(Tổ Quốc) - "Bệnh nhân suy tim độ 3, không có khả năng điều trị. Xin cô bác, anh chị thông cảm giúp đỡ". Nhìn vào hoàn cảnh trên, ai đi qua cũng xót xa đầy lòng trắc ẩn.
Vào các buổi tối muộn, bất cứ ai tham gia giao thông trên phố Hàng Bài (đoạn gần hồ Hoàn Kiếm) đều chứng kiến hình ảnh người đàn ông ngồi khép mình cầu cứu dù trời mưa gió, bên cạnh có tấm bìa ghi nội dung:
"Bệnh nhân suy tim độ 3, không có khả năng điều trị. Xin cô bác, anh chị thông cảm giúp đỡ".
Tìm hiểu "Bệnh nhân suy tim độ 3" đặt biển trên đường phố nhờ giúp đỡ
Sự thật về bệnh nhân hiểm nghèo xin trợ giúp ở Hà Nội
Nhìn vào hoàn cảnh trên, ai cũng xót xa đầy lòng trắc ẩn. Nếu tiện dừng lại bên cạnh, chờ nhịp đèn đỏ, chắc chắn ai cũng sẵn lòng giúp đỡ cho "bệnh nhân" này một chút tiền.
Trò chuyện với chúng tôi, người này chia sẻ, ông là P.T.H., sinh năm 1960, nguyên quán ở Quảng Bình, hiện nay đang cư trú tại huyện Khoái Châu, Hưng Yên.
Ông H. cho biết, bản thân có vợ con, suốt 3 năm nay đau khổ vì bệnh nên ông H. thường xuyên phải đến bệnh viện chữa trị, dù đã có sổ bảo hiểm y tế nhưng mỗi tháng cũng phải chi khoảng 3 triệu đồng tiền thuốc.
Không thể lao động, không có tiền về quê và mong có tiền để đặt stent nên ông H. phải trụ lại Hà Nội và trở thành người vô gia cư, vào các buổi tối người bệnh tìm đến địa điểm quen thuộc xin mọi người giúp đỡ.
Sự thật là gì?
Chứng kiến cảnh xót xa và muốn tìm hiểu để giúp đỡ, PV đã liên lạc với BV Thanh Nhàn để xác minh theo thông tin cuốn sổ khám bệnh của ông Hiếu.
Đại diện bệnh viện Thanh Nhàn xác nhận, theo số phiếu đăng ký khám lúc 8:06:58, ngày 22/12/2021, kèm theo sổ khám bệnh đúng là P.T.H.
Tuy nhiên, về hoàn cảnh mà ông H. giới thiệu là bệnh nhân Khoa tim mạch, nhưng trên sổ có dòng chữ "Trường hợp thấy bất thường, xin báo ngày cho bác sĩ điều trị (BS Tuyết)", kèm theo số điện thoại, đại diện bệnh viện nghi ngờ về tính trung thực của người này.
"Bác sĩ Tuyết là bác sĩ khoa Thần kinh, đã nghỉ hưu từ lâu, còn tại khoa Tim mạch không có bác sĩ nào tên là Tuyết. Nếu là bệnh nhân nghèo thì Bệnh viện cũng kêu gọi giúp đỡ. Bệnh nhân nghèo, có sổ bảo hiểm thì chắc chắn không bao giờ vào phòng khám tự nguyện.
Đặc biệt, để ý cái phiếu khám kia thì phân biệt được ngay, đó là phiếu ở phòng khám tự nguyện, có thể ý đồ người đó vào phòng khám, đăng ký để lấy số, mua sổ khám bệnh, nhằm mục đích cá nhân…", đại diện BV Thanh Nhàn chia sẻ.
Tiếp tục xác minh ở địa phương, lãnh đạo UBND xã Đông Kết, huyện Khoái Châu, Hưng Yên cho hay, ông P.T.H, sinh năm 1960, không phải người xã Đông Kết, mà chỉ là tạm trú ở địa phương này do "rổ rá cạp lại" với người phụ nữ địa phương.
Theo chính quyền địa phương, ông H. nổi tiếng là thành phần bất hảo, từng vướng vào chuyện vay nợ và có tai tiếng, từ 2 năm gần đây đã không còn xuất hiện ở quê này.
Trong một cuộc trao đổi với báo chí, lãnh đạo UBND phường Hàng Trống cũng cho biết: UBND phường Hàng Trống phối hợp với phòng Lao động Thương binh & Xã hội quận Hoàn Kiếm, cũng như trung tâm bảo trợ đã truy quét một số lần.
Theo lãnh đạo phường, nhiều đối tượng không phải là vô gia cư, thực ra họ có địa chỉ đàng hoàng nhưng toàn lê la ở đây xin quà từ thiện. Dịp Tết Dương lịch, chính quyền phường đã truy quét 7 đối tượng, trong đó có 2 trẻ em. Sau đó những người này được đưa lên Trung tâm bảo trợ xã hội 1.
Lãnh đạo phường Hàng Trống khẳng định, nhiều người trong số này không phải vô gia cư, họ lang thang xin đồ từ thiện dọc phố Tràng Thi đến khu vực Triệu Quốc Đạt. Hầu hết các đối tượng thường trú ngoại tỉnh.
Anh Đức