(Tổ Quốc) - Vì muốn bữa ăn gia đình thơm ngon và an toàn nhất, không có thuốc kích thích hay tăng trọng, nhiều bà nội trợ chuộng mua thực phẩm quê hoặc thực phẩm "nhà làm" khiến loại hình thực phẩm này ngày càng nhập nhèm về chất lượng.
Thực phẩm tự gắn mác "quê", "nhà làm" dù giá đắt đỏ nhưng vẫn đắt khách
Không ngày nào dạo chợ mạng mua sắm, chị Hoàng Thị Bích, 30 tuổi (nhân viên công sở) ở Dương Đình Nghệ, Hà Nội lại không thấy nhan nhản các topic bán thực phẩm sạch từ quê mang ra hoặc các thực phẩm "nhà làm".
Theo chị Bích chia sẻ, vợ chồng chị đều là những người làm công ăn lương nên sáng đi làm và tối mới trở về nhà. Nhà chị lại có con nhỏ nên chị rất bận bịu. Vì thế, cuối tuần nào chị Bích cũng đi chợ 1 lần để mua đồ ăn cho cả nhà. Trong tuần nếu muốn cải thiện thì chị lướt mạng mua thêm một số đồ quê hay món ăn tự làm nào đó.
"Mình rất hay mua trứng gà, trứng vịt quê, thậm chí mua rau, mua gà, vịt của một người quen ở Sơn Tây. Nhà chị ấy có mẹ chồng trồng cả vườn rau củ, lại có ao thả cá và nuôi gà vịt nhiều lắm. Vì thế cứ hôm nào ăn thì tối nhắn inbox facebook cho chị ấy mang xuống Hà Nội và ship cho mình. Thỉnh thoảng lười nấu ăn, mình lại vào mạng xem có món gì ngon, thì lại đặt mua về ăn. Chẳng hạn như chả cá hoặc cá kho mình vẫn thường đặt mua của một chị khác. Chị này quảng cáo nhà tự làm bán", chị Bích chia sẻ.
Người phụ nữ công sở này cũng thừa nhận, khi ăn những thực phẩm quê hoặc các món ăn gắn mác "nhà làm", chị thấy hương vị cũng khá ổn: "Được cái đây đều là những thực phẩm quê sạch, không có thuốc trừ sâu hay thuốc tăng trọng nên mình khá yên tâm khi mua. Cho dù giá của chúng có đắt hơn một chút so với những đồ mua tại chợ hay siêu thị mình cũng chấp nhận vì đảm bảo an toàn".
Bà nội trợ này cũng cho biết, không chỉ riêng chị hay mua những đồ quê, thực phẩm nhà làm mà các đồng nghiệp khác chỗ chị cũng rất sính đặt thực phẩm này.
"Nhiều khi mình và đồng nghiệp đặt mua chung mít quê sạch với giá 40 ngàn đồng/kg. Hoặc mua trứng gà 40 ngàn đồng/chục quả. Gà ta 150 ngàn đồng/kg… Trong khi đó giá bán tại chợ những thực phẩm này rẻ hơn từ 10-20 ngàn đồng", chị Bích kể.
Người này còn cho biết, dù giá bán thực phẩm sạch gắn mác quê hoặc thực phẩm gắn mác nhà làm được bán giá không hề rẻ, vậy mà nhiều khi chị Bích và các đồng nghiệp phải đặt mua vài ngày mới có hàng. Nhiều lúc để chắc chắn có hàng, chị Bích còn phải chuyển khoản đặt cọc trước.
Khi hỏi chị Bích về việc có đảm bảo chắc chắn những thực phẩm mua online đó thực sự là thực phẩm quê sạch hoặc của nhà làm 100% không thì bà nội trợ này ngần ngại: "Thật ra cũng không biết chắc có đúng rau cỏ được hái tại vườn hay tôm cá, gà vịt có phải của nhà người đó nuôi không. Mình chỉ nhìn qua facebook và đặt niềm tin vào người bán thôi. Hơn nữa, do của nhà số lượng cũng hạn chế, mình thấy không phải lúc nào đặt mua cũng có hàng?".
Nhập nhèm chất lượng thực phẩm tự gắn mác "quê", "nhà làm"
Thường xuyên đăng tải bán đồ quê sạch trên chợ mạng, chị Trần Thu Giang (Thường Tín, Hà Nội) rất được các bà nội trợ mua hàng online tín nhiệm. Nhà chị Giang có vườn rất rộng nên mùa nào thức ấy. Chị thường bán đủ các chủng loại từ các loại rau xanh vườn nhà đến tôm, lươn, cua, cá, ếch đồng…
Khi hỏi về xuất xứ của những thực phẩm bán online, chị Giang khẳng định: "Tất cả rau xanh đều là nhà mình trồng. Còn tôm cua cá thì thi thoảng nhà tát ao mình cũng đăng bán. Ngoài ra, nhiều khi mình gom cá cua, lươn, ếch của những người dân trong làng đi đánh bắt ngoài đồng về bán?!".
Cũng thường xuyên rao bán đồ quê sạch trên chợ mạng, chị Đỗ Hạnh ở Chương Mỹ, Hà Nội thành thực thú nhận: "Mang tiếng là đồ quê nhưng cũng có năm bảy loại đó. Thông thường, thực phẩm hay vật nuôi nhà người ta ăn sẽ được nuôi trồng theo kiểu khác. Ví như nuôi gà quê. Nếu là gà của nhà ăn thì họ sẽ nuôi thả trong vườn để ăn thóc. Còn nếu gà bán, họ sẽ cho ăn ngô, ăn cám cò. Vì thế khi bán hàng mình cũng thường nói rõ cho các khách biết. Chứ đồ quê nhà nuôi trồng thì lấy đâu ra có nhiều mà bán".
Người phụ nữ ở Chương Mỹ này chia sẻ, như nhà chị ở quê thật nhưng diện tích đất ở cũng hẹp. Vì thế, nhà chị cũng không chăn nuôi được gia cầm: "Tôm cua cá hàng ngày hoặc gà vịt mình thường mua tại chợ làng gần nhà. Giá thì khá rẻ mà vẫn tươi ngon. Vì thế, nhiều đồng nghiệp ở Hà Nội thấy vậy nên cũng hay nhờ mình đặt mua. Do đó mình rao bán thêm trên mạng để mẹ nào lấy hàng thì tiện mình gom mua giúp cả thể".
Người phụ nữ này cũng khẳng định, giờ sống ở quê chị cũng không chắc mua được thực phẩm sạch 100%. Bởi ra chợ mua, ai cũng nói nhà họ trồng, nhà họ tự nuôi song cũng không thể rõ quy trình nuôi trồng như thế nào: "Đồ quê thì không có tem an toàn hay ghi mã số của cơ sở sản xuất, công khai giá cả. Đặc biệt chất lượng thực phẩm quê hiện cũng chưa có cơ quan chức năng nào kiểm chứng, quản lý sản phẩm bị thả nổi. Vì thế cũng chỉ hy vọng rau củ quả và gia cầm quê được nuôi trồng hữu cơ, hy vọng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm".
Chị Hạnh cũng khuyên: "Nói chung ăn gì hiện nay cũng nên cảnh giác, nhất là cảnh giác với những thực phẩm tự treo biển đồ quê sạch hay nhà làm. Bởi thực tế, nhiều người chỉ gắn mác vậy cho dễ bán và bán với mức giá cao hơn nhằm trục lợi".
Thảo Nguyên