(Tổ Quốc) - Người trẻ chết vì trầm cảm nhiều năm gần đây nhiều lắm, người ở độ tuổi trung niên cũng không thiếu. Trong thời đại 4.0, dưới áp lực ngày càng nhiều của cuộc sống, của công việc đã khiến đời sống tinh thần của nhiều người bị ảnh hưởng.
Ngày 14/10 của 2 năm về trước, giới giải trí châu Á bị chấn động khi hay tin Suli - một nữ thần tượng xứ Hàn đã tự sát tại nhà riêng. Theo lời cảnh sát, vào khoảng 3 giờ 21 phút chiều ngày 14 tháng 10, quản lý của Sulli phát hiện nữ ca sĩ tử vong tại lầu 2 nhà riêng ở Sujeong thuộc tỉnh Gyeonggi, sau đó gọi cho cảnh sát báo án. Căn cứ vào nội dung báo án, cảnh sát suy đoán có khả năng Sulli từng mắc chứng trầm cảm. Đây từng là thông tin gây sốc cho làng giải trí Hàn và người hâm mộ nữ ca sĩ. Đây không phải trường hợp duy nhất mắc bệnh trầm cảm gặp trong thời đại 4.0 gặp phải kết cục đau xót.
Không lâu sau cái chết của Suli, nữ diễn viên Goo Hara cũng tự sát tại nhà riêng và cũng được kết luận đang mắc bệnh trầm cảm. Cựu thành viên nhóm KARA từng tự tử nhưng bất thành. Tuy nhiên, chỉ 6 tuần sau vụ tự tử của người bạn thân Sulli, Goo Hara đã tự kết liễu cuộc đời mình.
Không riêng gì sao trẻ Hàn, vào ngày 16/9/2016, tài tử "Hóa ra anh vẫn ở đây" Nhậm Kiều Lương tự sát tại nhà riêng ở tuổi 28. Nhiều bạn bè đồng nghiệp cho hay anh bị trầm cảm vài năm nay cùng với chứng mất ngủ kéo dài. Áp lực từ dư luận khiến anh rơi vào trạng thái mệt mỏi hơn, bệnh có dấu hiệu trở nặng. Đây được cho là nguyên nhân khiến nam diễn viên hành động dại dột.
Pratyusha Banerjee được xem là ngôi sao của điện ảnh Ấn Độ đương thời, sau vai diễn trong bộ phim Cô dâu 8 tuổi. Cũng vào năm 2016, cô treo cổ tự tử tại nhà riêng, ở tuổi 25 sau thời gian gặp khủng hoảng tâm lý cũng như buồn chán trong tình yêu và công việc. Trước đó, cô từng bị một nhóm cảnh sát quấy rối tình dục.
Nhiều người cho rằng, người trẻ nổi tiếng dễ áp lực hơn trong thời đại 4.0 nên nguy cơ trầm cảm và diễn biến ngày càng khó đoán. Điều này cũng không hẳn đúng vì thực tế cũng ghi nhận vô số những ngôi sao kỳ cựu khác ở độ tuổi trung niên như Stevie Ryan, Chris Cornell, nhà thiết kế, doanh nhân nổi tiếng Kate Spade, đầu bếp và người dẫn chương trình truyền hình người Mỹ Anthony Bourdain, danh hài người Mỹ Robin Williams... cũng vì áp lực công việc, cuộc sống mà dẫn đến trầm cảm.
Người trẻ chết vì trầm cảm nhiều năm gần đây nhiều lắm, người ở độ tuổi trung niên cũng không thiếu. Trong thời đại 4.0, dưới áp lực ngày càng nhiều của cuộc sống, của công việc đã khiến đời sống tinh thần của nhiều người bị ảnh hưởng. Điểm qua những người nổi tiếng thôi, ta đã thấy cả một danh sách. Còn những người bình thường trong cuộc sống hàng ngày, bạn đâu có thể biết rõ được. Thế giới có hàng tỷ người, mỗi người đều có nỗi khó khăn, khổ sở riêng. Dù cho người giàu hay kẻ nghèo, mỗi con người đều có những nỗi niềm nhất định trong cuộc sống. Nhưng đa số chúng ta có thể vượt qua những triệu chứng của trầm cảm vì nó nhẹ nhàng và có hướng giải quyết rõ. Một bộ phận còn lại ngày càng lún sâu vào vũng lầy này, rồi một ngày không thể bước chân ra nổi, cuộc sống cứ một màu đen tối, đến cuối cùng họ chọn cái chết làm giải pháp cho cuộc đời mình.
Bệnh trầm cảm là gì?
TS Nguyễn Doãn Phương (Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, trầm cảm là căn bệnh xuất hiện ngày càng nhiều trong cuộc sống hiện đại, trong đó nữ thường gặp hơn nam. Đây là một chứng bệnh thuộc nhóm bệnh tâm thần. Áp lực của cuộc sống hiện đại, cuộc sống trong thời đại công nghệ 4.0 khiến trầm cảm đang có xu hướng trẻ hóa.
Bệnh trầm cảm có những triệu chứng, dấu hiệu cụ thể như thế nào?
Theo chuyên gia, bệnh trầm cảm có nhiều mức độ khác nhau. Ở mức độ nhẹ, bệnh trầm cảm có các dấu hiệu:
- Tâm trạng buồn bã, có hoặc không kèm theo triệu chứng hay khóc.
- Không có động lực, giảm hứng thú trong mọi việc, kể cả những hoạt động nằm trong sở thích trước đây.
Ở tình trạng nặng dần, bệnh trầm cảm có các dấu hiệu:
- Rối loạn giấc ngủ.
- Thay đổi khẩu vị.
- Mệt mỏi.
- Chuyển động chậm chạp, dễ bị kích động.
- Khó khăn trong việc tập trung hoặc trong giải quyết các vấn đề đơn giản hàng ngày.
- Cảm giác thất vọng và tội lỗi về bản thân.
- Suy nghĩ về cái chết hoặc có ý định tự tử.
- Tự tử.
Vì sao người mắc bệnh trầm cảm xuất hiện ngày càng nhiều trong thời đại 4.0?
Sự ra đời của Internet là một bước tiến hiện đại trong lịch sử loài người. Việc kết nối của mạng xã hội như Facebook, Twitter, Instagram, Zalo, Tiktok... tưởng chỉ là đem đến những câu chuyện cười vui, giúp bạn hạnh phúc hơn. Thực tế không phải vậy. Sau những lần lên mạng xã hội, chúng ta thường có xu hướng u buồn, cô độc, lạc lõng hơn. Thế rồi lại tiếp tục vòng xoáy phải vào mạng xã hội, các phương tiện truyền thông giải trí để tìm kiếm nụ cười rồi nụ cười lại vụt tắt. Quy trình như thế lặp đi lặp lại mỗi ngày. Nghiên cứu của Đại học Michigan năm 2015 đăng tải trên Healthline cho thấy, sự buồn chán, thất vọng ở người trẻ tỉ lệ thuận thời gian lang thang trên các mạng xã hội là minh chứng rõ nhất cho điều này.
Nếu như bình thường, gặp một ai đó, bạn sẽ giao tiếp như thế nào? Bạn nhìn vào mắt họ, nói chuyện với họ, nghe rõ giọng nói họ, chạm vào ôm hôn (nếu có), cảm nhận rõ sự hiện diện của người ấy khi gặp... Ngày nay, Internet đã kết nối chúng ta theo cách cao siêu hơn vì ở bất cứ đâu bạn cũng nhìn thấy người mình muốn thấy. Thế nhưng, chính công nghệ 4.0 ngày càng hiện đại, nhất là trong thời gian dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, mối quan hệ gặp gỡ giữa người với người càng trở nên xa cách. Chúng ta không cảm nhận thấy nhau như cách chúng ta vẫn từng dù nhìn thấy nhau bằng xương bằng thịt, bằng hình ảnh thật, vô cùng sống động qua màn hình điện thoại, máy tính... Nhiều người cho rằng Internet làm cho người với người dù thân quen hay xa lạ cũng dễ dàng kết nối với nhau. Thế nhưng, dường như giá trị này chỉ mang tính hình thức là chủ yếu.
Mạng xã hội cho bạn những gì? Bạn có xu hướng đăng những hình ảnh xinh xắn, hoàn hảo lên mạng và mong chờ những lượt bày tỏ cảm xúc, mong chờ những chiếc bình luận dễ thương... Những điều chẳng mang lại cơm cháo này cho bạn lại tác động rất lớn đến niềm vui của bạn. Bạn mong chờ được nhiều người tương tác, nhiều lời khen ngợi... Cứ thế, dần dần, cuộc sống thực và ảo - khoảng cách cứ ngày một tăng lên. Bạn đôi khi muốn vứt bỏ cuộc sống thật để chạy theo giá trị ảo đó. Chưa kể những lời khen ngợi kia, đằng sau đó còn là những cảm giác tự ti, đố kỵ, tính xấu tự nhiên gia tăng trong lòng những người nhìn thấy... Xã hội bỗng nhiên trở nên méo mó hơn. Đáng lo sợ hơn, tình trạng này dẫn đến chứng trầm cảm nhanh không kiểm soát.
Nên làm gì khi nhận thấy mình có dấu hiệu trầm cảm?
Giới chuyên gia cảnh báo, khi thấy có dấu hiệu trầm cảm dù ở mức độ nhẹ nhưng diễn ra nhiều lần liên tục, dù là ai, bạn cũng không nên chủ quan. Tốt nhất, bạn nên cần làm ngay những việc sau:
- Thông báo cho người thân, bạn bè xung quanh... về tình trạng bệnh của mình. Nên tâm sự tình trạng thực tế của mình đến mọi người.
- Không nên sống một mình mà sống cùng nhiều người.
- Người thân nên động viên, trấn an tinh thần cho người bệnh.
- Đi khám bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và điều trị kịp thời.
Nhiều người đang bị trầm cảm mà không hề biết. Để giúp mọi người hiểu hơn về trầm cảm, các dấu hiệu trầm cảm và xem mình có dấu hiệu trầm cảm hay không, BV Đại Học Y đã có bài trắc nghiệm sau đây. Hãy làm để biết bạn có đang bị trầm cảm ở mức độ nào không nhé!
TH