(Tổ Quốc) - Việc thay đổi chúng giúp bạn tiết kiệm được tiền, đó chính là bước đầu tiên và dễ dàng nhất trong quản lý tài chính.
Nobori Norio là một chuyên gia quản lý tài sản nổi tiếng người Nhật Bản, tác giả của cuốn sách “Nghệ thuật để kiếm được 300 triệu yên ở tuổi 33” (khoảng 63 tỷ đồng).
Anh sinh năm 1971 tại tỉnh Okayama và tốt nghiệp khoa Kinh tế của Đại học Chuo. Sau khi tốt nghiệp, anh làm việc trong một công ty tư vấn quản lý chiến lược nổi tiếng thế giới, sau đó nhờ đầu tư vào bất động sản và giao dịch ký quỹ ngoại hối, anh đã tích lũy được 300 triệu yên một cách nhanh chóng.
Anh tiết lộ rằng chìa khóa khiến nhiều người không có tiền chưa hẳn nằm ở mức thu nhập của họ, mà do họ không giữ được tài sản của mình. Đồng thời anh đã chia sẻ những kinh nghiệm từ chính bản thân, muốn tích lũy tiền bạc phải có mục tiêu cụ thể và những con số không được quá xa vời.
Ngoài ra trong cuộc sống Nobori Norio còn thay đổi 6 thói quen nhỏ sau đây. Việc thay đổi chúng giúp tiết kiệm được tiền, đó chính là bước đầu tiên và dễ dàng nhất trong quản lý tài chính. Sau khi đã tiết kiệm, lúc ấy bạn mới có thể tiến hành đầu tư để khối tài sản không ngừng tăng lên.
1. Chuyển nhà ít hơn
Nếu bạn vẫn đang phải thuê nhà thì tiền thuê nhà không được chiếm quá 1/5 mức lương. Ví dụ với mức lương 15 triệu, bạn hãy lựa chọn chỗ ở sao cho tiền thuê nhà dưới 3 triệu/tháng.
Ngoài ra bạn cần cố gắng chuyển nhà càng ít càng tốt. Bởi mỗi lần chuyển nhà không chỉ làm mất thời gian, công sức mà còn tốn thêm tiền mua sắm nhiều loại vật dụng, đồ dùng mới.
2. Bắt buộc phải tiết kiệm
Hãy coi tiết kiệm tiền là việc làm bắt buộc phải thực hiện. Tối thiểu bạn phải tiết kiệm được 20% thu nhập, số tiền còn lại sau đó mới được dùng để chi tiêu.
Nếu bạn chi tiêu trước và tiết kiệm sau thì khả năng cao là sẽ chẳng tiết kiệm được xu nào cho đến cuối tháng.
3. Bỏ thẻ tín dụng
Thẻ tín dụng có nhiều lợi ích và rất thuận tiện cho việc thanh toán. Thế nhưng nó lại là công cụ nguy hiểm đẩy bạn rơi vào cảnh mua sắm không có kiểm soát. Thậm chí khi món đồ bạn thích vượt quá khả năng thanh toán, bạn sẵn sàng quẹt thẻ trả góp. Cách làm đó để lại hậu quả vô cùng tai hại, bạn sẽ liên tục vướng vào nợ nần.
Cách làm khôn ngoan nhất là bỏ thẻ tín dụng và chỉ sử dụng tiền mặt để thanh toán cho các mặt hàng cần mua.
4. Hạn chế dạo siêu thị
Các siêu thị luôn có nhiều cách thức đẩy mạnh tiêu thụ rất hấp dẫn khiến bạn khó lòng kiềm chế ham muốn mua sắm. Hãy mua các thực phẩm, đồ dùng cần thiết định kỳ mỗi tuần 1 hoặc 2 lần, hạn chế số lần dạo siêu thị.
Ngoài ra trước khi rời khỏi nhà, bạn hãy lên danh sách cụ thể các món đồ cần mua và chỉ mua đồ trong danh sách ấy mà thôi.
5. Mua ít quần áo mới
Trừ khi cần thiết, bạn không nên mua sắm quần áo mới một cách tùy hứng bởi đây chính là một khoản chi tiêu không hề nhỏ chút nào. Đặc biệt cần tránh xa thời trang nhanh, là loại trang phục có mẫu mã bắt mắt nhưng chất lượng kém và giá thành rẻ. Với loại quần áo này, có khi chưa hết một mùa bạn đã chán ngấy hoặc chúng bị hỏng không thể sử dụng tiếp được vào năm sau.
6. Tự thưởng cho bản thân là một cái bẫy
Nhiều người có thói quen tự thưởng cho bản thân sau khi hoàn thành tốt một việc gì đó. Tất nhiên trong cuộc sống, ngoài làm việc, tiết kiệm và đầu tư thì bạn cũng cần thư giãn, tận hưởng cuộc sống. Tuy nhiên việc tự thưởng không nên diễn ra thường xuyên và chắc chắn là số tiền cũng không được quá lớn. Nếu không mọi nỗ lực tiết kiệm, tích lũy của bạn trước đó sẽ trở nên vô nghĩa.
Theo: setn
An Du