(Tổ Quốc) - Vào ngày nóng bức tại Việt Nam, sản phẩm làm mát này chiếm từ 28 đến 64% (tính trung bình là 40%) của hóa đơn tiêu thụ điện của một hộ gia đình.
Thứ chiếm tiền điện "khủng khiếp" mà chúng tôi đang nhắc tới ở đây chính là chiếc điều hòa thân yêu của gia đình bạn.
Trời càng nóng, dùng càng nhiều
Không cần trình bày nhiều, nhiệt độ nóng bức của mùa hè miền Bắc đủ để làm bất kỳ ai phải đầu hàng. Chưa kể nhà phố san sát nhau, hiệu ứng nhà kính khiến nhiệt độ và khí nóng oi bức càng tăng cao. Từ đó, nhu cầu tiêu dùng và sự dụng các thiết bị làm mát tăng đột biệt vào những ngày hè là điều dễ dàng lý giải.
PGS.TS. Nguyễn Việt Dũng - Viện trưởng Viện KHCN Nhiệt - Lạnh, ĐH Bách khoa Hà Nội phân tích: “Cứ trung bình nhiệt độ ngoài trời tăng 1 độ C thì tiêu thụ điện của điều hòa tăng 2 - 3% trong mỗi hộ gia đình. Nhiều người dùng còn có thói quen giảm nhiệt độ điều hòa khi trời tăng nhiệt cũng là lý do khiến tốn thêm điện tiêu thụ. Nếu nhiệt độ cài đặt của điều hòa trong phòng để thấp xuống 1 độ, tiêu thụ điện năng của điều hòa cũng tăng lên 1,5 - 3%”.
Chưa kể, 1 máy điều hòa nhiệt độ 9000 BTU có công suất dao động từ 800 – 850W. Các máy 12.000 BTU có công suất 1.500W. Đây được xem là số công suất sử dụng ở mức cao nhất trong các thiết bị gia dụng làm mát trong nhà.
Như vậy, nếu nhà bạn sử dụng một chiếc điều hòa nhiệt độ 9.000BTU chạy trong vòng một tiếng đồng hồ sẽ tiêu tốn 0,85KWh (gần 1 số điện).
Cùng làm một bài toán nho nhỏ:
Giả sử một ngày điều hòa nhà bạn hoạt động cực ít, chỉ trong khoảng 8 tiếng. Vậy lượng điện tiêu thụ sẽ là: 0,85KW/h x 8h = 6,8 kW/h.
Nếu tính tiền điện phải đóng, trung bình 2.500 đồng/số.
Như vậy, tổng tiền bạn phải trả là cho thiết bị điều hòa 1 tháng sẽ là (6,8 kW/h x 2.500 đồng) x 30 ngày = 510.000 đồng.
Chưa kể gia đình đông thành viên, sử dụng từ 2 điều hòa trở lên hoặc dùng liên tục trong ngày sẽ tốn tiền điện gấp nhiều lần. Chính vì thế, hóa đơn tiền điện tăng cao nguyên nhân lớn tới từ thiết bị làm mát này.
Mua điều hòa ngày hè cần quan tâm thêm nhãn năng lượng
Ngoài lựa chọn các sản phẩm điều hòa tiết kiệm điện như sử dụng công nghệ làm mát Inverter, điều hòa có nhiều chức năng, điều hòa lọc và làm sạch không khí thì bạn cũng cần quan tâm thêm nhãn năng lượng.
Theo PGS.TS Nguyễn Việt Dũng chia sẻ: “Cần chọn và sử dụng các loại điều hòa được dán nhãn năng lượng 5 sao theo quy định Bộ Công Thương và phù hợp với diện tích phòng. Có 5 mức dãn nhán năng lượng từ 1 đến 5 sao, và càng nhiều sao thì càng tiết kiệm điện.
Cùng một điều hòa công suất 9.000 hoặc 12.000 BTU, chênh lệch điện tiêu thụ giữa loại 1 và 5 sao đã là 24% (theo TCVN 7830-2015).
Điều hòa 9.000 BTU thích hợp phòng từ 10-16m², loại 12.000 BTU thích hợp phòng từ 12-22m², còn phòng từ 18-36m² cần dùng điều hòa 18.000 BTU… Nếu lắp đặt không phù hợp công suất sẽ khiến điều hòa chạy quá tải không tiết kiệm điện và nhanh hỏng”.
Lưu ý khi sử dụng điều hòa
Ngoài ra, để tiết kiệm điện, người dùng cần để mức nhiệt độ tốt nhất là từ 26 đến 28 độ C. Việc để nhiệt độ thấp không khiến điều hòa làm lạnh nhanh hơn mà chỉ khiến tốn điện, hại máy và không đảm bảo sức khỏe.
Trong trường hợp chưa đủ mát, người dùng có thể bật thêm quạt gió kết hợp, sẽ giúp tiết kiệm điện khoảng 2 đến 3% điện năng so với việc bật điều hòa ở mức nhiệt thấp hơn.
Cùng với đó, việc không thường xuyên vệ sinh điều hòa cũng là nguyên nhân gây lãng phí điện năng. Sau một thời gian sử dụng, các lưới lọc gió và hốc đẩy gió lạnh thường bị bẩn, thậm chí rêu mốc khiến máy lạnh hoạt động kém hiệu quả, tốn điện gây hại sức khỏe.
Điều hòa sau thời gian dài sử dụng, cả giàn nóng và giàn lạnh đều có các lá tản nhiệt bị mềm, trong khi gas lạnh có thể bị hao hụt, dầu máy bị bẩn cũng như các chi tiết cơ khí bị mài mòn. Hiệu quả làm lạnh có thể bị giảm tới 10 đến 15%. Việc bảo trì vệ sinh đúng cách sẽ giúp kéo dài tuổi thọ điều hòa.
Ngoài ra, các thiết bị điện tử như quạt, điều hòa, ti vi… khi không sử dụng nên ngắt hẳn nguồn điện, bởi nếu chỉ tắt bằng điều khiển, một số linh kiện vẫn phải hoạt động ở chế độ chờ và gây tiêu tốn năng lượng.
NH