Tháng sáu nóng như đổ lửa, thương lắm những trái tim đỏ lửa nơi tiền tuyến chống dịch!

(Tổ Quốc) - Tấm lưng phồng rộp vì nắng, những đôi bàn tay nhăn nhúm vì đeo găng quá lâu, mồ hôi túa ra không ngừng chảy bên trong lớp trang phục bảo hộ. Nhiệt độ đang ở ngưỡng 40 độ C, nóng bỏng là trạng thái cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng lúc này với đội tình nguyện viên, y bác sĩ tuyến đầu.

"Tháng sáu nóng như đổ lửa

Nên chúng mình chẳng ai nói gì".

Đó là lời nhạc của nhạc sĩ Đỗ Bảo, và nếu nó cất lên ở nơi tuyến đầu chống dịch ngay lúc này, chắc chắn sẽ có rất nhiều sự bồi hồi. Nắng như đổ lửa, trong bộ đồ bảo hộ kín mít, những "chiến sĩ áo trắng" vẫn phải nói, phải làm, phải chống cự, phải quả cảm, phải kiên cường và không cho phép mình được gục ngã.

Những hình ảnh đầy cảm xúc, những câu chuyện về họ được kể từ trong tâm dịch khiến mỗi người chúng ta, không ai bảo ai, đồng loạt thốt lên một từ giống nhau...

THƯƠNG!

Tháng sáu 40 độ C nóng như đổ lửa ngồi nhà còn thở khó, thương lắm "biệt đội săn Covid" tuyến đầu! - Ảnh 1.

Những "chiến sĩ áo trắng" nghỉ mệt phút chốc ngay tại chỗ rồi lại chiến đấu tiếp.

Tháng sáu 40 độ C nóng như đổ lửa ngồi nhà còn thở khó, thương lắm "biệt đội săn Covid" tuyến đầu! - Ảnh 2.

Đôi bàn tay nhăn nhúm, bợt bạt của đội ngũ chăm sóc y tế dịch Covid do đeo găng tay quá lâu

Thương đội ngũ nhân viên y tế, tình nguyện viên và những người tham gia chống dịch ướt đẫm mồ hôi, có người ngất xỉu trong lớp áo bảo hộ kín mít dưới cái nóng của những ngày hè đỉnh điểm.

Thương em bé nhìn thấy mẹ là bác sĩ tuyến đầu trên tivi bật khóc gọi: "Mẹ ơi, sao mẹ chưa về"...

Thương thầy giáo động viên người vợ y tá nơi tuyến đầu: "Đừng khóc vợ nhé, nước mắt chỉ dành cho ngày chiến thắng. Bởi đất nước này chưa bao giờ có cuộc chia ly".

Thương bác sĩ trong tâm dịch Bắc Giang với dòng tin nhắn khẽ như hơi thở: "Quân của anh "gục" hết rồi" nhưng tinh thần thì vẫn là "Mọi người vẫn đang cố làm việc cho xong".

Tháng sáu 40 độ C nóng như đổ lửa ngồi nhà còn thở khó, thương lắm "biệt đội săn Covid" tuyến đầu! - Ảnh 3.

Nghỉ 1 chút...

Tháng sáu 40 độ C nóng như đổ lửa ngồi nhà còn thở khó, thương lắm "biệt đội săn Covid" tuyến đầu! - Ảnh 4.

... động viên mình và đồng đội.

Thương dòng chữ đẩy lùi nghịch cảnh an ủi chính mình, động viên đồng đội của đội tình nguyện viên ở tâm dịch: "Mệt chỉ là cảm giác".

Thương tấm áo bảo hộ ghi dòng chữ đầy lạc quan "Biệt đội săn Covid" đang dìu đỡ 1 bà cụ trong khu cách ly.

Thương đôi bàn tay không được thở, nhợt nhạt và nhăn nheo vì nhiều giờ đeo găng.

Thương chàng bác sĩ trẻ xuống tóc với nụ cười ấm áp xung phong tới tâm dịch.

Thương cô gái trẻ tếu táo giới thiệu chưa có người yêu qua dòng chữ viết trên áo, biết đâu mang được chút niềm vui cho ai đó trong lúc căng như dây đàn này. 

Tháng sáu 40 độ C nóng như đổ lửa ngồi nhà còn khó thở, thương lắm "biệt đội săn Covid" tuyến đầu! - Ảnh 5.

Thương y bác sĩ kiệt sức ngất xỉu, mệt nhoài ngả bên vệ đường chỉ để chợp mắt 1 chút rồi dậy "chiến đấu tiếp".

Thương nỗi nhớ nhà, nhớ con, nhớ vợ, nhớ chồng, nhớ cha mẹ già họ phải gói ghém cất đi để lấp đầy bằng ý chí quyết tâm chiến đấu với dịch bệnh. 

Thương người tuyến đầu không 1 lời than vãn, còn động viên hậu phương vững tin: "Lại tiếp tục ngày Quốc tế thiếu nhi (1-6) thứ hai tôi cùng đồng nghiệp thất hứa với các con nhỏ của mình. Nhưng tôi muốn nói với các con tôi rằng các con vẫn còn may mắn hơn nhiều đứa trẻ khác vì vẫn còn bà, còn mẹ bên cạnh; trong khi có nhiều trẻ em khác phải cách ly điều trị một mình vì mắc COVID mà bên cạnh không có người thân ruột thịt nào..."

Thương trời nắng gắt, cái nắng bỏng rát sẽ làm làm da thịt trong bộ đồ bảo hộ như muốn bốc cháy, ấy là còn chưa nói cái không khí khẩn trương chống dịch như chống giặc khiến sự nóng bỏng càng nhân lên...

Những hình ảnh lay động về tinh thần kiên cường của đội ngũ y tế tuyến đầu.

Thương những chiến sĩ áo trắng quả cảm đứng lên kiên cường khi tổ quốc gọi tên. 

Thương thời gian làm việc kéo dài suốt nhiều giờ đồng hồ những y bác sĩ nơi đầu chiến tuyến đang phải trải qua mỗi ngày. Nhiều nhân viên y tế mồ hôi đổ thành dòng, nhiều người đã ngất dưới cái nóng khủng khiếp này. Nhiều người đã tự động viên mình và đồng đội để không nhụt chí. Mệt quá gục xuống 1 chút rồi lại tiếp tục công việc!

Thương nữ thủ lĩnh đoàn chi viện 200 y bác sĩ đến từ Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển (Quảng Ninh) nắm chặt tay như 1 lời tuyên thệ: "Cái nắng cái nóng của Bắc Giang không làm khó được tinh thần cả đội".

Hãy THƯƠNG bằng hành động, để người ta thương sớm được về nhà

40 độ C, vẫn có bao nhiêu người đang than nóng như lửa đốt. Đó là khi họ còn được thở, được mặc trang phục bình thường. Còn đội ngũ y bác sĩ tuyến đầu thì kín như bưng, toàn cơ thể từ đầu đến chân được "đóng gói" trong trang phục bảo hộ. Họ còn phải làm việc với cường độ cao trong vùng tâm dịch và trong cái nóng như chảo lửa. 

Nhìn đi những đôi bàn tay nhăn nhúm, những chiếc lưng phồng rộp vì nóng bức, mồ hôi túa ra như tắm, có những người đã gục xuống vì ngất, vì mệt, vì buồn ngủ, người lấy nước lạnh, lấy đá tạt lên người... Hình ảnh ấy đã nói lên tất cả!

Hãy thử tưởng tượng đi, và sẽ thấy rằng nếu bạn được ngồi riêng 1 nơi trong bóng râm, được hít thở không khí không bị cản bởi lớp khẩu trang và chỉ có 1 chiếc quạt con cóc thì so với họ bạn đã quá hạnh phúc rồi.

Đúng là mệt chỉ là cảm giác, nhưng cái cảm giác chân thực nếu nhiệt độ ngoài trời thực tế có thể 40 độ C và bạn đeo khẩu trang đi xe máy trên đường nhựa, nếu vác nặng trên đường bê tông, nếu cuốc đất trên cánh đồng... bạn cũng chỉ hiểu được 1 phần nào.

"Cô ơi em không trụ được nữa, em vào nghỉ 15 phút sau em tiếp sức cho các bạn",

"Cô ơi mình cố nốt xóm này quyết tâm chiều không phải quay trở lại nữa ạ", "Thôi mệt rồi vào nghỉ để tớ thay cậu"…

"Mệt thế này rồi có quyết chiến tiếp không các em? Cô ơi chúng em chiến được!"

"Chính quyền báo còn 200 nữa, chiến được không các em? Cô cho tụi em nghỉ 10 phút chúng em chiến tiếp"...

- Trang nhật ký chống dịch của các bạn trẻ đã viết lại, 1 tinh thần quả cảm mà thương đến ứa nước mắt như thế -

Chưa bao giờ người ta nể phục và thương y bác sĩ đến thế. Sự đồng lòng, những tấm gương quả cảm, tinh thần vượt khó... đều đáng trân quý tuyệt đối. Tất cả mọi ngôn từ dường như đều trở nên sáo rỗng bởi sự hy sinh kia là có thật, sự quyết liệt kia là điều dễ nhìn thấy và tinh thần đồng đội ấy là bất diệt. 

Họ vì đất nước, vì nhân dân, vì sứ mệnh của người được gọi là "chiến sĩ áo trắng", đôi lúc mặc áo xanh. Nhưng dù đổi màu trang phục song tinh thần không bao giờ thay đổi. 

"Hôm qua mình trùm cái áo chống nắng ra đường 1 tiếng mà mồ hôi nhễ nhại. Các bác sỹ, y tá nơi tuyến đầu chống dịch mặc đồ bao hộ cả ngày thì chịu sao được. Mong Việt Nam sớm hết dịch! Mong tất cả được bình an", nhiều người đã bày tỏ tình cảm và động viên đội ngũ y tế tuyến đầu như thế. 

Nhiều y bác sĩ với cường độ làm việc cao và trong điều kiện thời tiết nắng nóng đã kiệt sức.

Có người lại viết: "Công ty mình từng làm đồ bảo hộ này rồi và đã mặc thử thật sự nó quá nóng thời tiết mùa lạnh mà mặc lên nó còn nóng kinh khủng, thời tiết như này mà mặc bộ đồ này thật sự không chịu nổi đâu". Nhưng không chịu nổi cũng phải chịu, lúc này hơn bao giờ hết tổ quốc cần họ, bệnh nhân cần họ, chúng ta cần họ.

Dù ngoài kia có như thế nào, ít nhất bạn vẫn được ở nhà. Hãy chung tay cùng họ để đội ngũ tình nguyện viên y bác sĩ sớm được về nhà, để chúng ta cùng chiến thắng dịch bệnh. Bởi cuộc chiến này thực sự không thuộc về riêng ai. Và trước tiên xin được cảm ơn, xin được gửi lời tri ân, gửi cái ôm từ xa tới đội ngũ y tế tuyến đầu, để họ thấy mình không cô đơn, rằng họ đang không chiến đấu 1 mình.

Và rồi thương, ai cũng nói như thế. Nhưng thương rồi thì sao? Ừ thì nể phục, ừ thì thương nhưng đừng thương để đấy. Dù nếu bạn chẳng thể thay họ lao vào tâm dịch để luân phiên thay họ, nhưng ít nhất hãy hành động trong khả năng mình có thể. Thương rồi thì ít nhất hãy biết ai ở đâu ở yên đó, chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết. Thương thì phải biết tự giác tuân thủ những nguyên tắc chống dịch để các chiến sĩ áo trắng sớm có cơ hội về nhà. 

Chúng ta ở nhà để cho họ được về nhà. Chuyện đơn giản ấy có lý do gì không làm được. 

Nhiều người đã hành động quyết liệt hơn. Như vị bác sĩ già 78 tuổi ở Nghệ An tình nguyện xin vào hỗ trợ vùng tâm dịch. Như chàng thanh niên đi 80km bằng xe máy tới Bắc Giang xin làm tình nguyện viên. Như anh lái xe cứu thương một mình từ Quảng Bình tới Bắc Giang để góp sức... 

Mỗi người 1 hành động và đều đáng ngợi ca, nhưng việc tất cả chúng ta đều có thể làm là tuân thủ những nguyên tắc phòng dịch, sẻ chia và cùng chung tay đóng góp với Quỹ vắc xin Việt Nam. 

Hãy làm dịu lại cái nóng 40 độ mùa hè rực lửa này. Hãy cùng nhau chung tay góp sức, góp công và góp Quỹ. Hãy ở nhà để đội ngũ tình nguyện viên, y bác sĩ sớm được về nhà. 

Tất cả đều là cách để nói về chữ Thương!

"Ồ những ngày tháng sáu

Những ngày tháng sáu trái tim đỏ lửa".

Vẫn là lời "Bài ca tháng sáu", và có một điều chắc chắn rằng, không trái tim nào "đỏ lửa" hơn những trái tim nơi tiền tuyến chống dịch.

Tháng sáu nóng như đổ lửa, thương lắm những trái tim đỏ lửa nơi tiền tuyến chống dịch! - Ảnh 9.

ĐX

Tin mới