(Tổ Quốc) - Cha mẹ không nên đánh giá thấp mức độ nguy hiểm của việc sâu răng sớm và rụng răng ở trẻ nhỏ.
Trên thực tế có nhiều trẻ 4, 5 tuổi đã bị rụng răng sớm và tỷ lệ sâu răng ở trẻ em đang có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây. Nhiều cha mẹ có vẻ như không quá chú trọng đến vấn đề răng miệng của trẻ, cho rằng dù sao đến tuổi thì sẽ thay răng, bị sâu răng lúc này cũng không có vấn đề gì nghiêm trọng. Với suy nghĩ này, cha mẹ không ngờ rằng, có nhiều hậu quả nghiêm trọng xảy ra với con mình.
Dưới đây là những hậu quả trẻ sẽ gặp phải nếu bị sâu răng mà không xử lý kịp thời:
Giảm chức năng ăn nhai, ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và phát triển
Khi răng bị sâu, nó sẽ làm giảm chức năng nhai, ảnh hưởng đến quá trình hấp thu và tiêu hóa, có liên quan mật thiết tới sự tăng trưởng và phát triển của trẻ. Khi bị sâu răng một bên, trẻ sẽ nhai bên còn lại. Nếu một chiếc răng lâu ngày không được sử dụng, sẽ dễ hình thành vôi răng, gây kích ứng nướu, gây viêm và sưng nướu.
2 bên khuôn mặt không đối xứng, ảnh hưởng đến thẩm mỹ
Việc ăn nhai một bên lâu ngày sẽ khiến hình dáng khuôn mặt bị thay đổi, một bên má to, một bên má nhỏ. Sâu răng còn có thể khiến răng vĩnh viễn mọc bất thường, từ đó gây ra tình trạng khớp cắn không đều, ảnh hưởng đến sự phát triển khuôn mặt của trẻ.
Ảnh hưởng đến phát âm và nói
Trong giai đoạn tập nói và phát triển khả năng giao tiếp, sâu răng sẽ ảnh hưởng đến phát âm của trẻ.
Ảnh hưởng đến sự mọc răng vĩnh viễn
Rụng răng sớm do sâu răng sẽ khiến răng vĩnh viễn mọc lệch, dẫn đến hàm răng không đồng đều. Răng vĩnh viễn mọc sớm có chân răng chưa trưởng thành, chân răng ngắn, không chịu được áp lực ăn nhai, dễ bị lung lay, thậm chí rụng.
Ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần
Trên thực tế, những đứa trẻ bị sâu răng thường không thích cười và không dám cười, nhiều lúc còn phải lấy tay che miệng. Dù trẻ còn nhỏ nhưng chúng cũng rất quan tâm tới ánh mắt và nhận xét của người khác. Khi bị bạn bè chế giễu, nó sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của trẻ
Ở mỗi giai đoạn, cha mẹ nên can thiệp như thế nào để ngăn ngừa sâu răng?
Sâu răng nông
Khi nhìn thấy trên răng có chấm đen, không có cảm giác đau nhức, nhưng thực chất các mô cứng của răng đã bị phá hủy. Đây được gọi là sâu răng nông hay sâu răng men, lúc này nên bảo vệ bằng thuốc hoặc điều trị bằng phương pháp trám răng.
Sâu răng vừa
Khi ăn đồ ngọt có cảm giác hơi đau nhức, cơn đau nhẹ này thường bị bỏ qua. Thực chất, sâu răng đã ăn mòn lớp ngà bên ngoài, đã có lỗ sâu, nên rất nhạy cảm với đồ ngọt, đồ chua, đồ lạnh. Lúc này, việc điều trị là trám răng để không làm tổn thương đến tuỷ răng.
Sâu răng
Nếu nhận thấy tình trạng không thể nhai bằng răng một bên, răng đã bị sâu nhiều, tổn thương phần ngà, nhiệt độ nóng lạnh sẽ kích thích lỗ sâu gây đau nhức. Việc điều trị bằng cách trám răng cần thực hiện ngay lập tức để bảo vệ tủy răng.
Viêm tủy răng
Khi không thể ngủ được cả đêm do đau nhức, sâu răng đã xâm lấn vào các mô tủy, gây viêm. Tình trạng này cần đến nha sĩ khám và điều trị gấp để giảm đau tủy răng cấp tính.
Viêm nha chu cấp tính
Sưng mặt, sưng lợi đến mức không ăn uống được, lờ đờ, cắn đau, răng đã bị viêm nha chu cấp, còn có thể nhiễm trùng từng đợt, đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe. Lúc này, cần phải đến nha khoa điều trị, uống thuốc, rạch áp xe nếu cần thiết.
Chỉ còn thân và chân răng còn sót lại
Răng sẽ mục nát, có màu đen, rụng gần hết chỉ còn chân răng, việc điều trị tủy răng là biện pháp hiệu quả nhất lúc này.
Cha mẹ cần làm gì để bảo vệ răng miệng của trẻ?
Các bệnh về răng miệng cũng giống như các bệnh lý khác, cần phát hiện sớm và điều trị sớm.
1. Đánh răng vào buổi sáng và buổi tối
Răng bị xâm nhập bởi vi khuẩn tạo ra axit, có thể dẫn đến sâu răng. Đánh răng đúng cách sáng và tối là cách tốt nhất để bảo vệ răng và nướu. Việc chọn bàn chải đánh răng có chất lượng tốt, lông mềm, đầu nhỏ là điều rất quan trọng, nên thay bàn chải sau 3 tháng sử dụng.
2. Chọn kem đánh răng có fluor
Việc sử dụng kem đánh răng đặc biệt dành cho trẻ em, kết hợp với bàn chải đánh răng có thể tăng cường tác dụng loại bỏ mảng bám, bảo vệ răng khỏi axit do vi khuẩn tạo ra, đồng thời sửa chữa men răng đã bị axit làm hỏng.
Sử dụng kem đánh răng không chứa fluor trước 3 tuổi và sử dụng kem đánh răng có fluor sau 3 tuổi, nhưng liều lượng chỉ bằng một nửa so với người lớn.
3. Ăn uống lành mạnh
Canxi là thành phần quan trọng của mô răng, quá trình phát triển răng miệng của trẻ lại càng không thể tách rời canxi. Chú ý bổ sung canxi từ nhiều loại thực phẩm như sữa, phomai, các loại rau xanh, tôm.
4. Hạn chế đồ ăn vặt
Sau khi ăn đồ ngọt hoặc đồ ăn vặt giàu đường sucrose, nếu không vệ sinh răng miệng kịp thời, vi khuẩn trong miệng sẽ nhanh chóng chuyển hóa đường và các phần tử tinh bột thành các chất có tính axit, từ đó phá hủy men răng.
5. Kiểm tra răng miệng thường xuyên
Sâu răng là một bệnh mãn tính, dưới tác động tổng hợp của các yếu tố gây sâu răng kể trên, sâu răng sẽ xuất hiện trong khoảng 1 năm rưỡi. Thường xuyên đi khám răng miệng định kỳ (3 - 6 tháng/lần), cha mẹ mới có thể nắm bắt được tình hình khoang miệng và răng miệng của trẻ, điều trị kịp thời để ngăn chặn tình trạng sâu răng tiếp tục phát triển.
Hiền Phan