(Tổ Quốc) - Trước trường hợp tiêm tan mỡ gặp sự cố đáng tiếc, BS Dương Ngọc Toàn đã có những chia sẻ liên quan như lời cảnh báo đến mọi chị em phụ nữ đang muốn thực hiện phương pháp làm đẹp này.
Mới đây, thông tin một cô gái bị đứt sâu ở cổ, hoại tử nặng sau khi tiêm thuốc tan mỡ khiến mọi người không khỏi kinh hãi.
Cụ thể, khoảng 4 tháng trước, chị T nghe lời quảng cáo trên mạng đã đi tiêm tan mỡ nọng tại một spa hoạt động trái phép. Sau đó vết tiêm sưng tấy, mưng mủ, sốt, khối u ngày càng phù nề nghiêm trọng, lan khắp cổ. Đi khám, bác sĩ chẩn đoán chị bị "tiêm tạp chất" gây ra nhiễm trùng hình thành áp-xe.
Trước trường hợp tiêm tan mỡ gặp sự cố đáng tiếc, BS Dương Ngọc Toàn (chuyên phẫu thuật thẩm mỹ, làm việc tại Hà Nội) đã có những chia sẻ liên quan như lời cảnh báo đến mọi chị em phụ nữ đang muốn thực hiện phương pháp làm đẹp này.
1. Tiêm tan mỡ là gì?
Thuốc tan mỡ bao gồm Phosphatidylcholine hoặc Deoxycholic giúp phá hủy tế bào mỡ, giải phóng nhiều chất phá hỏng mô và mạch máu. Tiêm chất tan mỡ về bản chất là sử dụng những loại thuốc có chứa những thành phần này vào cơ thể.
2. Tiêm tan mỡ nguy hiểm như thế nào?
Theo BS Toàn, điều đáng nói là hiện nay có quá nhiều thuốc tan mỡ không rõ nguồn gốc. Thậm chí còn được bán rất nhiều trên các sàn thương mại điện tử.
Điều đó có nghĩa là bạn có nguy cơ tiêm phải "tạp chất" vào cơ thể. Từ đó dẫn đến nhiễm trùng, hình thành khối áp xe, hoại tử. Để càng lâu càng nguy hiểm. Thậm chí tử vong có ngày.
Khi tiêm những thuốc tan mỡ này vào cơ thể, nó sẽ phá cơ và mạch máu, giải phóng những chất hoạt hóa. Điều đáng nói, chúng gây ảnh hưởng đến mô chứ không phải mỡ. Khi thực hiện tiêm sai sẽ dẫn đến hoại tử nhiễm trùng. Để điều trị dứt điểm cần phải dẫn lưu ổ mủ, điều trị áp xe cực kỳ phức tạp.
Ngoài ra, nhiều người thực hiện tiêm lại không đảm bảo chuyên môn. Nhiều cơ sở spa hoạt động trái phép cũng thực hiện, nhiều người còn tiêm ngay tại nhà... Điều này càng làm tăng nguy cơ rủi ro, biến chứng đáng sợ. Trong đó nhiều nhất là nhiễm trùng, hoại tử...
3. Vì sao không nên thực hiện tiêm tan mỡ?
BS Dương Ngọc Toàn khẳng định, kết quả, sự an toàn của tiêm tan mỡ cho đến nay vẫn chưa hề được FDA công nhận. Trong thực tế ghi nhận, tiêm tan mỡ cũng không giúp chị em giảm được bao nhiêu, biến chứng ghi nhận lại rất nhiều.
Đây chính là một sự thật mà bất cứ ai muốn làm đẹp kiểu này cũng phải nắm rõ. BS Toàn cho rằng chị em phụ nữ hay bất cứ ai đều không nên thực hiện tiêm tan mỡ. Bởi dẫu sao, trong làm đẹp thì an toàn vẫn phải xếp lên hàng đầu.
4. Thay vì tiêm tan mỡ, chúng ta có thể áp dụng những cách gì?
Thay vì tiêm tan mỡ có quá nhiều rủi ro, biến chứng trong thực tế lại chưa được công nhận an toàn từ FDA, chúng ta nên thực hiện những phương pháp khác an toàn, hiệu quả hơn.
Bạn có thể thực hiện hút mỡ tại những khu vực như bụng, nọng cằm, bắp tay, bắp chân... Tại những khu vực như mắt có thể cắt bọng mắt, lấy mỡ bọng mắt nội soi... đều là những phương pháp an toàn được chứng nhận.
5. 3 điều cần ghi nhớ kỹ khi đi làm đẹp ai cũng nên biết
Thứ nhất, hãy tìm hiểu kỹ bác sĩ sẽ thực hiện làm đẹp cho bạn. Dù là tiểu phẫu hay phẫu thuật thì cũng cần phải tìm hiểu kỹ bác sĩ có được đào tạo chính quy không, có đủ trình độ, kinh nghiệm... để thực hiện hay không.
Thứ hai, điều vô cùng quan trọng đó là cơ sở thực hiện làm đẹp. Phẫu thuật thẩm mỹ dù là làm gì đi chăng nữa cũng không thể tùy tiện thực hiện tại nhà riêng, tại spa... Tốt nhất nên thực hiện tại bệnh viện có chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ, cơ sở làm đẹp được chứng nhận.
Thứ ba, chất liệu được dùng để tiến hành làm đẹp cho mình. Bạn cần tìm hiểu kỹ nguồn gốc xuất xứ, có được phép sử dụng hay không... Thông thường, khi thực hiện tại cơ sở uy tín cùng bác sĩ có chuyên môn thì rủi ro về chất liệu làm đẹp sẽ thấp hơn.
TH