Có thể nhiều người không mấy quan tâm tới chuyện đi vệ sinh trên máy bay. Bởi lẽ ở các chặng bay ngắn, tâm lý của khách thường sẽ là cố "nhịn" khi tới nơi. Song điều này khó mà áp dụng được ở các đường bay dài cũng như trong trường hợp "khẩn cấp". Ấy là lúc bạn cần đi vệ sinh ngay trên chính máy bay.
Tuy nhiên, liệu có phải lúc nào buồn đi vệ sinh thì cũng là thời điểm lý tưởng để "xả"? Không đâu nha, ngay cả chuyện này chị em cũng cần hết sức lưu tâm để đảm bảo an toàn cho bản thân mình lẫn mọi người xung quanh. Để hiểu rõ thêm về điều này, hãy cùng lắng nghe ý kiến của các tiếp viên hàng không nhé!
Đâu là "thời điểm vàng" để đi vệ sinh trên máy bay?
Chia sẻ với trang Readers Digest, tiếp viên hàng không Erika Roth chia sẻ thời điểm tốt nhất để vào nhà vệ sinh trên máy bay là lúc tất cả đang bay ở độ cao 30,000 feet (cách khoảng 9km so với mặt đất). Nghe thì có vẻ mông lung nhưng hãy khoan mất bình tĩnh!
Thực ra, độ cao này là lúc tổ bay tắt đèn dấu hiệu cài dây an toàn. Khi ấy việc bạn đi vệ sinh sẽ không làm ảnh hưởng đến chất lượng chuyến bay. Tuy nhiên, chị em cần lưu ý nhanh chân trước khi phải xếp hàng đợi vào WC. Đồng thời, bạn cũng cần "xả nỗi buồn" trước khi tiếp viên hàng không bắt đầu kéo xe đẩy đồ uống ra ngoài. Điều này giúp cho bạn không bỏ lỡ trải nghiệm gọi thức ăn, nước uống trên chuyến bay cũng như không làm cản trở lối đi của các tiếp viên hàng không.
Giữa hai mốc thời gian kể trên chỉ có khoảng 10 - 15 phút, vậy nên cần tranh thủ chị em nhé. Bên cạnh vấn đề thời gian đi vệ sinh, chúng ta cũng cần lưu tâm về chuyện "mùi". Bởi lẽ ở một không gian hẹp như trên máy bay sẽ khó mà tránh chuyện những "thứ hương không thơm lắm" lan tỏa ra ngoài.
Cũng theo chia sẻ của các tiếp viên hàng không, năm 2015, một hãng hàng không của Anh đã phải ngay lập tức quay trở lại sân bay vì mùi nồng nặc bốc ra từ nhà vệ sinh khiến hành khách cảm thấy ngộp thở, khó chịu.
Mặt khác, chính tiếp viên hàng không cũng có quyền mời một khách hàng rời nhà vệ sinh của máy bay nếu mùi quá khó chịu, hoặc thời gian sử dụng WC quá lâu làm ảnh hưởng tới mọi người xung quanh. Trong trường hợp bạn bị kẹt trong WC, đừng lo bởi sẽ có công tắc báo hiệu giúp tiếp viên nhận biết và mở khóa từ bên ngoài.
Nếu bạn là một "sát thủ mùi mẫn" thì đừng quên mang theo trong túi hoặc nhờ tiếp viên đưa mình một gói cà phê. Mùi của cà phê sẽ làm giảm độ "nồng nặc" của chất thải đấy! Tất nhiên, những gợi ý trên sẽ phù hợp với các trường hợp bất khả kháng. Chị em vẫn nên đi vệ sinh trước khi lên máy bay để trải nghiệm chuyến đi thật trọn vẹn nhé!
Chất thải trên máy bay sẽ đi về đâu?
Ngoài thắc mắc về "thời điểm vàng" đi vệ sinh, chị em trên mạng còn rất tò mò về "số phận" của chất thải trên máy bay. Trước tiên phải khẳng định, lực hút các chất thải của bồn cầu trên máy bay rất mạnh. Cũng bởi lẽ đó mà các thông báo trong WC thường ghi rõ "khách nên đóng nắp bồn cầu trước khi giật nước để tránh vi khuẩn bám lên quần áo".
Thứ hai, hệ thống bồn cầu của WC trên máy bay không giống như những loại bồn cầu thông thường trong các gia đình. Nó có chứa nhựa Teflon - chất hóa học trong chảo chống dính. Vậy nên bồn cầu chắc chắn sạch bong sáng láng sau khi được xả nước. Chất thải từ đây được chuyển vào một khoang ở gầm máy bay.
Sau khi hạ cánh, xe tải tại sân bay sẽ đến đúng vị trí của thùng đựng chất thải và hút hết ra qua ống dẫn. Đồng thời, một ống dẫn khác được lắp vào bên trong nhằm xả nước vệ sinh, làm sạch thùng đựng chất thải. Nói chung, quy trình này sẽ bảo đảm việc máy bay luôn được sạch sẽ dù tốn kha khá nước. Cũng bởi tính chất "bốc mùi" của công việc mà nhân viên đều mặc đồ bảo hộ kỹ càng.
Nhiệm vụ khó nhằn của các nhân viên vệ sinh máy bay.
Hi vọng sau những sự thật thú vị kể trên, chị em đã mở rộng tầm mắt và biết cách hành xử tinh tế trên máy bay trong lần đi tiếp theo nhé!
(Tổng hợp)
M.B