Tâm sự của người mẹ từng mất con: "Tôi ước đây là những gì có ai đó nói với tôi về thai chết lưu"

(Tổ Quốc) - Nỗi đau mất con khi chưa chào đời thực sự là một sự mất mát rất lớn đối với người mẹ. Những ký ức kinh hoàng ấy có lẽ sẽ không bao giờ bị xóa nhòa trong tâm trí người mẹ.

Đầu tháng 12, Maya Vander – diễn viên trong bộ phim đình đám "Môi giới hoàng hôn" sau khi đi khám thai ở tuần thứ 38 đã trở về nhà với một "chiếc hộp ký ức" thay vì đứa con mong chờ bấy lâu.

Tôi có thể tưởng tượng được những gì cô ấy đã trải qua, bởi bản thân tôi đã từng rơi vào hoàn cảnh như vậy. Tôi bị sẩy thai ở tuần thứ 22 (về mặt kỹ thuật gọi đây là thai chết lưu).

Nếu tôi có thể được nói chuyện với Maya, đây là những gì tôi muốn chia sẻ:

Hãy nhớ mãi hình ảnh bé bỏng của con mình

Bạn hãy bỏ ngoài tai những lời nói của những người khác khi cho rằng việc sờ, nắm, kiểm tra cơ thể của con mình là bệnh hoạn. Các y tá đã cảnh báo tôi rằng, việc nhìn thấy đứa con đã mất của mình sẽ rất đau đớn. Họ đã nói đúng, thật kinh khủng khi phải ôm vào lòng đứa con mình mong ngóng bấy lâu nhưng bây giờ đã không còn sự sống.

Tôi ước đây là những gì ai đó có thể nói với tôi về thai chết lưu - Ảnh 1.

Chỉ có người mẹ mới cảm nhận được nỗi đau và sự mất mát khi đứa con ra đi ngay còn trong bụng mình.

Thế nhưng, tôi đã không nghe theo lời khuyên của họ. Tôi nhìn hình hài bé bỏng của con mình, vuốt ve từng ngón chân bé xíu, cảm giác đau đớn không thể tả nổi thành lời, chỉ có những dòng nước mắt không ngừng chảy xuống. Tôi sẽ nhớ như in hình hài bé xíu của con mình, từng chi tiết ấy sẽ mãi chẳng thế nào xóa nhòa trong tâm trí tôi.

Bạn sẽ chẳng được trở về nhà cùng với một em bé đang ngủ say sưa trong vòng tay mình mà là những ký ức đau thương về một hình hài bé nhỏ không còn sự sống.

Cơ thể sẽ nhắc nhở bạn về một sinh linh bé bỏng không còn trong bụng mẹ nữa

Mỗi lần bạn đi vệ sinh và thay băng, mỗi lần bạn lấy thứ gì đó nhưng không phải để cho em bé, mỗi lần bầu ngực căng tức sữa… bạn sẽ nhớ tới đứa con bé bỏng đã qua đời của mình.

Tâm trí bạn sẽ dâng lên những cảm xúc hỗn loạn, đau khổ, tuyệt vọng, xấu hổ, tức giận… Chỉ trong nửa tiếng, bạn sẽ trải qua cảm giác như bản thân hóa thành một người khác. Bạn sẽ tự hỏi liệu đó có phải là lỗi của mình không hay là lỗi của chồng, của bác sĩ, của y tá… Việc cố gắng đổ thừa cho ai đó lỗi lầm này có lẽ sẽ phần nào xoa dịu nỗi đau của bạn.

Nỗi đau nào rồi cũng sẽ trôi qua, bên cạnh bạn vẫn còn những người mình yêu thương. Bạn cần phải sống cho hiện tại và lạc quan hơn trong tương lai. Hãy cố gắng bận rộn hơn một chút để vượt qua nỗi đau của hiện tại. Việc quay lại với công việc và bận rộn chăm sóc con cái sẽ giúp bạn không rơi vào cảnh thương nhớ mãi về đứa con đã mất.

Nỗi đau mất con vẫn ở đó nhưng nếu bạn đón nhận sự mất mát này, chấp nhận thực tế, bạn sẽ vượt qua được.

Mọi người cũng đau đớn không khác gì bạn

Khi đứa trẻ qua đời, không chỉ riêng bạn mà cả chồng và các thành viên khác cũng đau buồn không kém. Chỉ có điều, họ sẽ không cảm nhận được nỗi đau một cách chân thực như với người mẹ. Họ sẽ không nghĩ tới đứa con đã mất mỗi khi đi vệ sinh như người mẹ.

Mọi người đều quan tâm đến bạn và có lẽ người chồng cũng sẽ rất đau buồn khi mất đi đứa con, dù rằng họ không mang nặng đẻ đau như phụ nữ.

Những người xung quanh bạn dù có thân thiết hay không cũng sẽ rất buồn nếu thấy bạn đắm chìm trong sự mất mát mãi như vậy. Tuy nhiên, họ cũng sẽ tỏ ra khó chịu khi bạn suốt ngày nói về sự mất mát này. Họ khó chịu chỉ vì bạn không thể kiểm soát được cảm xúc của bản thân, cứ đau buồn, tự làm khổ mình. Nếu bạn thấy không thoải mái khi nói chuyện với mọi người, có lẽ nên đến gặp bác sĩ tâm lý để trị liệu.

Dù sao đi chăng nữa, bạn cũng không thể sống mãi trong quá khứ được, cần phải trở về cuộc sống bình thường. Kỷ niệm rất quan trọng, bạn có thể xăm một hình xăm nhỏ để nhớ về đứa con đã mất của mình. Điều đó có thể an ủi phần nào, khiến bạn có cảm giác như đứa con vẫn luôn bên cạnh mình.

Nguồn: Insider

PHAN HIỀN

Tin mới