(Tổ Quốc) - Việc thay đổi kịp thời sẽ giúp mẹ bầu tránh được căn bệnh tiểu đường thai kỳ vô cùng nguy hiểm.
Nỗi ám ảnh đối với bất cứ mẹ bầu nào chính là căn bệnh tiểu đường thai kỳ. Người mẹ nào cũng muốn ăn thật nhiều để chất dinh dưỡng vào con, tuy nhiên đôi khi việc không kiểm soát lượng thức ăn đưa vào cơ thể, hoặc do cơ địa hay di truyền, mẹ bầu rất dễ mắc phải căn bệnh nguy hiểm này.
Mới đây, chị Dương Thị Hải Yến (sinh năm 1995, sống tại Hà Nội) đã chia sẻ câu chuyện của bản thân về quá trình bầu bí. Khi thai nhi được khoảng 16 tuần, chị Yến đi khám thì phát hiện bản thân mắc tiểu đường thai kỳ. Lúc này bác sĩ lập tức khuyên chị buộc phải điều chỉnh chế độ ăn uống nếu không sẽ phải tiêm insulin do lượng đường trong máu tăng cao.
Vì sợ tiêm và cũng để đảm bảo sức khoẻ của con, chị Yến tự cải thiện các bữa ăn hàng ngày của mình. Ngoài ra, bà mẹ 1 con còn tự mua máy về test lượng đường sau mỗi bữa ăn.
Nhờ điều chỉnh chế độ ăn uống mà bà mẹ 1 con này đã không phải tiêm insulin khi mắc tiểu đường. Hình ảnh lúc mẹ bầu đang mang thai (ảnh trái) và hiện tại khi em bé được 5 tháng tuổi.
''Mình ăn uống như bình thường, hạn chế tinh bột, dầu mỡ. Mình ăn đúng chuẩn eat clean (ăn sạch) chứ không phải chỉ ăn rau không. Nếu ăn ít bé sẽ không có đủ chất dinh dưỡng để phát triển, thế nên mẹ bầu nên ăn đủ các món như thịt, cá, trứng... Chỉ sau 2 tuần thay đổi chế độ ăn, lượng đường trở lại ổn định và duy trì cho đến tận lúc sinh con.
Một số món ăn của bà mẹ 1 con trong quá trình mang thai để giảm lượng đường trong máu.
Mình tự test và gửi kết quả online cho bác sĩ, chỉ số ổn thì họ cho phép mình điều chỉnh tại nhà. Nhiều mẹ bầu nghĩ ăn eat clean không ngon nhưng thực ra là rất dễ ăn. Chế độ ăn uống này giúp mình cảm thấy khoẻ mạnh hơn, an toàn hơn và đặc biệt là cũng rất ngon miệng nữa'', chị Yến tâm sự.
Hiện tại, bé nhà chị Yến đã được hơn 5 tháng, trộm vía ngoan ngoãn, khoẻ mạnh. Với các mẹ bầu cũng gặp phải tình trạng tiểu đường thai kỳ, chị Yến đưa ra lời khuyên: ''Ai bị tiểu đường thai kỳ đều biết nguy hại của nó, đặc biệt trẻ dễ mắc dị tật thai nhi, nên mọi người càng lo sợ hơn. Nhưng thay vì quá lo lắng thì chỉ cần điều chỉnh 1 chút thôi là lượng đường trở về chỉ số tuyệt vời rồi. Mình suýt bị tiêm insulin mà mất có 2 tuần để về chỉ số thôi''.
Con trai đáng yêu của chị Yến.
Tiểu đường thai kỳ là căn bệnh nguy hiểm mà không bà mẹ mang thai nào mong muốn nhưng lại có thể xảy đến với bất kỳ phụ nữ nào. Trong thời kỳ mang bầu, nhau thai tạo ra các loại nội tiết tố giúp thai nhi phát triển. Những nội tiết tố này lại vô tình gây ra một số tác động xấu đến insulin, dẫn đến tình trạng rối loạn nội tiết tố và hậu quả là gây ra đái tháo đường thai kỳ.
Với một chiếc máy đo chỉ số tiểu đường thai kỳ tại nhà, bạn có thể tự đo đường huyết bất cứ lúc nào. Tùy từng trường hợp, thời điểm đo đường huyết của mỗi người có thể sẽ khác nhau đôi chút. Thông thường, bạn nên thử đường huyết lúc đói (trước các bữa ăn), sau bữa ăn từ 1 - 2 giờ, trước khi ngủ và bất cứ lúc nào cảm thấy mệt hoặc có biểu hiện của hạ đường huyết.
Trong trường hợp bạn nhận thấy chỉ số tiểu đường thai kỳ đã dần ổn định và đạt mục tiêu điều trị thì tần suất thử đường huyết có thể giãn, chẳng hạn như đo cách ngày hoặc cách mỗi hai ngày... Bạn nên ghi nhớ mức chỉ số đường huyết khi mang thai và cả những dấu hiệu của đái tháo đường thai kỳ để có thể kịp thời xử lý.
San San