Thông tin lực lượng bộ đội tham gia chống dịch Covid-19 nằm la liệt, "ăn bờ ngủ bụi" là sai sự thật

(Tổ Quốc) - Tối 25/8, trong chương trình livestream "Dân hỏi - Thành phố trả lời", ông Lê Quang Tự Do - Phó Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) giải đáp những thắc mắc của người dân về các thông tin sai sự thật lan truyền trên mạng xã hội.

Ngày 25/8, trên mạng xã hội lan truyền thông tin các lực lượng quân đội không được chăm lo khi tham gia chống dịch, phải "ăn bờ ở bụi" kèm hình ảnh các chiến sĩ bộ đội nằm la liệt trên sàn gây xôn xao dư luận.

Trả lời về vấn đề này, trong chương trình livestream "Dân hỏi - Thành phố trả lời" tối 25/8, ông Lê Quang Tự Do - Phó Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã khẳng định đây là thông tin sai sự thật.

Thông tin lực lượng bộ đội tham gia chống dịch Covid-19 nằm la liệt, “ăn bờ ngủ bụi” là sai sự thật - Ảnh 1.

Thông tin lực lượng bộ đội tham gia chống dịch Covid-19 nằm la liệt, "ăn bờ ngủ bụi" là sai sự thật

Qua quá trình xác minh, đây là những hình ảnh lực lượng bộ đội tham gia cứu trợ người dân trong vụ sạt lở ở Rào Trăng tháng 10 năm 2020.

"Chúng tôi đã điều tra và xác minh đây là những hình ảnh lực lượng bộ đội tham gia cứu trợ người dân trong vụ sạt lở ở Rào Trăng vào tháng 10 năm ngoái.

Đợt lũ lụt đi vào trong rừng sâu nước thẳm, ở nơi đang bị sạt lở đất thì chắc chắn lực lượng bộ đội phải nằm ngủ ở nơi như thế rồi. Tuy nhiên, những hình ảnh đó chắc chắn không phải hình ảnh 40 ngàn cán bộ chiến sĩ bộ đội tham gia chống dịch vừa rồi không được bố trí ăn ngủ và phải nằm như vậy.

Thông tin lực lượng bộ đội tham gia chống dịch Covid-19 nằm la liệt, “ăn bờ ngủ bụi” là sai sự thật - Ảnh 2.

Ông Lê Quang Tự Do - Phó Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông)

Đây là thông tin sai sự thật hoàn toàn, đề nghị bà con cẩn thận, không chia sẻ những thông tin này", ông Do khẳng định.

Bên cạnh đó, ông Lê Quang Tự Do cũng chia sẻ thời gian qua có nhiều thông tin sai sự thật với mục đích xấu gây hoang mang dư luận. Đồng thời, kêu gọi người dân khi nghe, đọc thông tin trên mạng xã hội cần có bộ lọc, cẩn thận với các thông tin sai sự thật ở những trang không chính thống.

PV

Tin mới