(Tổ Quốc) - Họa Bì, Tróc Yêu Ký... những bộ phim điện ảnh đình đám bậc nhất làng giải trí Hoa ngữ cũng lấy chất liệu từ Liêu Trai Chí Dị.
Liêu Trai Chí Dị, hay còn được gọi với tên dân gian Truyền thuyết hồ ly, là tập truyện ngắn gồm hơn 490 thiên của nhà văn Trung Quốc đời nhà Thanh - Bồ Tùng Linh.
Nội dung của Liêu Trai Chí Dị xoay quanh việc phơi bày những mặt tối của chế độ phong kiến, phê phán sự thối nát của chế độ khoa cử, thể hiện tư tưởng tiến bộ, phá bỏ những xiềng xích trong nền giáo dục và tư tưởng phong kiến. Tác phẩm đa phần kể những câu chuyện tình giữa thần tiên, ma quái, hồ ly, lang sói, cỏ cây, hoa lá... từ đó thể hiện khát vọng trong tình yêu và cuộc sống của tác giả Bồ Tùng Linh.
Có thể nói, Liêu Trai Chí Dị không chỉ nổi tiếng ở Trung Quốc mà còn có sức ảnh hưởng lớn trên toàn thế giới. Kể từ thế kỷ 19 cho đến nay đã có hơn 60 bản dịch tiếng nước ngoài của bộ truyện này được phát hành. Vị thế trong và sức ảnh hưởng của Liêu Trai Chí Dị trong nền văn học Trung Quốc là không phải bàn cãi. Thậm chí, tầm ảnh hưởng của tác phẩm này trong lĩnh vực điện ảnh và truyền hình không hề thua kém bốn "đại danh tác" lừng lẫy của Trung Quốc là Tây Du Ký, Thủy Hử, Hồng Lâu Mộng và Tam Quốc Diễn Nghĩa.
Theo thống kê, từ năm 1920 đến nay, đã có khoảng 70 phim điện ảnh và truyền hình Hoa ngữ được chuyển thể từ Liêu Trai Chí Dị. Năm 1971, đạo diễn nổi tiếng Trung Quốc Hồ Kim Thuyên quay phim Hiệp Nữ được chuyển thể từ một câu chuyện cùng tên trong Liêu Trai Chí Dị. Nội dung hấp dẫn cùng kỹ năng quay phim điêu luyện của đạo diễn Hồ Kim Thuyên đã giúp bộ phim giành được giải Kỹ thuật xuất sắc tại Liên hoan phim Cannes lần thứ 28. Đây cũng là tác phẩm điện ảnh đầu tiên của Trung Quốc giành chiến thắng tại một Liên hoan phim quốc tế.
Bộ phim "Họa Bì" do Triệu Vy và Châu Tấn đóng chính được chuyển thể từ một câu chuyện trong "Liêu Trai Chí Dị".
Trong các truyện ngắn của Liêu Trai Chí Dị, Họa Bì là tác phẩm được dựng thành phim nhiều nhất. Năm 2008, phim điện ảnh Họa Bì do Châu Tấn, Triệu Vy đóng chính đạt doanh thu 232 triệu nhân dân tệ, đứng thứ ba trong bảng xếp hạng doanh thu phòng vé Trung Quốc năm 2008. Năm 2012, phần 2 của bộ phim này tiếp tục đạt mức doanh thu cao với 702 triệu nhân dân tệ, một lần nữa đứng thứ ba trong bảng xếp hạng doanh thu phòng vé năm 2012.
Năm 2015, Tróc Yêu Ký thu về hơn 2,4 tỷ nhân dân tệ. Con số này không chỉ giúp bộ phim dẫn đầu bảng xếp hạng doanh thu phòng vé năm 2015 mà còn phá kỷ lục doanh thu phòng vé của lịch sử điện ảnh Trung Quốc ở thời điểm ấy.
Được biết, trong quá trình sáng tạo Tróc Yêu Ký, đạo diễn Hứa Thành Nghị đã tìm kiếm chất liệu từ nhiều câu chuyện ma quái trong văn học cổ, cuối cùng ông tìm thấy một câu chuyện nhỏ về "Tróc yêu" trong Liêu Trai Chí Dị. Từ đó, Hứa Thành Nghị đã tạo nên yêu quái đáng yêu có tên Hồ Ba. Sau khi Tróc Yêu Ký ra mắt, Hồ Ba trở thành nhân vật được yêu thích nhất trên màn ảnh Hoa ngữ năm 2015.
Nhân vật Hồ Ba trong "Tróc Yêu Ký" cũng được sáng tạo nên từ "Liêu Trai Chí Dị".
Ngoài các tác phẩm điện ảnh trên, Liêu Trai Chí Dị còn được chuyển thể thành nhiều bộ phim truyền hình như Liêu Trai Chí Dị của đài ATV năm 1988, series phim Liêu Trai của đài truyền hình Phúc Kiến năm 1990, Tân Liêu Trai Chí Dị năm 2005, Liêu Trai Kỳ Nữ Tử năm 2007...
Theo môt thống kê chưa đầy đủ, lợi nhuận của các bộ phim điện ảnh và truyền hình chuyển thể từ Liêu Trai Chí Dị đã vượt quá hàng chục tỷ nhân dân tệ. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, thị trường điện ảnh Trung Quốc đã bị thu hẹp đáng kể, nhưng doanh thu phòng vé vẫn đứng đầu thế giới. Hiện tại, nhờ kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, điện ảnh Trung Quốc dần phục hồi, Liêu Trai Chí Dị tiếp tục trở thành mảnh đất màu mỡ cho các phim điện ảnh, truyền hình tiếp tục khai thác đề tài.
Nhận thấy điều này, Viện Văn học và Báo chí thuộc Đại học Công nghệ Sơn Đông đã thành lập Trung tâm Nghiên cứu Bồ Học vào ngày 29/5/2021, đồng thời bổ nhiệm Tiến sĩ Khương Đan chịu trách nhiệm nghiên cứu, phát triển và điện ảnh hóa Liêu Trai Chí Dị. Được biết, tiến sĩ Khương Đan là giảng viên của trường Đại học Công nghệ Sơn Đông, Tiến sĩ của Đại học Sư phạm Bắc Kinh. Cô từng quảng bá và phát hành nhiều bộ phim điện ảnh nổi tiếng Trung Quốc, có kiến thức và kinh nghiệm phong phú trong lĩnh vực điện ảnh.
HN