(Tổ Quốc) - Những đóng góp cho khu vực lân cận cộng với chiến lược đúng đắn trong việc nhìn nhận, đánh giá và lựa chọn người thừa kế đã giúp doanh nghiệp này sống mãi với thời gian.
Những công ty hàng đầu trên thế giới tính đến thời điểm hiện tại thường có tuổi đời trên dưới một trăm năm. Một vài công ty công nghệ còn có tuổi đời rất trẻ, chỉ mất vài chục năm để có thể vươn lên vị trí “ông lớn” trên bản đồ kinh tế thế giới. Nghe qua có vẻ khó tin, tuy nhiên, không ít những công ty có lịch sử thành lập hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm hiện vẫn còn đang tồn tại, đặc biệt là ở xứ sở mặt trời mọc.
Cụ thể, tại Nhật Bản có một công ty được thành lập 1400 năm về trước, vẫn tồn tại và hoạt động hiệu quả cho đến hiện tại, cũng chính là công ty lâu đời nhất thế giới. Đó chính là Kongō Gumi – công ty xây dựng các công trình Phật giáo, kiến trúc Nhật thành lập vào năm 578 và tính đến nay đã hoạt động 1442 năm.
Có phải vì đảm nhận xây dựng Đền, Chùa, các công trình liên quan đến Phật giáo – thể hiện nét văn hóa lâu đời của nước Nhật mà công ty này có tuổi đời cao đến vậy? Thật ra, bên cạnh Kongō Gumi, tại Nhật có rất nhiều công ty truyền thống lâu năm, tồn tại trên 1 thế kỷ đến hiện tại và chưa có dấu hiệu suy yếu. Vậy tại sao các công ty ấy lại có thể tồn tại thời gian dài đến thế? Đằng sau sự trường tồn ấy có một bí quyết ẩn sâu.
1. Những đóng góp cho khu vực
Rất bình thường khi một doanh nghiệp thành lập trên mục đích theo đuổi lợi nhuận. Thế nhưng, với các doanh nghiệp Nhật Bản, bên cạnh thu lợi nhuận cho chính mình, một trong những trách nhiệm không thể bỏ qua đó là bổn phận đóng góp cho cộng đồng, cụ thể là khu vực doanh nghiệp đang hoạt động.
Từ những việc nhỏ bé nhất như dọn dẹp khu phố, cụ thể là toàn thể nhân viên phải dọn dẹp rác thải trong khu vực. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp trích phần thu nhập lợi nhuận để phục vụ những yêu cầu của người dân, ví dụ như xây dựng công viên,…
Nếu nhận được sự yêu mến đồng tình từ đông đảo dân chúng, doanh nghiệp có thể thuận lợi phát triển. Đó chính là cách nghĩ rất khác biệt của người Nhật. Chính nhờ thế, dù hoạt động công ích, doanh nghiệp không những lỗ mà còn lời hơn nhờ sự ủng hộ bền vững từ dân địa phương.
2. Chiến lược đúng đắn trong việc nhìn nhận, đánh giá và lựa chọn người thừa kế
Các doanh nghiệp Nhật Bản đa phần là doanh nghiệp gia đình, hoạt động theo mô hình “cha truyền con nối”. Với quan niệm rằng phụ nữ không thể gánh vác trọng trách người thừa kế, trong trường hợp nhà không có con trai, con rể sẽ là người đảm nhiệm vai trò ấy. Thế nhưng, với nhiều doanh nghiệp đã có lịch sử lâu đời, họ sẽ không tuân thủ theo quy tắc này.
Ban đầu, những đứa trẻ được nhắm tới vai trò tiếp quản công việc của cha ông phải làm việc chung với công nhân trong xưởng, với cùng thời gian và cường độ làm việc, không ngoại lệ. Trong môi trường khắc nghiệt ấy, các công nhân có thể đánh giá ai sẽ là người đủ thực lực để trở thành chủ của họ. Trong trường hợp không có ai đủ thực lực, vẫn có thể lựa chọn người ngoài (không cùng huyết thống) trở thành người thừa kế.
Vào năm 1934, Kongō Gumi chào đón nữ chủ nhân đầu tiên. Đây cũng chính là ngoại lệ duy nhất trong vòng 80 năm trở lại, phụ nữ được quyền trở thành chủ nhân trong các doanh nghiệp gia đình ở Nhật Bản.
Hữu Long