Con người đều luôn khao khát sống ở một thiên đường, nơi không có bệnh tật, chiến tranh hay áp bức. Mặc dù thiên đường thật sự có thể không tồn tại nhưng với sự phát triển của khoa học công nghệ, chúng ta đang dần tiến gần đến cái gọi là "thiên đường" trong mắt của người xưa.
Năm 1798, nhà kinh tế học người Anh Thomas Malthus đã đưa ra thuyết dân số, chỉ ra rằng sự gia tăng dân số không nhất định mang lại sự thịnh vượng ấm no, mà ngược lại còn có thể khiến xã hội đình trệ. Đó được gọi là bẫy Malthusian (hay bẫy dân số).
Một loạt thí nghiệm động vật liên tiếp đưa ra những kết quả đáng sợ, một cuộc khủng hoảng có thể xuất phát từ nguyên nhân dân số. Trong đó có cuộc thí nghiệm ghê rợn trên loài chuột của John B. Calhoun, một học giả yêu động vật.
John B. Calhoun đặc biệt quan tâm đến nghiên cứu các loài chim, năm 15 tuổi đã có những bài báo được đăng trên tạp chí yêu động vật. Năm 1947, John B. Calhoun đã tìm đến mảnh đất gần 1000 mét vuông của người hàng xóm để làm nơi thí nghiệm.
John B. Calhoun quyết định xây dựng một thiên đường của chuột, nơi loài chuột có thể sống vô ưu vô lo. Sau cùng, John B. Calhoun đặt tên nơi đây là "Thành phố chuột".
Diện tích của thành phố chuột không hề nhỏ, có thể chứa đến 5000 con chuột. Ông cũng cung cấp đầy đủ thức ăn và nước uống cho các con chuột của mình, ngoài ra còn có chăm sóc y tế bất cứ lúc nào. Hạn chế duy nhất là những con chuột đấy chỉ có thể di chuyển bên trong thành phố chuột.
Ban đầu, John B. Calhoun đã đặt 5 con chuột đang mang thai vào thành phố chuột nhưng số lượng chuột không bao giờ vượt quá 200, chỉ ổn định ở mức 150, nhỏ hơn rất nhiều so với sức chứa tối đa của thành phố chuột. Thí nghiệm đầu tiên thất bại.
5 năm sau thất bại của thí nghiệm thành phố chuột đầu tiên, John B. Calhoun tham gia Bộ Sức khỏe Tâm thần Quốc gia và có điều kiện tốt hơn để thiết kế một thí nghiệm chuột hoàn hảo hơn.
Lúc đấy, John B. Calhoun đã có một đội ngũ làm việc cùng mình, họ cải tiến môi trường thí nghiệm cũ. Nơi đấy được chia thành 4 khu vực bao quanh bằng lưới điện dài khoảng 4,5 mét và rộng 4 mét. Mỗi khu vực được trang bị thức ăn và nước uống không giới hạn. Ngoài ra, John B. Calhoun còn trang bị "khu nhà" nhiều tầng, nơi có những cầu thang xoắn ốc để chuột di chuyển.
Nhóm cư dân chuột ở các khu vực bao gồm 32 con, số lượng đực và cái bằng nhau và đều là những con chuột trưởng thành có thể giao phối. Theo kế hoạch, chúng sẽ sinh sản nhanh chóng và sớm vượt qua con số 40. Nhưng John B. Calhoun không dừng thí nghiệm lúc đó, ông sẽ cho chúng sinh sản đến số lượng 80 và quan sát sự thay đổi của chúng.
Sau một thời gian, ở cả 4 khu vực, những con chuột đực mạnh bạo sẽ sở hữu nhiều con cái hơn. Những con chuột đực yếu hơn chỉ có thể trốn tránh trong những góc chật hẹp. Lúc này những điều kỳ quặc đã xảy ra. Một số con chuột đực yếu ớt không còn cố gắng giao phối với chuột cái nữa mà chúng còn giao phối với con đực mạnh hơn, và con đực mạnh hơn đó không từ chối.
Những con chuột đực yếu thế được chia thành 3 loại. Loại đầu tiên là Toàn tính luyến ái (Pan sexual), chúng sẽ không tham gia vào cuộc cạnh tranh trong xã hội nhưng sẽ cố gắng giao phối với bất kỳ con chuột nào (bất kể giới tính và độ tuổi). Nhưng vì những con cái đã bị các con đực mạnh hơn "chiếm" lấy, nên chúng chỉ giao phối với chuột cùng giới.
Loại thứ 2 được John B. Calhoun gọi là "Kẻ du hành giấc mơ", chúng di chuyển rất chậm, hầu như không tương tác với những con chuột khác cũng không tham gia hoạt động xã hội nào cả.
Loại thứ 3 được John B. Calhoun đặt tên là "Kẻ thám hiểm", chúng cũng thuộc dạng Toàn tính luyến ái (Pan sexual) nhưng không hoàn toàn giống loại đầu tiên. Chúng sẽ điên cuồng theo đuổi con cái ngay cả khi bị con đực mạnh hơn tấn công. Đây là loại cực đoan nhất.
Ngoài ra, John B. Calhoun cũng quan sát thấy, hành vi xã hội giữa những con chuột xảy ra thường xuyên hơn, chẳng hạn như ăn uống cùng nhau. Đồng thời một số chuột cái bỏ rơi chuột con hoặc gián đoạn quá trình chăm con khi thực hiện hành vi xã hội.
Thêm nữa, chuột cái ngày càng bị chuột đực cưỡng ép giao phối mọi lúc. Do ảnh hưởng của androgen (nội tiết tố nam), chúng xuất hiện hành vi giết con. Tỷ lệ tử vong của chuột con lên đến 96% và vấn đề sinh sản của toàn bộ đàn chuột gần như bị đình trệ.
John B. Calhoun sau đó đã chọn ra 4 chuột đực và cái khỏe mạnh nhất để có thể khôi phục quần thể chuột nhưng không có chuột con nào có thể sống sót đến lúc cai sữa. Thí nghiệm thành phố chuột 1 lần nữa phải dừng lại.
Sau này, John B. Calhoun đã thực hiện nhiều thí nghiệm tương tư nhưng kết quả không khả quan hơn, đàn chuột đều chết.
Năm 1962, John B. Calhoun công bố kết quả 6 lần thí nghiệm đều xuất hiện hành vi bất thường do mật độ dân số quá cao, gọi là Tha hóa hành vi (Behavioral sink).
Không từ bỏ mục tiêu, John B. Calhoun tiếp tục tạo ra một khu nhà cho loài chuột được gọi là "Vũ trụ số 25". Toàn bộ thí nghiệm lần này mất 11 năm từ khi lên kế hoạch đến lúc kết thúc.
Vũ trụ số 25 là một thiên đường thật sự dành cho loài chuột: Ngoài nguồn thực phẩm và nguồn nước không giới hạn, các lưới điện cũng được gỡ bỏ. 16 khu vực sống bao quanh một quảng trường rộng ở trung tâm cùng thức ăn nước uống ở khắp mọi nơi. Sức chứa dự kiến là 3840 con chuột.
Lần này John B. Calhoun chọn 4 chuột đực và 4 chuột cái để bắt đầu thí nghiệm. Sau đó, ngoài chăm sóc y tế, ông không can thiệp vào quần thể chuột này nữa.
Ban đầu, chúng không kịp thích ứng môi trường sống và phải mất một thời gian để làm quen, chúng thậm chí còn chiến đấu với nhau dẫn đến bị thương và tử vong.
Đến ngày 104, chúng chuyển sang giai đoạn mới. Chúng sinh sản nhanh chóng và số chuột tăng gấp đôi sau 55 ngày. Sự tăng trưởng vẫn tiếp tục đến ngày thứ 315, sau đó đã giảm phát triển.
Từ lúc này, giống như những thí nghiệm trước đó, nhóm chuột mạnh sẽ thống trị một khu vực sống nào đó, những con chuột yếu hơn sẽ tập trung ở khu vực trung tâm và chỉ quanh quẩn duy nhất ở nơi này.
Tuy nhiên, những con chuột đực không thể đối đầu với tất cả những chuột đực thế hệ mới, quá mệt mỏi khi phải bảo vệ lãnh thổ và chuột cái của mình. Khi đó, chuột cái vừa làm cha vừa làm mẹ, chúng phải chăm sóc con lẫn bảo vệ tổ. Chuột cái ngày càng hung dữ hơn, thậm chí còn tổn thương chuột con của mình.
Đến ngày thứ 560, John B. Calhoun tin rằng, quần thể chuột đã sụp đổ, sự diệt vong chỉ còn là vấn đề thời gian. Thời điểm này, số lượng chuột không tăng nữa, mốc tối đa là khoảng 2200 con.
Từ ngày 560 trở đi chính là giai đoạn diệt vong. Hầu như tất cả chuột con trong giai đoạn này đều có vấn đề nghiêm trọng về tinh thần. Chúng bị chuột mẹ bỏ rơi khi còn nhỏ, thiếu sự chăm sóc của chuột mẹ. Đàn chuột dần dà mất khi khả năng làm mẹ.
Mặt khác, những con đực không còn ham muốn giao phối. Chúng không muốn chiến đấu với con đực khác để chiếm được con cái cho riêng mình. Chúng sống hưởng thụ cuộc sống ăn uống không giới hạn và chăm lo bản thân như ngủ nghỉ thường xuyên, vuốt ve bộ lông của chính mình. John B. Calhoun gọi chúng là những "con chuột mỹ nam". Chính chúng đã đặt dấu chấm hết cho xã hội chuột của John B. Calhoun. Ông dự đoán con chuột đực cuối cùng sẽ chết vào ngày thứ 1780, sau đó Vũ trụ số 25 sẽ kết thúc hoàn toàn.
Đến hiện tại, không một ai biết được Vũ trụ số 25 của John B. Calhoun kết thúc vào lúc nào. Năm 1973, khi John B. Calhoun cho xuất bản bài viết liên quan đến loạt thí nghiệm của mình, Vũ trụ số 25 vẫn còn hoạt động.
Số phận của đàn chuột trên có thể đại diện cho nhân loại không? Không ai có câu trả lời chắc chắn nhưng ít nhất chúng đã khiến chúng ta phải suy ngẫm về xã hội trong tương lai.
Nguồn: Zhihu
HY LI