(Tổ Quốc) - Mặc dù hình thức nghề nghiệp này chưa phát triển mạnh ở Việt Nam nhưng tại các nước phương Tây, nó được xem như một công việc đầy lý tưởng mà cũng chẳng thiếu góc khuất, éo le.
Đám cưới là một dịp quan trọng trong cuộc đời mỗi người. Ai nấy đều muốn mọi khâu tổ chức của buổi lễ phải diễn ra trơn tru, êm đẹp. Trong đó, chẳng thể bỏ qua những nhân vật trợ giúp cô dâu - chú rể, ấy là phù dâu, phù rể. Thông thường, hai nhân vật chính của đám cưới sẽ chọn bạn thân, tri kỷ hoặc thậm chí là người nhà để đảm nhiệm vai trò kể trên.
Tuy nhiên, một số trường hợp đặc biệt, chẳng hạn cô dâu chú rể sống khép mình và không có bạn bè thân thiết, hoặc không tìm được người thích hợp thì họ sẽ phải suy nghĩ tới việc "đi thuê" người khác làm phù dâu. Từ nhu cầu trên, tại các nước phương Tây xuất hiện dịch vụ cho thuê những người hỗ trợ cô dâu. Công việc này nói ngắn gọn là "nghề phù dâu".
Thu nhập hậu hĩnh, công việc đa dạng và thú vị chứ không chỉ mỗi cầm váy, tung hoa
Jen Glantz, hiện tại đang là một phù dâu chuyên nghiệp. Chia sẻ với Telegraph, Jen cho biết vào năm 2014, cô nhận được lời mời làm phù dâu cho 6 đám cưới. Bạn của Jen khi nghe xong liền thốt lên "Cậu cứ như thể phù dâu chuyên nghiệp ấy nhỉ!". Trong đầu Jen chợt nảy lên suy nghĩ, nếu hình thức phù dâu trở thành một dịch vụ thì sẽ thế nào nhỉ. Và rồi chỉ sau một đêm đăng tải thông tin về dịch vụ cho thuê phù dâu trên Internet, ngay lập tức Jen nhận được tới 250 email khách hàng.
Công việc làm phù dâu full-time chuyên nghiệp của Jen Glantz không chỉ dừng lại ở việc cầm váy cho cô dâu tiến vào lễ đường hay tung hoa chào đi trước. Trái lại, Jen cung cấp nhiều gói dịch vụ đa dạng. Ví dụ gói tư vấn tiền hôn nhân, đảm nhiệm quán xuyến khách tham dự, giúp cô dâu bình tĩnh, cầm đồ giúp cô dâu (giày cao gót, hoa...) là gói đắt nhất, lên tới 1.500 USD (gần 35 triệu đồng).
Số tiền kể trên chưa bao gồm việc thuê váy cho phù dâu, thậm chí nếu muốn Jen làm phù dâu, bên nhà gái phải trả thêm 500 USD (11,5 triệu đồng). Ngoài việc cung cấp dịch vụ phù dâu, Jen về sau còn phát triển loạt video hướng dẫn cấp tốc cho những bạn trẻ muốn theo đuổi công việc này. Cứ mỗi lần bán khóa học như thế, Jen lại bỏ túi 35 USD (hơn 800.000 đồng).
Hình ảnh Jen chuẩn bị cho đám cưới.
Giả mạo danh tính nhiều lần để không bị bại lộ với nhà trai
Chia sẻ với trang Business Insider, Jen cho hay cô thực sự muốn khách hàng hiểu rằng khi đám cưới kết thúc cũng sẽ đồng nghĩa với mối quan hệ giữa họ chấm dứt. Hơn cả, một tình bạn nảy nở là điều không thể.
Tất nhiên, một nàng dâu khó ưa, không có bạn bè và phải đi thuê phù dâu sẽ không muốn để chú rể tương lai biết chuyện này. Do đó, phù dâu được thuê cũng cần giả mạo danh tính một chút để phù hợp với cô dâu. Từ tên tuổi, quê quán, ngày tháng năm sinh cho tới những câu chuyện trong cuộc đời... đều được lên kế hoạch sẵn dựa trên thỏa thuận của đôi bên. Trong đám cưới, phù dâu cố gắng không nói quá nhiều để tránh bị soi cũng như "bại lộ" thân phận.
Jen kể, nếu một ai đó trong đám cưới hỏi cô có mối quan hệ như thế nào với cô dâu, Jen sẽ chỉ nhẹ nhàng đáp hai người là bạn. Sau đó, cô sẽ "bẻ lái" sang chủ đề khác, ví dụ hỏi cảm nhận của vị khách về món ăn, không gian... Kết thúc đám cưới, những lời feedback trên cũng được truyền đạt lại với cô dâu.
Ghét cô dâu chú rể tới mức chẳng muốn nhìn mặt lại
"Giống như ở bất kỳ công việc nào, luôn có những người đối tác, đồng nghiệp khiến bạn ngưỡng mộ. Ngược lại, sẽ tồn tại vài kẻ làm bạn chán phát ngán. Một số khách hàng tôi không muốn gặp lại bởi nhiều lý do, có thể vì tính cách hơi tiêu cực của họ. Cũng như những giá trị nội tại của người ấy chẳng thể phù hợp cá nhân tôi." - Jen trả lời Business Insider.
Tất nhiên, Jen sẽ chẳng thể đứng trước mặt cô dâu chú rể để tung hê và nói rằng cô ghét họ. Thay vào đó, Jen thường cảm ơn người vợ vì đã có cơ hội làm việc cùng nhau. Sau đám cưới, Jen vẫn giữ sự chuyên nghiệp nhất để biết đâu sẽ được giới thiệu cho những người khác nữa về công việc này.
"Kịch bản thường thấy nhất là khi đám cưới kết thúc, người thuê tôi sẽ muốn hỏi han tôi một chút. Sau đó, chúng tôi chỉ còn nhắn tin qua điện thoại chứ không hề phát triển thêm mối quan hệ. Đôi khi, những lần đi dạo trên phố, tôi gặp lại khách hàng cũ. Chúng tôi sẽ chào hỏi nhau xã giao một chút và nở nụ cười thật tươi."
Nguồn: Business Insider, Telegraph, CNBC
Quiry