(Tổ Quốc) - Gần đây có không ít loại máy lọc được quảng cáo rằng có chức năng ức chế, diệt COVID-19, liệu nó có thần thánh đến vậy?
Kể từ khi dịch COVID-19 xuất hiện, đã có biết bao sản phẩm công nghệ ra đời nhằm phục vụ đời sống của người tiêu dùng, hỗ trợ tiêu diệt virus, phòng và điều trị COVID-19. Máy lọc không khí cũng là một trong số đó.
Máy lọc không khí vốn là sản phẩm được sản xuất với mục đích chính là cải thiện tình trạng không khí xung quanh và tăng cường chất lượng sức khỏe hô hấp của con người. Tuy nhiên gần đây có không ít loại máy lọc được quảng cáo rằng có chức năng ức chế, diệt COVID-19. Thậm chí có loại còn được giới thiệu rằng có thể tiêu diệt được 99% lượng virus SARS-CoV-2 trong nhà, có loại còn tiêu diệt được virus trong bán kính 3m.
Điều ấy khiến không ít người tò mò và mua về sử dụng. Tuy nhiên liệu máy lọc không khí trên thị trường có đem lại hiệu quả "thần thánh" đến vậy?
Tác dụng lọc COVID-19 của máy lọc không khí thực sự như thế nào?
Để có câu trả lời, Bộ Công Thương đã giao cho Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng rà soát, đánh giá một số sản phẩm điện tử được giới thiệu có chức năng liên quan đến ngăn ngừa, ức chế hoặc diệt COVID-19, trong đó có các sản phẩm máy lọc không khí.
Qua rà soát, đánh giá, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng nhận thấy: Công dụng của các loại máy này hiện chỉ căn cứ vào kết quả kiểm nghiệm trong phòng thí nghiệm chứ chưa được kiểm nghiệm trong thực tế.
Trong khi đó, những điều kiện hạn chế của phòng thí nghiệm không được nêu rõ hoặc không tương xứng so với điều kiện sử dụng thực tế. Sản phẩm không liên quan đến COVID-19 nhưng lại được đặt tên và đưa thông tin về chức năng liên quan đến Covid-19 như CV19, diệt virus...
Do đó, Bộ Công Thương đã khuyến cáo người dân nên tìm hiểu kỹ thông tin trước khi mua các sản phẩm có công dụng liên quan đến chức năng ngăn ngừa hoặc diệt COVID-19.
Thực tế, vấn đề "máy lọc không khí có diệt được COVID-19 hay không" vẫn luôn là vấn đề gây tranh cãi của các chuyên gia nước ngoài. Cho đến nay, các loại máy lọc không khí vẫn nổi tiếng nhất với các công dụng về việc khử mùi và tăng độ trong lành khí thở. Máy lọc không khí hiện nay chỉ cho phép bắt dính những vật thể có kích cỡ 0,1-0,3 micromet, đây là kích cỡ chung vi khuẩn và bụi bẩn. Trong khi đó, kích thước của các loại virus chỉ nằm trong ngưỡng 0,004-0,1 micromet. Do đó, gần như mọi hệ thống lọc phổ biến trên thị trường hiện nay đều không có khả năng "tóm" được virus.
Theo ông Michael Rubino, Chủ tịch All American Restoration chuyên về công nghệ khử trùng môi trường: Đúng là có những công nghệ lọc khí hiện nay đã diệt được virus như H1N1 và SARS, tuy nhiên nó đòi hỏi phải là công nghệ tinh vi với khả năng phát tán ion diệt khuẩn để tìm và khử sạch các mối nguy hiểm gây bệnh.
Trong khi đó COVID-19 là một loại virus vô cùng "cứng đầu" khi nó không chỉ lơ lửng trong không khí mà còn bám dính trên bề mặt vật thể và tồn tại tới vài ngày. Trong khoảng thời gian đó, chúng ta có thể chạm tay vào khi virus còn sống và bị lây nhiễm qua mũi và miệng. Chính lý do đó khiến cho sự hiện diện của máy lọc không khí càng trở nên vô dụng và không thể bao quát 100% tình hình.
Đương nhiên máy lọc không khí vẫn là một phát minh vĩ đại của nhân loại, giúp môi trường sống sạch sẽ, an toàn hơn, diệt được vi khuẩn và hút được bụi bẩn. Nhưng đến nay khả năng diệt COVID-19 vẫn là điều chưa chắc chắn.
Đâu là cách làm đúng nhất để giảm nồng độ COVID-19 trong nhà?
Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, việc đảm bảo nhà cửa thông thoáng, sạch sẽ, luôn mở cửa sổ là cách tốt nhất.
Việc thông gió là quá trình thay thế không khí trong nhà bằng không khí trong lành từ bên ngoài. Căn nhà càng thông thoáng thì càng có nhiều không khí trong lành để hít thở và một người càng ít có nguy cơ hít phải các giọt bắn truyền nhiễm hơn.
Ngược lại, việc ở trong phòng khép kín, mở điều hòa kéo dài làm tăng khả năng sinh sôi của virus, làm tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh COVID-19.
Tốt nhất phòng ốc của F0 không nên dùng điều hòa, nên mở cửa thông thoáng để giảm nồng độ virus. Nhà vệ sinh phải thật sạch vì nơi này là ổ tác nhân gây bệnh khác. Khi đi vệ sinh phải mang khẩu trang, rửa tay sạch sau khi đi vệ sinh.
Đậu Đậu