(Tổ Quốc) - Lợi ích của thẻ sức khỏe là để chi trả cho bạn tiền khám chữa bệnh, thuốc thang ngoài tiền viện phí mà bảo hiểm đã chi trả.
Bạn có từng thắc mắc vì sao khi mua bảo hiểm nhân thọ, tư vấn viên thường đề cập đến thẻ sức khỏe và khuyên bạn nên mua kèm thêm nó hay không? Cũng có nhiều người chỉ chọn mua hợp đồng bảo hiểm khi có bán kèm với thẻ sức khỏe. Vậy tại sao thẻ sức khỏe lại được đa số tư vấn viên bảo hiểm khuyên khách hàng nên mua và lợi ích gì khiến nó làm mọi người muốn sở hữu đến thế.
Ví dụ từ trường hợp người bệnh sau:
Chị HN là người vừa xuất viện vì viêm phổi do mắc COVID-19. Trong bảng kê khám chi phí chữa bệnh của chị HN bao gồm chi phí điều trị là 720 triệu.
- Quỹ bảo hiểm y tế đã thanh toán 80% là 554 triệu.
- 20% còn lại (138 triệu) và chi phí phần ngoài (27 triệu), do người bệnh thanh toán, tổng là 165 triệu.
Liên hệ với tư vấn viên bảo hiểm là chị Lại Thị Hoa (chuyên viên tư vấn bảo hiểm kiêm Trưởng nhóm kinh doanh của MB Ageas Life) để xin tư vấn với trường hợp của chị HN.
Chị Hoa cho biết, nếu bệnh nhân mua bảo hiểm nhân thọ trước khi mắc COVID-19 thì sẽ được bảo hiểm chi trả tiền viện phí.
"Mắc COVID-19 đã được công nhận là 1 bệnh được bảo hiểm chi trả. Quy định của bảo hiểm là sẽ được hỗ trợ viện phí khi sống và chi trả tiền nếu lỡ tử vong, tương tự như các bệnh khác. Và mỗi doanh nghiệp cũng sẽ hỗ trợ thêm cho người bị COVID-19 theo chính sách riêng áp dụng theo thời gian cụ thể, thường là trong 1 tháng nhất định nào đó", chị Hoa chia sẻ.
Tuy nhiên, bảo hiểm chỉ chi trả cho bệnh nhân viện phí và không chi trả chi phí cho tiền khám chữa bệnh, thuốc thang. Nếu muốn được thanh toán phần chi phí này, người bệnh phải mua thêm thẻ sức khỏe.
"Mua thẻ sức khỏe thì người bệnh sẽ được hỗ trợ chi trả tiền khám chữa bệnh, thuốc thang còn nếu không mua thì chỉ nhận được tiền viện phí từ bảo hiểm.
Mức thẻ sức khỏe chi trả sẽ tùy theo gói mua, trả theo hóa đơn thực tế. Những thuốc điều trị bệnh hay xét nghiệm,... có chi phí cứ dưới mức tối đa thì sẽ được thẻ sức khỏe chi trả hết", chị Hoa chia sẻ thêm.
Từ trường hợp của bệnh nhân HN này có thể thấy, bảo hiểm chỉ chi trả cho người bệnh viện phí. Muốn không mất tiền khám chữa bệnh, thuốc thang thì phải mua thêm thẻ sức khỏe.
Vậy thẻ sức khỏe là gì?
Thẻ sức khỏe là 1 tấm thẻ giống như thẻ ngân hàng. Khi dùng thẻ này, nếu người được bảo hiểm ốm đau phải nằm viện thì tiền khám chữa bệnh, thuốc thang sẽ được chi trả một phần hoặc toàn bộ theo hóa đơn viện phí, tùy theo gói bảo hiểm mà khách hàng chọn.
Có 2 cách chi trả đó là thanh toán trước - bồi thường sau và bảo lãnh viện phí (chỉ cần đưa thẻ cho bệnh viện kiểm tra, không cần trả tiền).
Có 2 loại thẻ sức khỏe
Đó là thẻ gắn kèm với hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và thẻ độc lập mua từng năm một và không cần mua kèm bảo hiểm nhân thọ.
- Thẻ gắn với bảo hiểm nhân thọ có thể kể đến như: DaiichiLife, Manulife, Generalli...
- Thẻ độc lập có thể kể đến Bảo Việt, VBI, Pacific Cross, Bảo Việt Intercare, Liberty, TC Care,...
Quyền lợi của thẻ sức khỏe
Về cấu trúc, thẻ sức khỏe được chia thành các hạng mục đó là: Quyền lợi nội trú, ngoại trú, thai sản, chăm sóc răng và có thể kết hợp quyền lợi khác.
Quyền lợi bảo hiểm ở thẻ sức khỏe nào cũng có mô tip như nhau. Các quyền lợi này sẽ được ghi trong 1 bản tóm tắt ngắn gọn khoảng 1 - 2 trang và chia theo đầu mục. Mỗi đầu mục này có 1 hạn mức chi trả tối đa và số ngày nằm viện tối đa, nếu quá mức này thì khách hàng cần bù thêm tiền vào.
Ngoài ra, bạn cũng nên bỏ thời gian đọc kĩ các định nghĩa được ghi trong bộ quy tắc và điều khoản này để tránh bị hớ.
Ví dụ: Cả 2 công ty đều quy định tiền giường tối đa khách được hưởng là 1 triệu/ngày. Tuy nhiên công ty A quy định giường nào cũng được. Công ty B quy định giường là giường chất lượng tiêu chuẩn ở bệnh viện, không bao gồm giường dịch vụ. Như vậy, rõ ràng khách hàng mua thẻ của công ty A tốt hơn.
Tổng hạn mức chi trả của thẻ sức khỏe: Càng đắt tiền thì hạn mức càng cao
Hạn mức này có thể chia theo năm đóng hoặc chia theo loại bệnh mắc phải. Ví dụ 100 triệu/năm hoặc chia theo bệnh là 1 tỉ/bệnh. Nhìn chung thẻ càng đắt tiền thì hạn mức càng cao.
Bạn nên chọn hạn mức theo năm hay theo bệnh?
Thẻ chia theo năm có lợi khi nếu bạn chẳng may mắc các bệnh kinh niên kéo dài từ năm này qua năm khác. Còn thẻ chia theo bệnh có lợi nếu mắc nhiều bệnh cùng một lúc hoặc bệnh/tai nạn nghiêm trọng. Tùy vào hoàn cảnh của từng người mà sẽ chọn hạn mức cho phù hợp.
Bên cạnh đó, cũng cần lưu ý rằng thẻ sức khỏe bị tăng phí hàng năm hoặc theo mốc 5 năm tùy công ty trong trường hợp không có vấn đề lớn về sức khỏe. Nếu sức khỏe của bạn có vấn đề mới mua thẻ thì hầu hết là bị tăng phí từ ít đến rất nhiều. Nếu là bệnh nghiêm trọng thì không được mua thẻ hoặc phí mua ngay từ đầu cũng đã rất cao.
Tips mua thẻ sức khỏe từ hướng dẫn của tư vấn viên:
- Bạn có thu nhập trung bình và không có nhu cầu ra nước ngoài chữa bệnh thì không cần chọn thẻ sức khỏe chi trả toàn cầu.
- Bạn thuộc giai cấp trung - thượng lưu muốn khám chữa bệnh ở những bệnh viện tư cao cấp nên chọn thẻ có hạn mức giường phòng càng cao càng tốt.
Hồng Nhung