(Tổ Quốc) - Sợ hãi là điều vô dụng nhất mà ta có thể làm trong thời khắc khó khăn này
Trong thời điểm bất an như hiện nay, chúng ta rất dễ bị hoảng sợ. Mọi chuyện có thể tồi tệ hơn bất cứ lúc nào. Bạn có thể mất việc. Rồi sau đó là mất nhà, mất xe. Con bạn có thể sẽ gặp phải chuyện gì không hay. Ai cũng sẽ cảm thấy lo lắng và rối bời như thế. Đó là chuyện đương nhiên.
Ngay cả những người giỏi kiềm chế cảm xúc cũng phải thừa nhận chúng ta sẽ phản ứng trước những thứ nằm ngoài tầm tay của mình. Bạn sẽ thấy lạnh nếu có ai đổ cả xô nước lên người. Tim bạn sẽ đập thình thịch nếu bị ai đó hù dọa. Người ta gọi những phản ứng đó là: phantasiai. Triết gia nổi tiếng Seneca từng nói, không có bất kỳ tri thức hay sự luyện tập nào có thể ngăn chúng ta phản ứng như thế.
Điều quan trọng nhất đối với họ, và cũng là điều cần thiết nhất lúc này - trong một thế giới mà tin tức mỗi ngày chỉ toàn về đại dịch, thị trường chứng khoán lao dốc, xung đột quân sự - là bạn sẽ làm gì sau khi phản ứng như thế.
Tiểu thuyết gia lỗi lạc William Faulkner từng nói một câu rất hay: “Cứ hoảng sợ vì bạn không thể tránh điều đó. Nhưng đừng sợ hãi”.
Hoảng sợ là một cảm giác bất chợt. Sợ hãi là trạng thái đang diễn ra liên tục. Sự hoảng sợ tuy khiến bạn ngạc nhiên nhưng cũng có tác dụng đánh thức bạn. Nó buộc cơ thể bạn phải hành động. Nó là thứ cứu sống con mồi khỏi con hổ, hoặc cứu con hổ khỏi tay thợ săn. Nhưng còn sự sợ hãi, lo lắng và phiền muộn? Chúng không phải là cảm xúc chợt đến rồi đi. Chúng kéo dài và khiến mọi chuyện tệ đi.
Đặc biệt là trong thời điểm này - khi cả thế giới đang đòi hỏi giải pháp cho các vấn đề mà chúng ta phải đối mặt. Chúng chỉ có thể được giải quyết khi con người hành động. Sự thụ động sẽ chỉ khiến tình hình tồi tệ thêm, hoặc đẩy chúng ta vào thế nguy hiểm.
Người Do Thái có một lời cầu nguyện như thế này: “Thế giới là cây cầu hẹp, và điều quan trọng nhất là không được sợ hãi”.
Suy nghĩ ấy đã giúp người Do Thái vượt qua biết bao nhiêu khó khăn và bi kịch trong đời. Nó thậm chí còn biến thành một bài hát được phát cho binh lính và người dân nghe trong Cuộc chiến Yom Kippur. Nó là lời nhắc nhở: Đúng, mọi thứ thật tồi tệ. Bạn sẽ hoảng sợ nếu chỉ nhìn về phía sau mà không nhìn về phía trước. Sự sợ hãi chẳng giúp được gì cả.
Luyện tập. Dũng cảm. Kỷ luật. Quyết tâm. Bình tĩnh. Tất cả những thứ này sẽ giúp đỡ chúng ta. Trong đó, dũng cảm là phẩm chất thiết yếu nhất lúc này.
Phi hành gia người Canada Chris Hadfield từng giải thích: “Không phải là các phi hành gia dũng cảm hơn những người khác. Chỉ là chúng tôi được chuẩn bị một cách hết sức kỹ lưỡng”. Hãy thử nghĩ đến John Glenn: Khi trở thành người Mỹ đầu tiên bay vào không gian, nhịp tim của ông cũng vẫn đập 110 nhịp/phút hết sức bình thường. Đó là bởi vì ông đã chuẩn bị sẵn sàng.
Các phi hành gia phải đối mặt với đủ loại nguy hiểm, khó khăn trong không gian - nơi không có chỗ cho những sai sót. Khi đặt những bước chân đầu tiên ra vũ trụ, mắt trái của Hadfield bỗng dưng mất thị lực. Tiếp theo, đôi mắt còn lại cũng nhảy nước và không nhìn thấy gì. Trong bóng tối, ông buộc phải tìm cách quay trở lại nếu muốn sống sót. Về sau, Hadfield đã chia sẻ cách mà ông xử lý tình huống: “Có 6 việc tôi có thể làm lúc đó để mọi chuyện trở nên tốt đẹp hơn. Bạn phải nhớ rằng, không có vấn đề nào tệ đến mức bạn không thể làm cho nó tệ thêm”.
Có sự khác biệt giữa hoảng sợ và sợ hãi. Một trong hai sẽ ngăn bạn cải thiện tình hình, hoặc chỉ khiến mọi chuyện tồi tệ đi. Sau khi thị trường chứng khoán sụp đổ vào tháng 10/1929, Mỹ đã phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài tới 10 năm. Ngân hàng phá sản. Các nhà đầu tư biến mất. Tỷ lệ thất nghiệp ở mức 20%. Khi ấy, Tổng thống Herbert Hoover mới nhậm chức được 6 tháng.
Người kế nhiệm ông - Tổng thống Franklin D. Roosevelt - chưa bao giờ phủ nhận tình hình lúc đó rất đáng sợ. Bản thân ông cũng hoảng sợ. Nhưng trong bài phát biểu nhậm chức huyền thoại năm 1933, Roosevelt khẳng định, nỗi sợ hãi là một lựa chọn, là kẻ thù thực sự cần phải đánh đuổi. Nỗi sợ hãi chỉ khiến mọi chuyện tồi tệ đi. Nó sẽ phá hủy các ngân hàng còn lại. Nó sẽ khiến người ta quay ra chống đối nhau. Nó sẽ ngăn cản việc thực thi các giải pháp hợp tác.
Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt
Ngày nay, dù vấn đề lớn nhất mà chúng ta phải đối mặt là đại dịch Covid-19 hay những hệ lụy kinh tế mà nó đem lại - hoặc cả hai thứ đó kèm theo một cuộc hôn nhân đổ vỡ, hoặc một chẩn đoán ung thư, hoặc một vụ kiện nào đó - chúng ta cũng phải biết bệch dịch thực sự cần tránh là gì. Cuộc đời mà chúng ta đang sống, thế giới mà chúng ta đang ở thật ra rất đáng sợ. Nếu ngó đầu nhìn sang hai bên của chiếc cầu hẹp, bạn sẽ đánh mất can đảm để tiếp tục. Bạn sẽ sững người. Bạn sẽ ngồi xuống. Bạn sẽ không thể đưa ra những quyết định sáng suốt. Bạn sẽ không thể nhìn hãy nghĩ một cách rõ ràng.
Điều quan trọng nhất là chúng ta không được sợ hãi. Chúng ta không được phép làm quá mọi chuyện. Chúng ta không được phép vì một tình huống tồi tệ mà bỏ quên những tình huống tồi tệ khác. Bởi vì tất cả những điều trên chẳng giúp bạn đi tiếp khi đang ở bên ngoài không gian hay đang trong một cuộc họp kinh doanh khó nhằn. Nó chẳng giúp bạn giảm nhịp tim khi tiếp cận tầng khí quyển của Trái Đất hay khi chứng kiến thị trường suy thoái. Nó chẳng giúp chúng ta nhớ rằng mình đã được chuẩn bị cho điều này, rằng mọi thứ đều có cách giải quyết.
Con người lúc này không được phép đầu hàng trước sợ hãi. Chúng ta phải bước tiếp, giống như hàng ngàn thế hệ cha anh đi trước. Chúng ta phải tập trung vào những điều mình có thể kiểm soát. Chúng ta phải nhắc nhở mình liên tục: Thế giới là một cây cầu hẹp và con đường duy nhất để đi là tiến lên.
(Theo Medium)
Ngọc Hà - Nhịp Sống Kinh Tế