(Tổ Quốc) - Dù từng tự nhận là Liên Minh Mobile, song AOG vẫn không thể vượt qua được cái bóng quá lớn của “người hàng xóm” Liên Quân Mobile.
AOG – Đấu Trường Vinh Quang từng là niềm kỳ vọng lớn lao của Gamota với tham vọng đặt chân vào cuộc đua "tốn tiền hao của" eSports. Với những tố chất của một tựa game MOBA hardcore giống với Liên Minh Huyền Thoại, bản thân NPH Gamota cũng từng rất tự tin AOG sẽ làm được điều gì đó, tạo nên một bước ngoặt trong thị phần MOBA Mobile, nơi mà Liên Quân Mobile đã ngự trị quá lâu trước đó.
Bản thân AOG – Đấu Trường Vinh Quang thời điểm đó cũng nhận được mong đợi của người chơi. Một tựa game có thể nói khác biệt hoàn toàn so với Liên Quân Mobile và Mobile Legends: Bang Bang. AOG có bản đồ rộng, tương đương với LMHT, có hệ thống mục tiêu lớn cũng gần giống LMHT, có hệ thống trụ, tháp pháo cũng chả khác gì Liên Minh.
Bản đồ quá rộng của AOG - Đấu Trường Vinh Quang
Thêm vào đó, những tính năng như last hit, cắm mắt, vốn là "xa xỉ phẩm" trên Liên Quân Mobile cũng được trang bị đầy đủ trong AOG. Còn gì nữa? Hệ thống tướng 4 kỹ năng, pet chuyển đồ, hơn hết là bộ kỹ năng của tướng trong AOG có gì đó cực kỳ giống với chiêu thức trong LMHT. Chừng đó đủ để hiểu vì sao tựa game này lại tự nhận mình là Liên Minh Mobile. Vậy tại sao, AOG vẫn thất bại?
Những điểm mạnh của AOG vô hình chung cũng chính là "hòn đá" nặng trĩu kéo tựa game này trong cuộc đua với đối thủ của mình. Trung bình một trận đấu mà game thủ MOBA thường chơi trên Mobile chỉ dao động từ 15 – 20 phút. Thế nhưng, AOG lại kéo dài thời gian lên tới trung bình 30 phút hoặc hơn, có những trận đấu đỉnh điểm 45 – 50’ khiến người chơi thực sự mệt mỏi. Sự căng thẳng, hardcore, toan tính quá mức khiến AOG không đơn thuần là một tựa game để giải trí.
Một trận đấu kéo dài khiến game thủ mệt mỏi
Giữ nguyên 18 cấp độ tướng, tăng chiêu cuối ở level 6 cùng một bản đồ quá rộng, khó di chuyển khi phải kết hợp yếu tố cắm mắt, kiểm soát bản đồ khiến cho AOG không phù hợp với đại đa số người chơi Việt – những người đã quen với một bản đồ nhỏ, dễ dàng đảo đường gank team. Hệ thống trụ trong AOG cũng nhiều hơn, máu trụ trâu hơn, sát thương của trụ lên tướng cũng đau hơn khiến việc tính toán, đẩy đường của game thủ trở nên khó hơn.
Những yếu tố này hoàn toàn phù hợp với một trận đấu trên PC, nhưng trên mobile, nơi mà nhiều người tìm đến để giải trí một trận đấu nhanh sẽ cảm thấy sốt ruột và căng thẳng sau một trận đấu trong AOG. Hy vọng của AOG là sẽ kéo được tập người chơi LMHT về bản Mobile cũng không được thành công như mong muốn. Bởi dù có những sự giống nhau rất lớn, nhưng game thủ LMHT vẫn sẽ phải làm quen với hệ thống tướng, kỹ năng tướng, điều mà LMHT: Tốc Chiến dù chưa ra mắt đã có ngay được lợi thế. Đó là một LMHT Mobile chính chủ, có một Yasuo "chính chủ" chứ không phải là Dasua như trong AOG.
Bản thân NPH Gamota cũng gặp không ít vấn đề trong cách vận hành AOG – Đấu Trường Vinh Quang khi không thể kiểm soát và giải quyết triệt để được những vấn đề liên quan đến đăng nhập, đường truyền, ping 500ms, lag, khó ghép đội trong game… Đi cùng với một mức nạp cao, giá thành tướng, skin đắt lại ít sự kiện tặng tướng.
Tinh trạng Ping 500 diễn ra trong thời gian dài
Trung bình, giá tướng trong AOG đắt gấp đôi so với đối thủ của mình. Gamota cũng chưa tổ chức được một giải đấu chuyên nghiệp hoành tráng mà vẫn chỉ "loanh quanh" với một vài giải đấu online mang tính cộng đồng, chưa đủ sức hấp dẫn. Vì vậy mà người chơi AOG cứ thế rơi rụng dần cho đến khi không thể đủ sức giữ lại được tựa game này, Gamota đành phải tuyên bố đóng cửa, dù chưa đầy một tuổi.
Nhìn nhận một cách khách quan, AOG – Đấu Trường Vinh Quang thực sự là một tựa game có nội lực, có những sự hấp dẫn của riêng mình, đặc biệt là tính hardcore và khác biệt hoàn toàn với các sản phẩm MOBA khác trên thị trường vào thời điểm ra mắt. Sự thất bại của AOG dù đã được nhìn thấy từ trước, song vẫn để lại cho nhiều game thủ sự tiếc nuối. Giá như, có rất nhiều điều giá như mà AOG cải thiện được từ khi mới ra mắt, có lẽ tựa game này đã không phải nhận một thất bại cay đắng đến thế.
Vergil