Thần Tài là ai? Có bao nhiêu vị Thần Tài? Ngày vía Thần Tài có gì đặc biệt trong tín ngưỡng thờ cúng của người Việt?

(Tổ Quốc) - Tại sao dân gian lại có tập tục thờ cúng Thần Tài? Vị thần này bảo trợ cho điều gì?

Phàm là người trần tục sống trong nhân gian, ai cũng có lòng sùng bái tín ngưỡng và đức tin của riêng mình. Trong mỗi gia đình Việt đều có bàn thờ để mong nhận được sự che chở, phù hộ của tổ tiên.

Vào đầu năm, mỗi dịp xuân về, người dân hay tìm đến những ngôi chùa thiêng về tài lộc để xin "lộc rơi, lộc vãi". Hầu hết đối với những người cầu tài, cầu lộc, đặc biệt là những người kinh doanh, làm ăn, buôn bán thường thờ Thần Tài để mong vị thần cho lộc, may mắn, làm ăn thuận lợi, phát đạt.

Còn những người cầu phúc thường kính cẩn thờ phụng Thổ địa nơi mình sống, mong ngài gia ân châm chước, mưa thuận gió hoà, bốn mùa không có hạn ách nào xâm, tám tiết có điềm lành tiếp ứng, 365 ngày trong năm có thể an cư lạc nghiệp. 

Thần Tài là ai? Có bao nhiêu vị Thần Tài? Nguồn gốc ngày vía Thần Tài có gì đặc biệt trong văn hoá tín ngưỡng của người Việt? - Ảnh 1.

Hình ảnh minh hoạ Thần Tài - Ông Địa

Thần Tài là ai?

Thần Tài là một vị thần quan trọng quen thuộc trong tín ngưỡng người Việt và một số nước phương Đông như Trung Quốc, Ấn Độ, Tây Tạng. Đây là vị thần được cho là đem lại may mắn, tiền tài.

Đặc biệt, những người kinh doanh, buôn bán muốn làm ăn thuận lợi, hanh thông thì đều thờ cúng vị thần này.

Sự tích Thần Tài

Thần Tài trong sự tích Trung Quốc

"Âu Minh và Như Nguyệt"

Trung Hoa xưa kia có một người lái buôn, tên gọi Âu Minh. Một ngày nọ, Âu Minh đi qua hồ Thanh Thảo, có duyên gặp mặt Thuỷ Thần và được cho một người làm, gọi là Như Nguyệt.

Từ ngày Như Nguyệt về nhà, công việc buôn bán, làm ăn của Âu Minh phất lên "như diều gặp gió", làm đâu thắng đó, thu về được nhiều tiền bạc. Số là trong một dịp Tết, Như Nguyệt làm sai và bị Âu Minh đánh. Quá sợ hãi, Như Nguyệt chui vào đống rác góc nhà và biến mất, chẳng tìm thấy nữa. Sau sự tình ấy, Như Nguyệt không còn, công việc làm ăn của Âu Minh liên tục đổ bể, thua lỗ và trở nên nghèo khó.

Cho nên, người đời sau cho rằng Như Nguyệt chính là Tài thần trong nhà, nên có tục thờ từ đó.

Đây cũng là một trong những lý do người phương Đông kiêng quét nhà 3 ngày Tết. Người ta cho rằng, Như Nguyệt - Tài thần trốn trong đống rác góc nhà, quét rác đi trong ngày Tết là đổ bỏ lộc ra khỏi nhà.

"Phạm Lãi"

Sự tích Thần Tài gắn liền với nhân vật Phạm Lãi, là một nhân vật có thật trong lịch sử Trung Hoa. Vốn xuất thân là một trung thần, có công phò tá đất nước từ chỗ bên bờ vực diệt vong trở nên hưng thịnh. Về sau, do chán ngán chuyện ganh đua chốn quan trường, Phạm Lãi âm thầm bỏ đi, thay tên đổi họ rồi mai danh ẩn tích.

Tương truyền, về với dân gian, Phạm Lãi mưu sinh bằng nghề buôn bán và đổi tên thành Đào Châu Công. Ông buôn bán rất mát tay, chỉ trong thời gian ngắn đã phát tài, của cải đầy nhà. Phần lớn được ông đem bố thí cho người nghèo, chỉ giữ lại chút vốn để tiếp tục làm ăn. 

Nhờ tấm lòng thơm thảo, phúc đức của ông mà người đời tôn sùng ông là Thần Tài.

Thần Tài trong sự tích Ấn Độ

Thần Tài trong quan niệm tâm linh của người Ấn gắn liền với vị thần chuyên bố thí tiền bạc cho chúng sinh đói khổ, là Bố Đại La Hán hay Nhân Yết Đà Tôn Giả - 1 trong 18 vị La Hán. Bố Đại La Hán đeo một chiếc túi vải lớn trên lưng, thường xuyên băng rừng bắt rắn độc, sau đó nhổ răng chúng rồi thả đi để chúng không làm hại chúng sinh. 

Bố Đại La Hán của người Ấn được mô tả luôn mang nét mặt vui vẻ, nụ cười hào sảng, tâm an yên nên là biểu tượng cho sự may mắn, thành công. Bởi vậy, đây chính là Thần Tài được người Ấn tôn sùng.

Thần Tài trong sự tích Tây Tạng

Phật giáo Tây Tạng tôn sùng và thờ phụng 5 vị Thần Tài ngũ sắc, bao gồm Hoàng Thần Tài, Bạch Thần Tài, Hồng Thần Tài, Lam Thần Tài và Hắc Thần Tài. Trong đó, Hoàng Thần Tài vị Thần Tài đứng đầu chư vị Thần linh cai quản tài khố phương Bắc và cũng là vị thần được người dân cung dưỡng, thờ cúng nhiều nhất.

Trong truyền thuyết được lưu truyền lại, được biết đến nhiều nhất là tích Hoàng Thần Tài bảo vệ Đức Phật khỏi yêu ma. Ngày ấy, Đức Phật giảng kinh ở đỉnh núi Griddhakuta ở vùng Rajgir thuộc Trung Ấn thì gặp yêu ma quỷ thần từ khắp nơi đến gây chuyện khiến cho núi thiêng sụp xuống. Trong khoảnh khắc, Hoàng Thần Tài hiện thân để bảo vệ Đức Phật cùng đệ tử bình an vô sự.

Sau này, Phật tích ghi lại, vị thần này chuyên ban phát của cải cho chúng sinh, giúp chúng sinh thoát khỏi nghèo khó.

Thần Tài trong sự tích của người Việt

Thần Tài trong tín ngưỡng tâm linh người Việt là Thổ Địa - vị thần hộ mệnh cai quản đất đai, bảo trợ bình an cho con người. Thuở xưa, dân ta đi khai hoang lập ấp, đầy khó khăn, khổ ải và ý niệm về các vị thần hình thành từ đó để làm chỗ dựa tinh thần cho họ trên con đường mưu sinh.

Thổ Địa (Thần Đất) là vị thần bảo vệ cho cây trái, hoa màu gắn liền với nền văn minh nông nghiệp của người Việt từ cổ xưa. Đây cũng là vị thần trông coi, nắm giữ tiền tài.

Ngoài ra, còn một sự tích về Thần Tài trong dân gian gắn liền với hình tượng Tài Lộc Chân Quân.

Chuyện kể rằng, xưa kia Thần Tài là vị thần cai quản tiền bạc, tài lộc chỉ có ở trên trời. Trong một lần uống rượu say bị rơi xuống trần gian, đầu va vào đá nằm bất tỉnh. Sáng ra, dân chúng vây quanh, thấy một người ăn mặc như tuồng, bèn lấy làm lạ. Dân lột sạch quần áo, tư trang của Thần Tài mang đi bán. Do va đập khá mạnh nên Thần Tài tạm thời "mất trí nhớ", không nhớ mình là ai, thường xuyên lang thang đi xin ăn khắp nơi.

Một ngày kia, Thần đi xin ăn một nhà buôn gà, heo quay ế ẩm, chủ nhà gọi người ăn xin vào ăn. Thần Tài bị bỏ đói lâu ngày nên ăn rất nhiều, đặc biệt là thịt heo quay. Lạ thay, từ khi người ăn xin này vào ăn, khách ở đâu nườm nượp kéo đến, hút hết cả khách ở mấy quán bên cạnh. Bởi vậy, ngày nào chủ quán cũng gọi mời người ăn xin lạ kia vào ăn.

Đắt khách một thời gian dài, chủ quán kia kiếm được nhiều tiền và thấy "nóng mắt" vì Thần Tài chẳng làm gì, cả ngày chỉ biết ăn, mà lại toàn dùng tay bốc. Người thì ăn mặc rách rưới, hôi hám, bốc mùi. Trộm nghĩ, người ăn xin này sẽ làm khách sợ bỏ đi nên chủ quán liền đuổi ông đi.

Đối diện quán heo quay hồi trước cũng rất đông khách nay vắng hoe, thấy người chủ đuổi người ăn xin đi thì họ liền mời ông vào ăn. Thật không ngờ, khách hàng lại ùn ùn kéo đến quán này rất đông.

Thấy vậy, nhiều người ra sức tranh giành mời bằng được người ăn xin này vào quán của mình ăn để kéo khách.

Người dân xung quanh thấy vị Thần Tài này ăn mặc rách rưới nên dẫn ông đi mua quần áo mới. Đến đúng nơi quần áo, tư trang của ông bị bán, sau khi mặc lại đồ và đội mũ nón thì Thần Tài nhớ lại tất cả và vụt bay về trời.

Từ đó, dân chúng biết ơn và lập ban thờ tôn kính ông từ đó. Ngày vị thần bay về trời cũng chính là ngày 10 tháng Giêng âm lịch. Bởi vậy, hằng năm cứ đến dịp này, mọi người đều chọn ngày mùng 10 tháng Giêng làm ngày vía Thần Tài để cảm tạ và mong cầu tiền bạc dư dả cho cả năm.

Thần Tài là ai? Có bao nhiêu vị Thần Tài? Nguồn gốc ngày vía Thần Tài có gì đặc biệt trong văn hoá tín ngưỡng của người Việt? - Ảnh 3.

Hình ảnh minh hoạ Thần Tài - Ông Địa

Có bao nhiêu vị Thần Tài?

Ở Trung Quốc

Ở Trung Quốc có 9 vị Thần ban phát tài lộc (Cửu Lộ Tài Thần). Trong đó có 5 vị chính đại diện cho phương hướng: Vương Hợi (Trung Bân Tài Thần) - Trung tâm, Tỷ Can (Tài Lộc Chân Quân) - Đông, Sài Vinh (Thiên Tài Tinh Quân) - Nam, Quan Võ - Tây, Triệu Công Minh (Tài Bạch Tinh Quân) - Bắc.

Ngoài ra, còn 4 vị Tài Thần khác gồm: Phạm Lãi, Lý Quỷ Tổ, Đoan Mộc Tứ, Lưu Hải Thiềm.

Ở Việt Nam

Vị thần nắm giữ tài lộc, ban phát của cải ở Việt Nam chủ yếu được biết đến gồm: Văn Thần Tài và Võ Thần Tài.

Văn Thần Tài gồm Tài Bạch Tinh Quân và Lộc Tinh cai quản tiền tài trong nhân gian. Tài Bạch Tinh Quân nhận diện bằng hình ảnh mặt trắng, tóc dài, dáng vẻ oai phong. 

Thần Tài là ai? Có bao nhiêu vị Thần Tài? Ngày vía Thần Tài có gì đặc biệt trong tín ngưỡng thờ cúng của người Việt? - Ảnh 4.

Bộ Tam Đa Phúc - Lộc - Thọ mang ý nghĩa là phúc khí đầy nhà, con cháu đầy đàn, tiền bạc đầy túi và sức khoẻ dồi dào.


Lộc Tinh thường đứng cùng hai vị thần khác là Phúc và Thọ mà dân ta thường gọi là Tam đa (Phúc, Lộc, Thọ). Ba vị thần Phúc, Lộc, Thọ được đặt ở vị trí xoay lưng ở chỗ cửa ra vào với niềm tin có thể dẫn tài lộc vào nhà, giúp gia đạo hưng thịnh, phát đạt.

Võ Thần Tài Triệu Công Minh được nhiều người thờ phụng để cầu mong buôn bán phát đạt, bảo vệ khỏi tai ách, vận xui. Trong phong thủy, võ Thần Tài Triệu Công Minh tượng trưng cho tiêu tai trừ bệnh và chiêu tài tiến bảo, được dân gian thờ cúng rộng rãi đến ngày nay.

Võ Thần Tài gồm Triệu Công Minh và Quan Công. Đây đều là các vị thần phổ biến ứng dụng trong phong thuỷ học, giữ vai trò như trấn cổng, hộ pháp, xua ma trừ tà. 

Theo phong thủy, nhiều gia chủ đã đặt tượng Quan Công trong nhà với mong muốn cầu cho gia đình được bảo vệ bình an, cuộc sống được tốt đẹp và nhận được nhiều phước lành hơn.

Quan Công, Triệu Công Minh được đặt ở ngay cửa, vừa giúp nạp tài khí bốn phương, vừa tránh được hung hiểm tám hướng.

Thần Tài là ai? Có bao nhiêu vị Thần Tài? Nguồn gốc ngày vía Thần Tài có gì đặc biệt trong văn hoá tín ngưỡng của người Việt? - Ảnh 4.

Hình ảnh minh hoạ bàn thờ Thần Tài trong tín ngưỡng của người Việt

Phong tục thờ cúng Thần Tài của người Việt

Trong tín ngưỡng của người Việt, hình tượng Thần Tài chủ yếu chỉ nhân vật râu tóc bạc phơ, ngồi trên ngai tay cầm nén vàng, ôm phía trước bụng cùng gương mặt hiền từ, nhân hậu.

Thần Tài xuất phát từ Trung Hoa du nhập vào nước ta từ lâu, có thể đi theo con đường buôn bán của các thương nhân. Hiện nay, nhu cầu phát triển kinh tế, làm ăn buôn bán ngày càng mạnh mẽ, để đảm bảo chất lượng cuộc sống gia đình, để tăng thêm niềm tin lấy may buôn bán mà nhiều người đều thờ cúng Thần Tài.

Tuy vậy, hoạt động tín ngưỡng thờ cúng Thần Tài của người Việt khác biệt nhiều với người Trung Quốc. Tại Việt Nam, người dân thờ chung Thần Tài với Ông Địa.

Nơi thờ cúng Thần Tài thường được đặt dưới đất, sát tường ở gần nơi cửa ra vào. Lễ vật dâng cúng cũng giản dị và tuỳ tâm gia chủ.

Ngày mùng 10 tháng Giêng hằng năm được dân Việt chọn làm ngày vía Thần Tài. Đặc biệt, với nhiều người kinh doanh, buôn bán thì ngày vía Thần Tài quan trọng hơn cả. Đây không chỉ là dịp cảm tạ sự phù trì cho gia chủ trong suốt một năm cũ mà còn là ngày xin vía mới, lộc may mới để làm ăn buôn bán thuận hoà, đắc lộc.

Vào ngày này, người dân cũng có thói quen đi mua vàng đầu năm để lấy chút may mắn, gọi là “khơi thông dòng của cải”, cầu may cho công việc làm ăn của mình. 

Mặc dù “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành", tín ngưỡng thờ cúng Thần Tài là điểm tựa tâm linh giúp người dân có động lực để làm ăn. Nhưng cũng không vì thế mà sùng tín kéo nhau ào ào đi mua vàng vào ngày này, tránh bị lừa đảo và hụt hẫng do “bong bóng" giá vàng thị trường lên xuống thất thường.

(Tổng hợp)

Vũ.

Tin mới