Thấy con trai hay khát nước, đi vệ sinh nhiều nhưng bố mẹ chủ quan cho tới khi phát hiện bệnh tưởng chừng hiếm gặp ở trẻ

(Tổ Quốc) - Là một căn bệnh ở trẻ em rất khó phát hiện trong giai đoạn đầu, cho tới khi tình trạng trở nên nghiêm trọng thì đã bị nhiễm toan ceton.

Khi nhắc tới bệnh tiểu đường, mọi người đều nghĩ đến những người tuổi trung niên hoặc lớn tuổi. Nhiều người rất bất ngờ khi biết trẻ con cũng có thể mắc phải căn bệnh mãn tính này.

Gần đây, bố mẹ thấy con trai Tiểu Mẫn (7 tuổi) luôn khát nước, uống rất nhiều nước mỗi ngày. Do uống nhiều nước nên cậu bé cũng đi vệ sinh nhiều hơn, thậm chí còn đái dầm, thể trạng không được khỏe. Thế nhưng, bố mẹ cậu bé không nghĩ đó là triệu chứng bất thường cho tới khi phát hiện con trai mình không chỉ đi tiểu quá nhiều lần mà còn thở gấp, chóng mặt, hơi thở hôi. Người mẹ ngay lập tức xin nghỉ việc đưa con đến Bệnh viện Nhi Thâm Quyến, Trung Quốc khám.

Thấy con trai hay khát nước, đi vệ sinh nhiều nhưng bố mẹ chủ quan nghĩ không có vấn đề gì cho tới khi phát hiện con bị tiểu đường - Ảnh 1.

Tiểu Mẫn không may bị tiểu đường khi còn nhỏ. (Ảnh minh họa)

Sau khi kiểm tra, bác sĩ phát hiện Tiểu Mẫn bị tiểu đường. Lượng đường trong máu của cậu bé cao tới 45,8mmol/L, cao gấp gần 10 lần so với mức bình thường. Cậu bé còn bị nhiễm toan ceton, một biến chứng của bệnh đái tháo đường. Bác sĩ chỉ định cậu bé nhập viện gấp, được đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt (ICU).

Thật trùng hợp, lúc đó trong phòng ICU cũng có một cậu bé tên Đông Đông (9 tuổi) cũng bị nhiễm toan ceton do tiểu đường.

Sau khi được các bác sĩ tích cực chăm sóc và điều trị, cuối cùng 2 đứa trẻ đã vượt qua cơn nguy hiểm và đang hồi phục dần.

Bác sĩ Ngô Ngọc Huy tại đây cho biết: "Tiểu đường là một trong những căn bệnh mãn tính rất phổ biến không chỉ ở người lớn mà còn ở trẻ con. Mỗi năm có ít nhất 10 trẻ được đưa vào phòng ICU của Bệnh viện Nhi Thâm Quyến vì tiểu đường".

Bác sĩ Ngô cho biết, bệnh tiểu đường ở trẻ được chia thành 2 giai đoạn: Trẻ nhỏ (4-6 tuổi) và trẻ vị thành niên (10-14 tuổi).

Thấy con trai hay khát nước, đi vệ sinh nhiều nhưng bố mẹ chủ quan nghĩ không có vấn đề gì cho tới khi phát hiện con bị tiểu đường - Ảnh 2.

Bệnh tiểu đường ở trẻ em hầu hết thuộc loại 1.

Bệnh tiểu đường ở trẻ em hầu hết thuộc loại 1, nguyên nhân do các yếu tố tự miễn dịch phá hủy các tế bào sản xuất insulin của cơ thể. Bệnh nhân sản xuất rất ít hoặc không có insulin, khiến lượng đường trong máu tăng lên. Các triệu chứng như đi tiểu nhiều lần, sụt cân thường bố mẹ không nghĩ đó là dấu hiệu của bệnh tiểu đường, việc phát hiện chậm trễ khiến tình trạng nặng hơn.

Vậy nên, khi bố mẹ thấy con mình có dấu hiệu bất thường cần chủ động đưa trẻ đi khám càng sớm càng tốt. Trên thực tế lâm sàng, có khoảng 1/3 trẻ bị tiểu đường loại 1 bị biến chứng nhiễm toan ceton. Biến chứng này rất nguy hiểm, là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu khi trẻ bị tiểu đường.

Bệnh tiểu đường ở trẻ em nguy hiểm như thế nào?

Bệnh tiểu đường ở trẻ em là tình trạng cơ thể không sản xuất ra insulin. Cơ thể cần insulin để hoạt động, nếu thiếu loại hormone này cần phải thay thế bằng cách tiêm hoặc bơm vào cơ thể.

Trong giai đoạn đầu bệnh phát triển rất khó để chẩn đoán chính xác. Không có cách chữa khỏi hoàn toàn bệnh tiểu đường ở trẻ em nhưng có thể kiểm soát một cách chủ động. Việc theo dõi lượng đường trong máu và cung cấp đủ insulin sẽ cải thiện lượng đường huyết trong cơ thể trẻ.

- Triệu chứng

Các dấu hiệu điển hình của bệnh tiểu đường ở trẻ em phổ biến nhất như thường xuyên cảm thấy khát nước, đi tiểu nhiều lần, đái dầm, sụt cân không rõ nguyên nhân, mệt mỏi, khó chịu, thay đổi hành vi, hơi thở có mùi.

Thấy con trai hay khát nước, đi vệ sinh nhiều nhưng bố mẹ chủ quan nghĩ không có vấn đề gì cho tới khi phát hiện con bị tiểu đường - Ảnh 3.

Bệnh tiểu đường ở trẻ em có dấu hiệu điển hình là hay khát nước.

- Nguyên nhân

Nguyên nhân chính xác của bệnh tiểu đường ở trẻ em hiện vẫn chưa xác định rõ. Hệ thống miễn dịch của cơ thể phá hủy nhầm các tế bào sản xuất insulin trong tuyến tụy, khiến cơ thể sản xuất ít hoặc không sản xuất insulin. Insulin có chức năng chuyển hóa đường glucose từ máu đến các tế bào của cơ thể. Nếu không có đủ insulin, đường tạo ra khi thức ăn tiêu hóa sẽ trực tiếp đi vào máu, tích tụ lại khiến lượng đường trong máu tăng cao, gây biến chứng nghiêm trọng.

Các yếu tố nguy cơ gây bệnh tiểu đường ở trẻ em bao gồm tiền sử gia đình từng có người mắc bệnh tiểu đường, do di truyền hoặc tiếp xúc với một số loại virus.

- Biến chứng

Khi trẻ mắc bệnh tiểu đường loại 1, nó có thể làm tăng nguy mắc bệnh tim mạch và mạch máu, làm tổn thương dây thần kinh, suy yếu chức năng thận, tổn thương mắt, loãng xương khi trưởng thành.

- Phòng ngừa

Bố mẹ dạy trẻ chú trọng tới chế độ ăn uống lành mạnh, vận động thể chất thường xuyên, khám sức khỏe định kỳ.

Nguồn: Read01, Mayoclinic

PHAN HIỀN

Tin mới