(Tổ Quốc) - Khi nhận thấy vòng đầu của trẻ mất cân xứng, cha mẹ nên khẩn cấp đến bệnh viện để kiểm tra nguyên nhân chính xác.
Một em bé 8 tháng tuổi giấu tên ở Trung Quốc được bố mẹ đưa đến bệnh viện kiểm tra sức khỏe. Bác sĩ nhận thấy so với 3 tháng trước đây, vòng đầu của trẻ đã nhô ra phía trước nhiều hơn, mắt trũng sâu, đầu to mất cân xứng.
Mọi thứ bắt đầu khi em bé được 5 tháng tuổi, khi được đưa đến bệnh viện khám định kỳ, bác sĩ cho biết chu vi vòng đầu của em bé lớn hơn nhiều so với trẻ cùng tuổi, nhắc nhở gia đình chú ý. Tuy nhiên, gia đình không quá xem trọng và cho rằng, chu vi vòng đầu của trẻ càng lớn thì càng chứng tỏ não bộ phát triển, đó chắc hẳn sẽ là một đứa trẻ thông minh.
Sau đó, gia đình nhận thấy ngũ quan của trẻ có thay đổi lớn, nhận ra có điều gì đó bất thường nên vội vàng đưa đến bệnh viện. Ngoài những thay đổi khi chụp CT, bác sĩ còn nhận thấy có những vùng tụ máu lớn mạn tính dưới màng cứng ở cả 2 bên não, chính khối máu tụ ngày càng lớn này đã khiến đầu của trẻ bị phì đại và biến dạng.
Chính xác thì điều gì đang xảy ra? Bác sĩ cho rằng, nguyên nhân sâu xa nằm ở cách vui đùa với trẻ. Hỏi ra mới biết được rằng, vì rất yêu con nít nên muốn đứa trẻ cười nhiều hơn, không những bố mẹ và họ hàng đều thích tung hứng trẻ lên trời. Điều này đã gây ra hội chứng rung lắc nguy hiểm ở trẻ nhỏ.
Não bộ của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ vẫn chưa hoàn thiện, chưa có sự liên kết giữa mô não và hộp sọ. Một khi bị rung lắc liên tục, các tĩnh mạch giữa hộp sọ và não sẽ bị chèn ép, máu lưu thông bị tắc nghẽn dễ gây tụ máu dưới màng cứng mạn tính.
Việc rung lắc trẻ sơ sinh cực kỳ nguy hiểm, dù chỉ lắc mạnh trong 4-5 giây cũng có thể khiến bé bị mù, mất thính lực, teo não, mềm não, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Những hậu quả của việc rung lắc trẻ là gì?
Vùng đầu của trẻ rất dễ bị tổn thương nghiêm trọng khi bị người lớn rung lắc mạnh.
- Tổn thương cổ
Cơ thể của trẻ quá yếu và đầu tương đối lớn, việc rung lắc sẽ khiến cổ bị tổn thương.
- Tổn thương não
Hộp sọ của trẻ sơ sinh rất mềm, mô não chưa được cố định. Nếu ném trẻ lên cao hay rung lắc mạnh, máu trong cơ thể sẽ dồn lên não, gây tắc nghẽn tạm thời, tổn thương não.
- Gây thiếu máu cục bộ
Khi trẻ bị rung lắc, lực ly tâm rất lớn khiến cơ thể trẻ không chịu nổi, máu dồn về một bên dễ gây thiếu máu cục bộ, trẻ có biểu hiện xanh xao, khó thở, thậm chí có thể ngất xỉu, nôn trớ.
Bác sĩ nhi khoa người Mỹ cho biết: "Hội chứng rung lắc ở trẻ sơ sinh thường là một hành vi xấu mà cha mẹ hoặc những người có em bé có xu hướng tạo ra khi họ kiệt sức hoặc suy sụp về cảm xúc".
Bố mẹ nên làm gì nếu nhận thấy cảm xúc của mình không kiểm soát được?
- Hãy để trẻ khóc
Đặt đứa trẻ vào cũi và để chúng khóc, ngay cả khi chúng khóc kéo dài 5-10 phút. Ít ra, điều này có thể khiến người lớn bình tĩnh lại.
- Hít thở sâu
Người lớn tự điều chỉnh nhịp thở và tự nhủ: "Đừng lo lắng, đừng hoảng sợ, trẻ khóc là chuyện bình thường, hãy để bản thân bình tĩnh lại một chút".
Đặc biệt, nếu nhận thấy có ai đó rung lắc con mình, đừng ngại ngần đi khám càng sớm càng tốt. Bởi vì một khi thời gian chẩn đoán bị chậm trễ, tổn thương não sẽ nghiêm trọng hơn.
Các bậc cha mẹ cần biết, chấn thương do rung lắc không biểu hiện ngay tức khắc mà nó có thể tích tụ dần dần. Cha mẹ có thể không nhìn thấy thiệt hại một hoặc hai lần đầu, nhưng khi thời gian trôi qua, hậu quả sẽ trở nên rõ ràng hơn.
Hiền Phan