(Tổ Quốc) - Theo chia sẻ của chị Tuổi, tình hình sức khoẻ của anh T. - người đàn ông bị rắn hổ mang chúa cắn ở Tây Ninh đang diễn biến phức tạp, tiến triển xấu.
Những ngày gần đây, sự việc anh P.V.T. (SN 1982, quê Tân Châu, Tây Ninh) bị rắn hổ mang chúa cắn nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh gây xôn xao. Anh nhập viện trong tình trạng tỉnh táo, chỉ hơi khó thở. Tuy nhiên, chỉ 30 phút sau, sức khỏe của anh T. chuyển biến xấu đi và được chuyển xuống Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) để tiếp tục điều trị.
Anh T. mang cả con rắn vào bệnh viện sau khi bị cắn.
Tối ngày 21/8, chị Bùi Thị Ngọc Tuổi (ngụ xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh, vợ của anh P.V.T. - nạn nhân bị rắn hổ mang chúa cắn ngày 19/8) cho Dân Trí biết, các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đã thông tin cho chị biết tình trạng sức khỏe của anh T. rất xấu. Trong ngày 22/8, anh T. sẽ phải lọc máu để thải hết độc tố, sau đó là truyền máu.
Theo chị Tuổi, các bác sĩ cho biết rằng, nội tạng của anh T. (gan, thận) đã bị ảnh hưởng xấu; chân bị rắn cắn cũng đã bị hoại tử, không biết có giữ lại được hay không. “Hôm anh T. gặp nạn, các bác sĩ cho biết cơ hội sống sót chỉ 20% khiến tôi ngã quỵ. May mắn truyền 10 lọ huyết thanh nên chồng tôi dần hồi phục và vượt qua được cửa tử. Thế nhưng chiều 21/8, tôi lại thêm một lần đau đớn khi nghe thông tin về tình trạng của chồng”, chị Tuổi nức nở chia sẻ.
Chị Tuổi cho biết thêm, khi đưa chồng từ khoa Bệnh nhiệt đới sang khoa Lọc thận, chị được vài phút bên chồng mà không thể cầm được nước mắt khi thấy anh T. bất động, toàn thân sưng to, da tím tái…
"Giờ tôi chỉ mong anh ấy giữ được mạng sống thì dù có làm bất cứ công việc khổ cực như thế nào tôi cũng sẵn sàng để lo cho con và anh ấy suốt đời", chị Tuổi nghẹn ngào nói.
Các bác sĩ điều trị cho anh T. - người bị rắn hổ mang chúa nặng 4,6kg cắn vào đùi. Ảnh: Dân Trí
Theo thông tin trên báo Vietnamnet trước đó, hoàn cảnh gia đình nhà anh T. vô cùng khó khăn. Gia đình nhà anh T. không có đất, hai vợ chồng đều đi làm thuê. Anh T. thường làm thuê cho các chủ vườn trồng mãng cầu như xịt thuốc trừ sâu, cắt hoa, tỉa cành… Sau khi hết mùa mãng cầu, anh T. lại đi phụ hồ hoặc đi xe ôm, ai gọi gì làm nấy.
Gần 1 năm trước, anh T. suýt mất mạng vì bị tai nạn giao thông khi đang trên đường đi phụ hồ. Anh T. bị di chứng thương tật ở đầu và chân, sức khỏe suy sút nên không thể làm được việc nặng, không thể đi làm thuê được nữa.
Do hoàn cảnh quá khó khăn, anh T. đành "nhắm mắt đưa chân" đi đặt bẫy, bắt rắn để có tiền lo cho 2 con nhỏ (đứa lớn 9 tuổi, đứa nhỏ mới 2 tuổi). Trước đó, anh T. chưa từng hành nghề bắt rắn và không có kinh nghiệm gì trong công việc đầy rủi ro này.
Vào hôm xảy ra sự việc, anh T. và con trai bất ngờ phát hiện thấy một con rắn hổ mang chúa trong lúc đi làm ở vườn mãng cầu. Mặc dù con trai đã kêu anh T. bỏ chạy nhưng vì tiếc, anh T. đã quay lại bắt rắn và hậu quả là bị rắn cắn vào đùi phải.
Nam An (t/h)