(Tổ Quốc) - Do tầng 1 nơi đặt bể phốt và bể chứa nước sinh hoạt bị chủ đầu tư tự ý thay đổi công năng thành căn hộ bán cho người khác nên việc kiểm tra, bảo trì khó khăn.
Mới đây phản ánh đến chúng tôi, ông Nguyễn Văn Cầm - Ủy viên ban quản trị nhà B (chung cư tổ Xuân Lộc 4, phường Xuân Đỉnh) cho hay, hiện tại người dân nơi đây vẫn đang phải sử dụng nước bẩn nhưng tình trạng này vẫn chưa được khắc phục triệt để.
Sốc nặng gần chục năm mới phát hiện mình đang dùng nước sinh hoạt bị ngấm từ bể phốt
Nước sinh hoạt bốc mùi bể phốt
Theo ông Cầm, sự việc được phát hiện vào ngày 19/7/2020 khi Ban quản trị tòa nhà cùng đại diện một số hộ dân đi kiểm tra hệ thống bể nước ăn và sinh hoạt của tòa nhà. Lúc này, phát hiện bể chứa nước ngầm (Dưới nền nhà phòng B102) bị ngấm từ bể phốt dưới nền nhà phòng 101 ngấm sang và hệ thống nước thải sinh hoạt của tòa nhà tràn vào.
"Ngay lập tức BQT đã báo cáo sự việc đến UBND phường và làm đơn đề nghị đơn vị vận hành, quản lý và chủ đầu tư. Khi nhận được báo cáo của Ban quản trị tòa nhà thì Chủ đầu tư không hợp tác, 2 lần UBND phường mời Chủ đầu tư xuống để cùng Ban quản trị tòa nhà bàn chủ trương khắc phục sự cố bể nước ăn của cư dân thì Chủ đầu tư đều vắng mặt không có lý do, chỉ gửi công văn đến để chối bỏ trách nhiệm", ông Cầm cho hay.
Do không còn cách nào khác, BQT đã cùng các hộ gia đình tự giải quyết khắc phục bằng cách thau rửa bể nước sạch và hút bể phốt.
"Chủ đầu tư vẫn quản lý vận hành nên hơn chục năm nay chúng tôi không thể tiếp cận khu vực hệ thống bể ngầm. Trước khi 'khai quật' thì mọi người chỉ nghĩ rằng do bể chứa trên tầng bị cặn bã nên chỉ thau rửa trên đó, nhưng sau đó mùi hôi thối nồng nặc thì mới đi kiểm tra, phát hiện nỗi kinh hoàng", thành viên BQT bức xúc.
Cư dân sinh sống tại khu chung cư này nhận định, chắc chắn không phải chỉ đến khi mở nắp phát hiện thì nước sinh hoạt mới trong tình trạng kinh hoàng như vậy, họ có lẽ đã phải sử dụng nước ô nhiễm do bể phốt ngấm sang từ nhiều năm nay.
Bể phốt và bể nước sinh hoạt cùng nằm dưới nền "căn hộ đẻ thêm"
Liên quan tới nguyên nhân sự cố nói trên, đại diện phía cư dân cho rằng nó đến từ việc chủ đầu tư xây dựng trái phép 2 "căn hộ đẻ thêm" tại khu vực vốn là không gian nhà xe (ngay trên vị trí bể nước sinh hoạt). Việc xây dựng 2 căn hộ sai với thiết kế được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt có thể đã làm tổn hại tới kết cấu ban đầu, dẫn tới việc rò rỉ từ bể phốt sang bể chứa nước sinh hoạt.
Theo như thiết kế được cấp phép xây dựng thì mặt bằng tầng trệt của tòa nhà gồm có 04 phòng để xe (B101, B104, B106, B108) là của cư dân, 2 sảnh cầu thang thoát hiểm thì Chủ đầu tư tự ý xây dựng trái phép thành 02 căn hộ (B109, B110) và 4 cửa hàng cho thuê là (102,103,105,107).
Thông tin thêm với chúng tôi, thành viên Ban quản trị tòa nhà cho biết, từ năm 2006 đến nay, việc khai thác, quản lý, vận hành tòa nhà vẫn do Chủ đầu tư đảm nhiệm. Trong suốt thời gian đó, việc khai thác nói trên không đi kèm với công tác bảo trì, nên chất lượng hạ tầng mới xuống cấp trầm trọng đến vậy.
"Việc chủ đầu tư chỉ biết khai thác mà không tổ chức bảo trì tòa nhà và không tự khắc phục các sai phạm đã được Thanh tra Sở xây dựng chỉ ra là nguyên nhân trực tiếp gây ra hậu quả hiện nay là: Bể phốt và hệ thống ống dẫn nước thải dưới nền nhà bị vỡ thẩm thấu vào bể ngầm chứa nước ăn của chung cư làm cho cư dân hàng ngày phải ăn, uống, tắm, giặt bằng nước thải sinh hoạt có mùi hôi thối, tanh nồng là không thể chấp nhận được", đại diện cư dân bức xúc.
Chung cư nhà B là Chung cư Thương mại, chung cư được xây dựng đầu năm 2004 và đưa vào sử dụng tháng 12/2006, do Công ty Cổ phần xây dựng số 2 (VINACONEX2 nay đổi thành Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng VINA2 làm chủ đầu tư, Chung cư được cấp phép xây 5 tầng, cầu thang bộ, từ tầng 2 đến tầng 5 mỗi sàn 8 căn, xây 32 căn hộ để bán còn tầng trệt là các cửa hàng cho thuê và các phòng để xe đạp và xe máy của cư dân.
Minh Ngọc