(Tổ Quốc) - Việc cho trẻ em sử dụng điện thoại thông minh, hay xem TV có nhiều lợi ích cho quá trình học hỏi của trẻ. Tuy nhiên, nếu cha mẹ để con "nghiện" xem sẽ để lại nhiều hậu quả khó lường.
"Không cho con xài điện thoại, IPAd khi ăn" là thử thách mà bác sĩ CKII Đặng Thị Kim Huyên - Trưởng khoa Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM đặt ra với các bậc cha mẹ.
Theo vị bác sĩ này, khi con ăn, tín hiệu từ trên não bộ sẽ truyền xuống bao tử và sau đó sẽ tiêu hóa thức ăn để tạo dinh dưỡng nuôi toàn cơ thể và năng lượng cho bé.
"Khi con mải xem điện thoại, Ipad, TV... thì làm sao cái bao tử làm việc được? Não bộ sẽ không nhận được tín hiệu tích cực là món ăn này ngon hay dở, rồi sẽ không truyền được năng lượng tích cực để tiêu hóa thức ăn" - Bác sĩ Huyên giải thích.
Thử thách cha mẹ không cho xem điện thoại, TV khi con ăn
Thực tế, nhiều cha mẹ lại lấy điện thoại, IPad hoặc TV làm "mồi nhử" để con chịu ăn cơm. Cứ đến giờ con ngồi vào bàn ăn là y như rằng họ lại đưa điện thoại hoặc bật TV lên. Cha mẹ nghĩ rằng cách này sẽ giúp con ăn nhiều hơn, nhanh hơn. Việc cho bé ăn cũng trở nên nhàn nhã hơn. Tuy nhiên, sự thật thì không phải như vậy. Ban đầu có thể bé mải xem nên khi cha mẹ đút thức ăn vào miệng, con sẽ nhai nuốt luôn và không kháng cự. Tuy nhiên về lâu về dài, khi con quá quen với việc dùng điện thoại, IPad, TV khi ăn thì chúng sẽ quấy khóc, lười ăn, ăn chậm...
Ths.BS Vũ Thị Thúy Lan - phụ trách phòng khám Cây Thông Xanh (Hà Nội) từng trả lời về vấn đề này trên báo chí: "Nhiều người cứ nghĩ làm như vậy trẻ ăn được nhiều là tốt. Nhưng đó là quan điểm hoàn toàn sai lầm. Vì khi vừa ăn, vừa xem trẻ sẽ như một cái máy chỉ biết há miệng và nuốt thức ăn mà không biết món ăn đó có ngon hay không? Vị giác không cảm nhận được và như vậy việc hấp thụ, tiêu hóa sẽ gặp vấn đề. Kết quả là dù trẻ ăn được nhiều nhưng vẫn suy dinh dưỡng, thậm chí mắc cả bệnh dạ dày".
Bệnh viêm dạ dày chủ yếu là do nhiễm Helicobacter pylori. Tuy nhiên, trẻ vừa ăn vừa xem TV, điện thoại cũng là 1 trong những tác nhân làm trầm trọng thêm bệnh viêm dạ dày tá tràng. Bởi con mải xem, quá trình tiêu hóa không được lưu thông. Thức ăn bị ứ trệ khiến cho dạ dày phải tiết nhiều acid để tiêu hóa thức ăn, việc tiết dịch acid quá mức của dạ dày sẽ ăn mòn niêm mạc dạ dày, lâu dần đã tới viêm loét dạ dày tá tràng.
Ngoài ra, việc cho con vừa ăn vừa xem sẽ để lại hàng loạt những hậu quả khác như bé tăng cân khó kiểm soát, bị rối loạn tiêu hóa, giảm tốc độ trao đổi chất, thiếu đi sự tương tác giữa các thành viên trong gia đình...
Làm thế nào để thay đổi thói quen vừa ăn vừa xem điện thoại, TV cho trẻ?
Để thay đổi thói quen cho con vừa ăn vừa xem TV, cha mẹ cần quyết tâm thực hiện. Có thể ban đầu chúng sẽ quấy khóc, dỗi hờn, không chịu ăn. Nhưng rồi dần dần trẻ sẽ quen và học được cách tập trung ăn mà không cần xem điện thoại, máy tính bảng...
- Đầu tiên cha mẹ cần đảm bảo con mình đói để trẻ tập trung vào việc ăn uống. Nghĩa là không nên cho chúng ăn nhiều đồ ăn vặt, bữa phụ...
- Cha mẹ có thể đặt ra một quy tắc là khi ăn cơm không được xem TV. Nếu trẻ vẫn muốn xem chương trình mà mình thích, phụ huynh có thể khuyến khích con bằng cách ra điều kiện: Con ăn xong mới được xem.
- Kiên nhẫn dụ bé ăn chứ đừng dùng đến TV hoặc máy tính bảng.
- Để trẻ ngồi ăn chung với cả gia đình để dần hình thành thói quen ăn uống lành mạnh.
- Cách tốt nhất là ngay từ khi con bắt đầu ăn dặm, mẹ tuyệt đối không cho con xem TV, máy tính bảng...
Hướng Dương HT