỷ lục, TP.HCM đặt lệnh giới nghiêm, chuẩn bị cho tình huống xấu nhất - Ảnh 3.

30 người đi bộ xuyên đêm từ Bình Định về Quảng Ngãi

Những ngày vừa qua, không khó để bắt gặp những hình ảnh, câu chuyện được chia sẻ trên MXH về việc người dân từ nhiều địa phương "cuốc bộ" về quê tránh dịch. Tại sao lại như vậy? Đơn giản bởi vì họ không còn gì, không tiền, không phương tiện, nhưng họ cũng không thể ở lại vì đã không còn xu dính túi. Đi bộ là lựa chọn duy nhất của họ lúc này.

Cách đây ít ngày, câu chuyện 30 người đi bộ xuyên đêm từ Bình Định về Quảng Ngãi khiến nhiều người không khỏi xót xa.

Dịch bệnh khiến họ thất nghiệp, họ muốn được về quê, nhưng không có tiền, không xe, từ đó, cả đoàn quyết định đi bộ về nhà.

Nhưng họ thậm chí còn không đủ tiền để mua gói mì ăn tạm dù còn chưa về được đến nhà.

Hình ảnh 30 con người ăn vội vàng gói mì tôm sống khi được hỗ trợ tại chốt kiểm dịch đèo Bình Đê khiến ai nấy không khỏi nghẹn ngào, xót xa. Và cái kết ấm lòng đã đến với họ khi họ đã được lực lượng công an tại chốt kiểm dịch hỗ trợ phương tiện đưa về nhà.

TOÀN CẢNH COVID-19 ngày 25/7: Cả nước tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm cao kỷ lục, TP.HCM đặt lệnh giới nghiêm, chuẩn bị cho tình huống xấu nhất - Ảnh 4.

Vội vàng ăn mì tôm sống khiến nhiều người không khỏi xót xa.

Mới đây, thêm một câu chuyện đau lòng giữa mùa dịch như vậy tiếp tục được chia sẻ khiến nhiều người không thể kìm lòng.

Đó là câu chuyện về người đàn ông đi bộ 200 cây số từ Đắk Lắk về Bình Phước tránh dịch.

Từ Kiên Giang lên TP.Buôn Ma Thuột làm thuê trong vườn rẫy của một hộ dân. Tuy nhiên hơn 2 tháng trước, anh bị tai nạn gãy xương chân và chấn thương sọ não, phải nằm viện điều trị.

TOÀN CẢNH COVID-19 ngày 25/7: Cả nước tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm cao kỷ lục, TP.HCM đặt lệnh giới nghiêm, chuẩn bị cho tình huống xấu nhất - Ảnh 5.

Người đàn ông rưng rưng vì được các tấm lòng hảo tâm hỗ trợ 7,7 triệu đồng về quê tránh dịch

Thời gian vừa qua dịch bệnh kéo dài, tiền cũng cạn túi, người đàn ông ấy đành đi bộ hơn 180km để về nhà chị gái ở Bình Phước. Suốt 16 ngày đêm mới đến được thị trấn Kiến Đức. Dọc đường, ai cho gì anh đều xin để lót bụng, tối đến ngủ vạ vật ven đường, sáng lại tiếp tục đi bộ về Bình Phước.

Cứ như vậy, lặp đi lặp lại 16 ngày. Những tưởng, người đàn ông ấy sẽ phải tiếp tục hành trình như vậy cho đến tận nhà tuy nhiên, may mắn đã mỉm cười với anh khi anh đã được cán bộ chốt kiểm soát dịch Cai Chanh giúp đỡ.

Khoảnh khắc người đàn ông người đầy lấm lem bùn đất, rưng nước mắt cầm trên tay số tiền mọi người quyên góp ủng hộ khiến nhiều người không khỏi xót xa nhưng cũng không khỏi ấm lòng.

Những trường hợp trên chỉ là một trong nhiều trường hợp người dân khó khăn phải đi bộ về quê tránh dịch. 

"Những đêm mưa gió, tối tăm, nhiều người về tới đây tay chân run lẩy bẩy, không cầm nổi bút để khai báo y tế. Chưa kể, nhiều vợ chồng còn địu cả con nhỏ mới mấy tháng tuổi trên xe, nhìn các em tím tái vì gió lạnh mà thắt lòng", đó là lời tâm sự đầy xót xa của Trung úy Nguyễn Văn Quỳnh (SN 1995, đội Cảnh sát giao thông, Công an huyện Đắk R’lấp, Đắk Nông) cho biết trong quá trình kiểm soát chống dịch tại dốc Cai Chanh, xã Đắk Ru, huyện Đắk R’lấp, giáp với tỉnh Bình Phước.

Dịch bệnh vẫn hoành hành, và sẽ còn rất nhiều mảnh đời khó khăn như thế và hơn thế. Mỗi chúng ta, dù chỉ là một cái dang tay, nhưng hy vọng ai cũng sẽ không ngần ngại giúp đỡ, chia sẻ để họ có thể về với gia đình sớm hơn, đó cũng là giúp cuộc sống tốt đẹp hơn giữa bao khó khăn giữa đại dịch này.

HẠ VŨ

Tin mới