(Tổ Quốc) - Ngoài những ưu điểm vượt trội trong việc giáo dục toàn diện cho trẻ, phương pháp Montessori cũng có không ít khuyết điểm đang tồn đọng.
Montessori là tên một phương pháp giáo dục hiện đại được Tiến sĩ, nhà Giáo dục người Ý Maria Montessori sáng lập vào thế kỷ 20.
Hiểu một cách đơn giản thì đây là phương pháp giáo dục trẻ bằng việc học tập thông qua các giáo cụ trực quan như tranh ảnh, biểu đồ, sơ đồ lớn, loa, phim ảnh,..
So với phương pháp giáo dục truyền thống, phương pháp Montessori khác biệt ở chỗ lấy trẻ làm trọng tâm chứ không phải giáo viên.
Qua đó, phương pháp này có thể khai thác tiềm năng học tập sẵn có của trẻ.
Ngày nay, rất nhiều trường học và cả các bậc phụ huynh đang áp dụng phương pháp giáo dục Montessori cho học sinh và con em của mình.
Tuy nhiên, bất kể phương pháp nào cũng vậy, trước khi áp dụng, chúng ta phải tìm hiểu kỹ những ưu nhược điểm.
Từ đó ta mới có thể áp dụng phương pháp một cách hiệu quả, toàn diện nhất.
Ưu điểm của phương pháp Montessori
1. Giúp trẻ phát hiện tài năng sớm
Phương pháp Montessori lấy trẻ làm trung tâm, nhấn mạnh và khơi gợi tiềm năng học tập, tính chủ động, sáng tạo, tìm tòi của trẻ. Chính vì vậy mà trẻ được tự do tìm hiểu cũng như khám phá thế giới xung quanh theo mong muốn cá nhân.
Điều này giúp trẻ bộc lộ khả năng của mình rõ rệt và phụ huynh cũng phát hiện ra khả năng của trẻ sớm hơn. Không những thế, phụ huynh còn có thể định hình được cách giáo dục theo cách trẻ muốn.
2. Giúp trẻ sống tự lập hơn
Một trong những lĩnh vực giảng dạy của phương pháp Montessori là "Thực hành cuộc sống". Với môn này, trẻ được học các bài liên quan đến cách tự phục vụ bản thân như việc tự mặc/ cởi áo khoác, tự chuẩn bị đồ ăn, tự buộc dây giày hay tự rửa tay,...
Những bài học này sẽ hình thành tính tự lập của trẻ. Trẻ không ỷ lại hay phải trông cậy vào sự trợ giúp của người lớn vì chính mình cũng có thể làm được.
3. Giúp trẻ phát triển trí thông minh hơn
Như đã nêu ở trên, phương pháp Montessori đề cao sự phát triển tự nhiên cũng như thúc đẩy tiềm năng học tập có sẵn của trẻ. Chính yếu tố này đã tác động rất lớn đến trí thông minh cũng như tư duy của trẻ.
Theo đó, việc tự học giúp trẻ hình thành được cách suy nghĩ độc lập. Đồng thời bộ não cũng phát triển hơn nhiều so với việc học tập thụ động, chỉ làm theo hướng dẫn của giáo viên. Bên cạnh đó, vì Montessori tập trung giảng dạy 5 lĩnh vực: Thực hành cuộc sống, Ngôn ngữ, Giác quan, Toán học và Văn hóa nên trẻ sẽ có khối lượng kiến thức phong phú từ rất sớm.
4. Giúp trẻ cải thiện trí nhớ
Việc tự học không chỉ giúp trẻ tăng cường khả năng tư duy mà còn tăng cường cả trí nhớ. Trẻ sẽ tự tìm tòi, tự khám phá thế giới xung quanh, sau đó ghi nhớ những kiến thức, bài học này lâu và sâu sắc hơn.
5. Giúp trẻ phát triển nhân cách
Trong lĩnh vực "Thực hành cuộc sống", ngoài tự chăm sóc chính mình, trẻ còn học cách chăm sóc mọi người và cả môi trường xung quanh. Điều này giúp trẻ phát triển về nhân cách, hình thành tính cách hiền hòa, nhân ái và tự chủ.
Nhược điểm của phương pháp Montessori
1. Tốn kém tài chính
Các chương trình giáo dục theo đúng chuẩn Montessori quốc tế thường rất đắt đỏ. Việc chuẩn bị rất nhiều tài liệu, giáo cụ giảng dạy cũng như các món đồ chơi, tuyển chọn đội ngũ giáo viên chất lượng, xây dựng chương trình giảng dạy sẽ tốn một khoản tiền lớn.
Vậy nên không phải gia đình nào cũng đủ kinh phí chi trả cho các lớp học Montessori.
2. Chương trình học không giống nhau
Tuy cùng chung một triết lý, cùng chung một bộ giáo cụ và bộ quy chuẩn giảng dạy nhưng chúng ta khó mà tìm thấy hai trường Montessori có chương trình giảng dạy giống hệt nhau.
Các chương trình Montessori ở mỗi vùng, mỗi trường đều có sự khác biệt cơ bản, và đặc biệt khác với từng đối tượng học sinh. Thực tế, chương trình Montessori có cấu trúc ít hơn so với các lớp học truyền thống. Vì vậy bố mẹ cần nghiên cứu kỹ trước khi quyết định cho trẻ theo học.
3. Không phải lúc nào sự độc lập cũng tốt
Phương pháp Montessori đề cao khả năng rèn luyện sự tự lập, độc lập ở một đứa trẻ. Nhưng theo các nhà nghiên cứu, không phải lúc nào sự độc lập cũng tốt.
Độc lập quá mức khiến trẻ khó làm việc theo nhóm, và đôi khi sống quá quy tắc, cứng nhắc. Trong khi đó, kỹ năng tương tác, teamwork là những kỹ năng tương tác được đánh giá cao trong thời đại kỷ nguyên số.
4. Cấu trúc lớp học tự do có thể gây ra phiền phức
Trẻ thường có xu hướng thích những cấu trúc, những hành động quen thuộc. Ở Việt Nam, các trường học truyền thống cho trẻ ít sự tự do hơn nhưng nó lại duy trì được một môi trường học tập trật tự, quy củ.
Nếu trẻ đã học Montessori và quen với môi trường tự do thì khi chuyển cấp vào học những trường truyền thống sẽ gặp phải không ít khó khăn.
Thanh Hương