(Tổ Quốc) - Chè khoai dẻo với các viên khoai tròn tròn đầy màu sắc nhìn qua cũng khá giống bánh trôi.
Tết Hàn Thực thì không thể thiếu bánh trôi, bánh chay nhưng nếu đã ăn hai món này quá nhiều thì các chị em thử đổi món với chè khoai dẻo xem sao?
Mới đây, bài viết chia sẻ về món chè khoai dẻo của chị Hà Ly trên group Yêu Bếp (Esheep Kitchen Family) đã nhận được sự quan tâm và chú ý của đông đảo chị em với tạo hình quá đỗi dễ thương. Chị Hà Ly hài hước viết: "Nhà tôi ba đời nặn bánh trôi trắng, đến đời tôi thì nặn bánh trôi các màu. Nặn chán bánh trôi tôi chuyển sang nặn cả bánh trôi "pha ke". Vì thực chất nó là khoai dẻo tôi dùng nấu chè."
Chị Trần Thị Hà Ly, sinh năm 1985, hiện đang làm công việc food photographer và thực hiện các video clip cho kênh YouTube Hà Ly Cooking là tác giả của món chè khoai dẻo này.
Món chè khoai dẻo (mà tác giả gọi đùa là "bánh trôi pha ke") là một lựa chọn thú vị cho những ai đã ăn quá nhiều bánh trôi, bánh chay và muốn đổi món một chút.
Các chị em cùng học cách làm món chè khoai dẻo cực hấp dẫn này nhé!
Tết Hàn thực 2021 là vào ngày nào dương lịch?
Tết Hàn thực diễn ra vào ngày mùng 3 tháng 3 âm lịch. Tết Hàn thực 2021 rơi vào thứ Tư ngày 14/4 dương lịch.
Nên làm gì trong ngày Tết Hàn thực?
Nhiều người lầm tưởng rằng vào Tết Hàn thực, chỉ cần làm bánh trôi bánh chay để cúng ông bà tổ tiên. Tuy nhiên điều đó đúng mà chưa đủ. Theo truyền thống, vào ngày Tết Hàn thực, người ta còn làm những việc sau:
- Đi tảo mộ;
- Làm mâm cúng;
- Chỉ nói những điều hay ý đẹp, tránh mâu thuẫn cãi vã lẫn nhau;
- Tưởng nhớ công ơn những người đã khuất;
- Ăn mặc chỉn chu khi làm lễ, thắp hương.
Cách làm chè khoai dẻo cho Tết Hàn thực
Sơ chế và hấp khoai
Khoai sau khi gọt vỏ, các bạn rửa sạch cho hết nhựa và cắt bỏ 2 đầu vì đây là nơi có nhiều xơ cứng. Sau đó cắt khoai thành những khoanh dày chừng 1,5cm.
Đun sôi nước và cho khoai vào xửng hấp to lửa khoảng 10 - 15 phút. Kiểm tra thấy khoai chín bở là được.
Nhào hỗn hợp khoai
Khoai cần nhào luôn khi nóng để có độ kết dính nên các bạn lấy khoai ra thì bỏ vào một cái bát to, cho bột năng vào cùng khoai rồi nhanh tay dùng dĩa dầm nhuyễn. Lúc này nhìn hỗn hợp khoai và bột sẽ có cảm giác tơi ra, các bạn cho nước vào rồi dùng tay nhào cho hỗn hợp khoai trở thành một khối đồng nhất.
Với phần khoai màu vàng nếu muốn tạo thành những màu sắc khác như xanh lá, vàng cam hay hồng thì khi trộn khoai với bột năng xong, các bạn thay nước trắng bằng nước cốt (xay đậm đặc) của các loại rau củ như lá nếp, bí đỏ, thanh long ruột đỏ để tạo màu sắc tự nhiên. Hoặc bạn có thể dùng màu thực phẩm cũng được.
Kiểm tra thấy bột mịn, dẻo, vê tròn hay tạo hình không thấy bột bị nứt là được. Nếu thấy bột nứt chứng tỏ bột hơi khô thì lại thêm chút nước vào nhào tiếp.
Tạo hình cho khoai
Sau khi đã có các phần khoai dẻo với màu sắc như ý thì các bạn tạo hình tùy vào sự sáng tạo của mình.
Luộc hỗn hợp khoai dẻo
Để luộc khoai dẻo các bạn chuẩn bị nồi nước đầy một chút. Đun sôi rồi nhẹ nhàng thả các viên khoai dẻo vào nồi luộc, nên luộc màu sáng trước rồi mới luộc màu khoai tím.
Khi chín các viên khoai sẽ nổi lên. Các bạn vớt ra bát và trộn luôn cùng vài thìa đường trắng, sẽ giúp cho các viên khoai bóng đẹp và không bị dính vào nhau.
Chè khoai dẻo thường sẽ ăn cùng thạch sương sáo và nước đường gừng (hỗn hợp gồm: nước đường thốt nốt vài lát gừng lá nếp đun sôi).
Tuy nhiên các bạn có thể phá cách để kết hợp cùng thạch lá nếp, cùi dừa non và nước cốt dừa lạnh (nước cốt dừa sữa đường) cũng rất ngon.
Chúc các chị em thành công với món chè khoai dẻo này và có thể đón một Tết Hàn thực 2021 đầy màu sắc nhé!
B.Phương