(Tổ Quốc) - Càng gần Tết Âm lịch nhu cầu đổi tiền lẻ ngày càng tăng. Và đi kèm với đó là tình trạng thu phí khi đổi tiền. Tuy nhiên, không nhiều người biết rằng việc này được xếp vào hành vi đổi tiền không đúng theo quy định pháp luật và có thể bị xử phạt hành chính.
Càng đến gần Tết Âm lịch nhu cầu đổi tiền lẻ ngày càng tăng. Dịch vụ đổi tiền lẻ xuất hiện nhan nhản trên MXH, website với nhiều tên gọi như: "Dịch vụ đổi tiền", "Đổi tiền Tết" hay "Đổi tiền giá rẻ",... sẵn sàng đáp ứng nhu cầu đổi tiền lẻ, tiền mới của người dân trong khoảng thời gian cao điểm cận Tết Nguyên đán.
Nhưng điều đáng nói ở đây chính là việc thu phí đi kèm khi đổi tiền. Phí đổi tiền sẽ phụ thuộc vào từng mệnh giá. Như các loại tiền mệnh giá 1.000 đồng, 2.000 đồng mức phí sẽ dao động từ 13 - 15%, loại 10.000 đồng, 20.000 đồng là 6 - 8%, còn với 50.000 đồng, 100.000 đồng thì chịu phí 3 - 5%.
Tuy nhiên, theo pháp luật hiện hành, hoạt động đổi tiền lẻ nhằm hưởng % chênh lệch là hành vi trái pháp luật và bị nghiêm cấm.
Theo đó, việc đổi tiền có thu phí như trên được xếp vào hành vi đổi tiền không đúng theo quy định và có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 88/2019/NĐ-CP.
Vậy, hành vi đổi tiền vi phạm Nghị định 88/2019/NĐ-CP sẽ bị xử lý như thế nào?
Cụ thể, tại Điểm a khoản 5 Điều 30 Nghị định 88/2019/NĐ-CP quy định mức phạt đối với vi phạm quy định về quản lý tiền tệ và kho quỹ như sau:
- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm về việc thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật.
Mức phạt tiền đối với hành vi trên là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân còn mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Như vậy, nếu tổ chức vi phạm về quy định đổi tiền không đúng quy định sẽ bị phạt tiền từ 40 đến 80 triệu đồng.
HẠ VŨ (T/H)