(Tổ Quốc) - Ảnh hưởng của dịch bệnh khiến hầu hết các ngành nghề bị ảnh hưởng, nhiều gia đình lâm cảnh khó khăn. Các tài xế taxi ngoại tỉnh ở Hà Nội cũng không phải ngoại lệ.
COVID-19 quay trở lại những ngày gần đây ở Hà Nội khiến cuộc sống của người dân Thủ đô gặp không ít xáo trộn. Dịch bệnh có những diễn biến phức tạp, khiến người dân có xu hướng ít ra ngoài hơn, và đặc biệt là ít sử dụng các phương tiện công cộng. Bối cảnh này, khiến cuộc sống của các tài xế taxi vốn đã khó khăn do ảnh hưởng từ đợt dịch trước, nay lại thêm bộn bề.
Anh Trần Văn Minh (quê Nam Định) hành nghề tài xế đã "lăn lộn" nhiều năm ở Hà Nội, không một con đường nào anh không quen tên. Chừng ấy năm bon chen xa nhà kiếm tiền nuôi vợ con, chưa bao giờ anh Minh thấy mệt mỏi như hiện tại. Nếu dịch bệnh còn tiếp diễn, kéo dài, anh Minh lo gia đình mình khó mà cầm cự nổi với các khoản nợ, đang từng ngày lãi mẹ đẻ lãi con.
Số tiền đóng cổ phần để nhận chiếc "cần câu cơm 4 bánh" này, vợ chồng anh phải đi vay mượn. Nó là phương tiện kiếm sống của cả gia đình anh, nhưng những ngày này, nó gần như đắp chiếu.
"Thi thoảng mới "nổ" được một cuốc khách qua bộ đàm, những cuốc 1 chiều vài ba chục, chạy xe quay về thì chỉ dư ra vài đồng. Còn lại tuyệt nhiên khách quen không có ai, nguyên nhân một phần vì dịch diễn biến phức tạp, một phần vì vừa qua có một số khách là bệnh nhân thường đi taxi từ bến, hoặc từ viện này qua viện khác nên ảnh hưởng đến tâm lý khi lựa chọn phương tiện di chuyển. Kéo theo đó, thời gian này nhiều bệnh viện bị phong tỏa nên cũng không có khách", anh Minh than thở.
Khó khăn chồng chất khó khăn, vợ chồng anh Minh từ quê ra thành phố lập nghiệp chẳng có bà con thân thích, phải ở nhà thuê và nuôi hai đứa con đi học. Từ khi các con được nghỉ học để phòng dịch, vợ anh Minh vẫn phải đi làm công ty để duy trì cuộc sống, 2 cháu gần như phải tự chăm nhau.
"Đến bữa ăn, vợ nói còn tận 15 ngày nữa mới có vài triệu đồng tiền lương, mà các khoản góp hội (những người cùng quê thường góp tiền cho 1 người, rồi mỗi tháng nộp vào đó để xoay vòng giúp nhau, không lời lãi -PV) vẫn chưa thể xoay ở đâu. Đã thế, sáng hôm nay chủ nhà sang xem công tơ đồng hồ để thanh toán tiền nhà, tiền điện thì kinh hoàng, nhưng chẳng được bớt đồng nào, dù tháng trước chưa trả được", anh Minh chia sẻ.
Khi được hỏi, tại sao tạm thời không tính con đường về quê làm ăn, anh Minh nói: "Ở quê còn mẹ già, anh em đều khó khăn, nếu về thì vợ ở lại một mình, công ty không cho nghỉ, các cháu sẽ không có người chăm sóc. Cũng như nhiều đồng nghiệp của tôi đi xe về xếp đầy ở các cửa ngõ dưới quê, đến tháng phải trả lãi muốn kiếm đồng ra đồng vào cũng rất khó, mà quay lên thì phải trả tiền nhà, vì ông chủ lượn qua lại, không trả không được, tiền ăn còn không đủ thì lấy đâu ra mà trả".
Cùng chung khó khăn này, anh Nguyễn Chung (quê Nam Định) lại buộc phải "xoay sở", bởi với lượng khách như hiện tại, chạy taxi là không đủ chi phí.
"Tôi phải mượn tạm chiếc xe máy, bộ áo Grab của đứa em ở cùng, nhân tiện nó về phục tang người thân. Hàng ngày, tôi tranh thủ ra cổng bến xe Giáp Bát bắt khách để còn kiếm tiền duy trì, riêng chiếc xe taxi nếu vận hành là không đủ tiền xăng.
Tuy vậy, đứng ở cổng bến xe cũng mất miếng ăn của nhiều anh em khác nên mâu thuẫn, tôi chuyển sang ship hàng cho đứa em. Thế này đã là may mắn hơn rất nhiều tài xế khác, tự an ủi để vượt qua lúc khó khăn này", anh Chung chia sẻ. Dẫu chỉ mong mỗi ngày kiếm khoảng 300 nghìn để mang về góp cho vợ ở quê nuôi con, nhưng với anh Chung hiện tại không hề dễ.
Một tháng nay anh Chung cũng không dám về quê, lý do chính là không có kinh tế và một phần cũng không muốn ảnh hưởng tâm lý lây lan dịch đối với người thân. Từ khi dịch bùng phát, không chỉ những người lái xe ở Hà Nội bị ảnh hưởng, mà hầu hết các nhà xe ở tỉnh lẻ đều chung cảnh nguy cơ phá sản.
Anh Phạm Duy - là tài xế và là chủ xe 16 ghế, chuyên đưa đón khách từ Ninh Bình đi các bệnh viện, hiện nay chiếc xe này đã phải xếp vào bãi.
"Hai vợ chồng vay mượn được 1 tỷ, vừa mới hoạt động được 2 tháng thì xảy ra đợt dịch năm ngoái, tôi đã phải căng mình trả lãi. Tình hình ổn được một thời gian hy vọng trả bớt nợ thì đến lần này, thật sự suy sụp. Bởi lẽ, tuyến của tôi chủ yếu là đưa người dân đi khám, sáng nào cũng đi từ 3h, chốt lịch từ 23h tối hôm trước nhưng gần như chỉ có 1-2 khách, tôi đã chấp nhận hơn 1 tuần chịu lỗ. Bây giờ thì đói ăn luôn rồi", anh Duy kể khổ.
Tài xế Duy tâm sự thêm: "Mình mới có 1 con (chiếc xe) còn đang lo như thế này, nhưng ông anh mình lập doanh nghiệp đầu tư gần 2 chục đầu xe đi bến Mỹ Đình và Giáp Bát, thời điểm này không có khách nhưng vẫn phải nuôi tài xế, rất có khả năng phải bán nhà".
Minh Ngọc