Thời điểm sản phụ Tình vào phòng sinh, bác sỹ trực chính lại có chuyên môn răng hàm mặt

(Tổ Quốc) - Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Đức Thọ đã xác nhận với Vietnamnet thông tin gây bất ngờ này.

Ông Phạm Hồng Cường (Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, hôm nay cho biết trên Trí Thức Trẻ, thời điểm sản phụ Nguyễn Thị Tình (SN 1982, trú huyện Can Lộc) vào sinh thì có 2 nữ hộ sinh tên Hoàng Thị Định và Hoàng Thị Trinh.

Trong quá trình đỡ đẻ, hai hộ sinh gọi bác sỹ Nguyễn Minh Đức (Trưởng khoa Sản Bệnh viện huyện Đức Thọ) tới xử lý, khi không kéo được em bé ra.

Sau đó xảy ra sự việc em bé tử vong, với vết thương ở cổ được khâu lại.

"Trẻ này đã chết lưu, vì khi sinh ra, da lầy lụa hết ở cổ tay và cổ chân. Giả thiết 2 nữ hộ sinh kéo chết do ngạt thì cơ thể trẻ sẽ bị tím, nhưng đây da lại lầy lụa hết ở cổ tay", Zing.vn dẫn lời ông Cường.

Theo lời vị Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ nói với Zing.vn, đơn vị đã gọi hai nữ hộ sinh lên để hỏi xem "có nghe thấy tim thai của trẻ thật hay không?. Nhiều khi hộ sinh báo cáo láo. Hoặc là nghe nhầm". Song hai nữ hộ sinh nói "đã nghe được tim thai, nghe tới 3 lần".

Chiều 2/7, trong bản tin của Vietnamnet đưa thông tin khá "sốc" quanh vụ việc này. Đó là tại thời điểm sản phụ Tình vào phòng sinh, thì bác sỹ trực chính và cũng là bác sỹ duy nhất khi đó, là người có chuyên môn về răng hàm mặt.

Cụ thể, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Đức Thọ Phạm Hồng Cường nói với Vietnamnet: Do bệnh viện thiếu bác sỹ khoa sản, không còn cách nào khác nên để bác sỹ Nguyễn Hữu Quyền (khoa Răng - Hàm - Mặt) trực chính ở khoa sản và tham gia đỡ đẻ ca sinh của chị Tình.

Theo ông Cường, do thiếu người nên bác sỹ Quyền phải trực khối gồm cả khoa ngoại và sản. Ông Cường nói trên Vietnamnet: "Do thiếu người nên cả khoa sản chỉ có hai bác sỹ. Ngoài bác sỹ Đức thì còn một bác sỹ khác đang đi vắng. Vì thiếu người nên bác sỹ Quyền chuyên Răng Hàm Mặt phải phụ trách. Sắp tới phải đề xuất xin sở y tế bổ sung người".

Cũng theo nguồn trên, khi được hỏi về những công việc làm trong ca trực đó, ông Quyền cho biết: "Tôi chỉ giúp các hộ sinh. Các hộ sinh bảo tôi làm gì, lấy cái gì thì tôi sẽ làm cái đó".

Theo bác sỹ Quyền, ở khoa sản thì bác sỹ Đức có trách nhiệm, còn ông "là bác sĩ trực nhưng không có chuyên môn về thai sản và chưa từng làm về sản nhi".

Chia sẻ trên Zing.vn về vụ việc, bác sĩ Bùi Chí Thương, Bộ môn Phụ sản (Đại học Y dược TP.HCM) cho rằng, nếu là thai lưu thì tất cả các mạch máu không thể hoạt động được.

"Do đó, tuyệt đối không thể nhầm lẫn tiếng động mạch thai nhi thành tiếng tim. Đây là điều cần khẳng định rõ", bác sỹ Thương khẳng định, đồng thời nói nhân viên y tế chỉ có thể nhầm tiếng động mạch của mẹ với tim thai, song đây là trường hợp rất hiếm khi xảy ra.

(Tổng hợp)

T.Tú

Tin mới