(Tổ Quốc) - Sự cưu mang, giúp đỡ nhau đã trở thành một nét đẹp trong đời sống của nghệ sĩ hải ngoại, nối tiếp đến tận thế hệ bây giờ.
Nhạc hải ngoại được định nghĩa là thị trường âm nhạc do các nghệ sĩ (gồm nhạc sĩ, nhạc công, ca sĩ) gốc Việt sáng tác, trình diễn tại hải ngoại. Trong đó, nhạc hải ngoại chủ yếu sinh tồn và phát triển tại Mỹ, Canada và các nước châu Âu.
Thị trường âm nhạc hải ngoại được hình thành từ cuối thập niên 70, đầu thập niên 80, với sự đóng góp của rất nhiều nghệ sĩ, nhạc sĩ lớn trong nền tân nhạc Việt Nam.
Suốt 40 năm qua, nhạc hải ngoại tồn tại như một chỉnh thể độc lập, nhưng thống nhất, không tách rời với âm nhạc trong nước, để cùng kiến tạo nên diện mạo nền âm nhạc Việt Nam đương đại.
Chính vì tồn tại như một chỉnh thể độc lập, với cách thức hoạt động, diễn xướng và đối tượng khán giả riêng nên bản thân nghệ sĩ hải ngoại cũng có sự khác biệt về lối sống, văn hóa, cách ca hát, trình diễn so với nghệ sĩ trong nước.
Sự khác biệt này tuy không lớn, nhưng như một duyên số, đã làm nên cái hồn và cốt cách riêng có của nghệ sĩ hải ngoại, giúp tạo ra cả một nét văn hóa trong nghệ thuật biểu diễn và thưởng thức âm nhạc.
Nó giống như một tòa lâu đài với lối kiến trúc, trang trí riêng biệt, tồn tại sừng sững qua nhiều thay đổi của thị trường âm nhạc bên ngoài và luôn lôi cuốn công chúng tìm đến để tận hưởng những cảm thức khác với âm nhạc trong nước.
Những nỗi gian truân, trắc trở và lối sống đặc biệt của nghệ sĩ hải ngoại
Tất cả các thế hệ nghệ sĩ hải ngoại suốt 40 năm qua đều có điểm chung là sinh ra và lớn lên tại Việt Nam chứ không phải nước ngoài. Tuổi ấu thơ và những ký ức giúp hình thành nên tâm hồn, xúc cảm trong họ đều gắn bó với quê hương, vùng đất, con người nơi họ sinh thành.
Những yếu tố về văn hóa, lối sống ấy sẽ đi vào tiềm thức, trở thành hành trang để họ mang theo khi đặt chân tới một đất nước khác.
Bởi vậy, các nghệ sĩ hải ngoại dù sống hàng chục năm tại nước ngoài nhưng vẫn luôn giữ được đời sống, văn hóa của người Việt, với các món ăn, ngày lễ tết, trang phục… Bằng Kiều thậm chí còn tự đặt tên cho con hẻm trước nhà mình tại Mỹ là đường Ngô Sĩ Liên, để nhớ về nơi anh sinh ra.
Chính điều này đã ảnh hưởng sâu sắc tới dòng nhạc, phong cách, lối hát và sự nghiệp của họ (sẽ phân tích ở phần sau).
Mặt khác, đa số nghệ sĩ hải ngoại trước khi có được thành công, danh tiếng đều phải trải qua một cuộc sống đầy khó khăn, vất vả, đánh đổi bằng cả máu và nước mắt để mưu sinh nơi xứ người. Rất ít người trong số họ được trải thảm đỏ tới với sân khấu ca nhạc.
Hầu hết nghệ sĩ hải ngoại khi đặt chân tới nước ngoài đều phải làm nhiều công việc khác nhau để kiếm sống, với mức thu nhập bèo bọt.
Khánh Ly và Lệ Thu trước khi sang hải ngoại đều là những ca sĩ lớn, sở hữu mức cát xê cao ngất ngưởng. Danh ca Lệ Thu nói: "Tiền cát xê tôi được trả phải nhét vào bao bố mang về. Một triệu một tháng là số tiền quá nhiều.
Ngày đó, lương công chức cao cấp là 32 ngàn, một lượng vàng chỉ khoảng một ngàn hay 500 đồng gì đó, tôi không nhớ rõ".
Vậy mà sang đến hải ngoại, Lệ Thu nghèo tới mức không có nổi tiền cắt tóc. Cô kể:
"Thời gian đầu sang hải ngoại, tôi nghèo lắm. Lúc đó, tôi còn đang sống tại một đảo, tóc dài mà còn không có tiền cắt tóc. Một lần nọ, không biết ai gửi cho anh Hoàng Thi Thao (nhạc công vĩ cầm) tiền, anh ấy cho tôi ba đồng và nói: "Cầm tiền mà đi cắt tóc đi".
Tôi nhận ba đồng đó, nhưng lại không cắt tóc mà đi mua rau muống với cá. Sở dĩ như vậy vì trên đảo tôi ở chỉ toàn ăn đồ hộp, không có đồ tươi. Tôi thèm quá nên mới mua cá và rau muống về luộc".
Danh ca Khánh Ly cũng phải làm đủ nghề để kiếm sống và nhặt những đồ người ta bỏ đi, mang về dùng lại. Cô tâm sự:
"Tôi sang Mỹ với hai bàn tay trắng, không có một xu dính túi. Trước đó, tôi còn phải đi chùi văn phòng, dọn dẹp toilet cho trường mẫu giáo.
Lúc đó, ai kêu tôi đi làm gì tôi làm đó. Tôi phải quên mình đi vì mình chẳng là gì ở Mỹ hết. Tôi chỉ muốn phải làm sao kiếm được việc làm để không phải ăn nhờ ở đậu ai hết và lo được cho con mình.
Tôi cũng bắt đầu đi kiếm, đi xin những đồ người ta bỏ lại như bếp, rồi kêu người đến lắp gas, lắp điện".
Những thế hệ ca sĩ đàn em cũng không khá hơn là bao. Phi Nhung làm mẹ đơn thân khi mới 20 tuổi, phải đi làm đến nát cả chân tay để kiếm từng đồng lo cho con mình. Cô nghẹn ngào:
"Sang Mỹ, tôi phải đi may thảm cho một hãng thảm. Được 6 tháng, tôi muốn kiếm thêm tiền gửi về cho các em nên đi làm lợp tôn. Tôi làm lợp tôn 2 tháng thì tay chân nát hết, đành phải nghỉ.
Xưởng may chỉ làm các ngày trong tuần nên tới thứ 6, thứ 7 và chủ nhật, tôi tiếp tục đi làm nhà hàng, tranh thủ học thêm tiếng Anh. Tôi phải đi lau dọn, cọ rửa mọi thứ cho nhà hàng.
Tôi sống quá cực khổ, khổ đến cùng cực, khổ không thể tưởng tượng được.
Tôi đi làm vất vả, kiếm từng đồng một để trả tiền nhà, tiền xe. Đến cái chén ăn cơm tôi cũng phải bỏ tiền ra mua. Tiền đó ở đâu mà có? Đó là tiền tôi phải đi làm cực nhọc kiếm ra, chứ đâu được ai cho.
Thậm chí, ngay cả đi sinh con, tôi cũng phải tự động lái xe một mình. Sinh con xong, tôi lại phải lái xe một mình về. Tôi đặt con bên cạnh, cứ thế lái xe về nhà, không có bất cứ ai ở bên chăm sóc, cha mẹ không, chồng cũng không".
Thanh Hà thì phải làm đến tận 13 nghề, với mức lương 3 đô một giờ. Cô chia sẻ:
"Tôi đã từng trải qua 13 nghề nghiệp khác nhau trước khi trở thành một ca sĩ, từ những nghề phổ thông tay chân như phụ bếp, sản xuất bật lửa, đến công việc tại một hãng kính áp tròng. Tôi phải đi phụ việc bếp trong các nhà hàng thức ăn nhanh như McDonald, Burger King…".
Như Quỳnh, Ngọc Lan đều phải đi chạy bàn, làm phục vụ nhà hàng để kiếm tiền, Linda Trang Đài thì đi phát tờ rơi… Đó chính là cuộc sống khó khăn của hầu hết nghệ sĩ hải ngoại.
Không những vậy, tuổi thơ của nhiều nghệ sĩ hải ngoại cũng đầy cay đắng và nước mắt. Cả Phi Nhung và Thanh Hà đều không biết mặt cha, từ nhỏ đã phải sống xa mẹ, tự bươn chải.
Bạch Yến mới 12 tuổi đã phải đi lái mô tô tay kiếm tiền, hai lần tai nạn mô tô, ngã từ trên cao, người đập xuống đường, cả mô tô đè lên người. Jimmii Nguyễn phải chứng kiến cái chết của em gái và người yêu sắp cưới của mình.
Không những vất vả, cực nhọc, nghệ sĩ hải ngoại còn phải đối mặt với nỗi cô đơn tột cùng khi sống trong cảnh xa xứ, nơi đất khách quê người. Ca sĩ Minh Tuyết tâm sự:
"Trong 3 năm đầu qua Mỹ, tôi khóc nhiều vô cùng vì cô đơn tột độ. Tôi chỉ sống một mình, không có bất cứ ai bên cạnh.
Tôi vừa cô đơn, vừa lẻ loi khi phải sống một mình ở nơi đất khách quê người, lại không được hát như mình muốn.
Tôi không có nhà riêng, phải mướn một phòng trong nhà người ta để ở. Ví dụ, nhà họ có 5 phòng thì sử dụng 4 phòng, còn lại một phòng cho mình ở. Tôi không có tiền nên buộc phải sống như vậy.
Tôi phải đón Tết một mình, chỉ có mình tôi ngồi lặng bên cửa sổ nhìn người ta bắn pháo bông. Tôi buồn lắm.
Tôi tuyệt vọng, còn gọi điện về hỏi mẹ: "Mẹ ơi, con có nên quay trở về không".
Việc phải trải qua nỗi cô đơn, nhớ quê nhà và cuộc sống mưu sinh vất vả đã hình thành trong tính cách của đa số nghệ sĩ hải ngoại sự kín đáo, tế nhị và cái nhìn bao dung với đồng nghiệp, cuộc đời.
Có thể thấy, các nghệ sĩ hải ngoại rất hiếm khi phát ngôn, bình luận trên truyền thông hay mạng xã hội.
Như Quỳnh thậm chí còn không dùng mạng xã hội, Khánh Ly không đăng tải bất cứ hình ảnh nào của mình trên trang cá nhân, Tuấn Ngọc có sử dụng Facebook nhưng rất lâu mới vào một lần. Tất cả họ đều chỉ coi Facebook như một phương tiện liên lạc và kết nối, không phải nơi thể hiện bản thân.
Nghệ sĩ hải ngoại hầu như không nhận xét, đánh giá về đồng nghiệp của mình, cũng không bình luận về bất cứ vấn đề showbiz nào đang diễn ra. Họ am hiểu và có kiến thức sâu rộng về xã hội, nghệ thuật nhưng không mấy khi phát ngôn, cũng không đưa ra tuyên ngôn nghệ thuật, rằng âm nhạc phải thế này hay thế khác.
Đối với các nghệ sĩ hải ngoại, ca hát đơn giản là để phục vụ khán giả và thỏa đam mê, không phải đao to búa lớn về nghệ thuật.
Thái độ của nghệ sĩ hải ngoại trong nghề thường cởi mở, bao dung, không bao giờ khinh miệt, coi thường đàn em, cũng không đả kích, đá xéo hay gây hấn với ai. Ngay cả khi được hỏi trực tiếp, họ cũng né tránh hoặc trả lời rất khéo léo, tế nhị.
Tuấn Ngọc thậm chí còn song ca với Hồ Ngọc Hà, Sơn Tùng. Anh nói: "Với tôi, nghệ sĩ đều giống nhau, già hay trẻ cũng đều là bạn của mình, không phải chỉ hát với người này mà từ chối người kia hay một mực ra sân khấu với những người được cho là cùng đẳng cấp".
Ngay cả khi tham gia game show truyền hình, Tuấn Ngọc cũng giữ vững quan điểm: "Ở tuổi này, chẳng lẽ tôi lại đi giành giật, gây gổ với những đàn em, nhất là trên truyền hình sao? Dù thế nào tôi cũng sẽ nhịn.
Đến tuổi này, tôi nghiệm ra mình không cần phải cãi nhau với ai để chứng tỏ bản thân. Nếu ai vô lễ với tôi thì để cuộc đời dạy họ. Tại sao tôi phải bận tâm đến họ. Người ta có ở chung nhà với tôi đâu".
Không chỉ Tuấn Ngọc mà Khánh Ly, Ý Lan và nhiều nghệ sĩ gạo cội khác cũng sẵn sàng hát chung để nâng đàn em lên và dành tặng đàn em những lời có cánh. Họ không bao giờ lấy vị thế, tuổi đời hay kinh nghiệm của mình để tỏ ra trên cơ đàn em.
Do phải sống trong cảnh xa xứ nên nghệ sĩ hải ngoại hầu hết đều yêu thương, đùm bọc nhau. Rất nhiều nghệ sĩ thành danh nhờ được đàn anh, đàn chị cưu mang, giúp đỡ.
Chẳng hạn, Phi Nhung trong những ngày đầu sang Mỹ đã được Trizzie Phương Trinh đỡ đầu, rèn dũa và dắt lên sân khấu. Phi Nhung thậm chí còn gửi con ở nhà bố mẹ Trizzie để yên tâm đi làm.
Sau này, cô lại được danh ca Giao Linh cưu mang, chỉ dạy, coi như con gái trong nhà.
Thanh Hà cũng được Linda Trang Đài giới thiệu tới chủ vũ trường để được đi hát. Hay, Sơn Tuyền được Khánh Ly mời về California để hát rồi cho danh sách các đại lý băng đĩa để liên hệ phát hành.
Ở hải ngoại, cứ nghệ sĩ nào ổn định cuộc sống trước đều có ý thức giúp đỡ những nghệ sĩ mới sang. Dù bản thân họ chẳng giàu sang gì, nhưng họ luôn muốn được cưu mang đồng nghiệp, để chính họ cũng được ấm lòng, cho vơi đi nỗi cô đơn nơi xứ người.
Năm 1985, khi danh ca Thái Thanh mới sang Mỹ, Khánh Ly và nhiều anh chị em nghệ sĩ khác đã đứng ra tổ chức một đêm nhạc riêng cho bà. Khánh Ly kể lại: "Thời điểm cô Thái Thanh qua Mỹ, tôi cũng đâu có gì cho cô đâu. Tôi chỉ tặng cô được một bộ đồ thôi, nhưng đó vẫn là điều đáng quý".
Khánh Ly cũng dùng chính căn nhà của mình làm nơi tụ tập anh chị em nghệ sĩ tới hàn huyên. Cô nói:
"Cũng mảnh vườn này ngày xưa tôi tụ tập rất nhiều anh chị em nghệ sĩ, bạn bè tới sinh hoạt. Ai lạnh mà thấy cái áo nào cứ việc khoác vào, ai muốn ăn gì cứ lấy ăn.
Nhà tôi nghèo, nhỏ nhưng trái tim không nhỏ là được rồi. Đôi tay của tôi không nhỏ, chỉ tiếc là không ôm hết mọi người thôi".
Về tình nghệ sĩ nơi xứ người, Khánh Ly nghẹn ngào kể: "Khi ấy, nghệ sĩ chúng tôi đều không có xe để đi, cũng không có tiền trong người, nên được người bảo trợ đưa xe chở đến rạp. Rõ ràng là tới đại nhạc hội, nhưng anh chị em nghệ sĩ chúng tôi nhìn thấy nhau chỉ có khóc thôi.
Tuy khóc là vậy, nhưng tôi lại nghĩ đó là khoảng thời gian đẹp nhất của một đời người, tôi không bao giờ quên được. Nước mắt chảy ra như thế nhưng rất đáng quý, vì còn khóc được là còn thương nhau. Cái khoảnh khắc người Việt xa xứ gặp lại nhau ở nơi đất khách quê người xúc động lắm. Lúc đó, tình nghệ sĩ thật sự đáng quý.
Nhưng cái lúc nghèo khó, cơ cực đó mà vẫn ở với nhau, bên cạnh nhau là hạnh phúc lắm".
Khánh Hà khi mới đi hát cũng thường xuyên được Tuấn Ngọc cho đi nhờ xe vì chưa có tiền mua ô tô.
Sự cưu mang, giúp đỡ nhau đã trở thành một nét đẹp trong đời sống của nghệ sĩ hải ngoại, nối tiếp đến tận thế hệ bây giờ. Tóc Tiên khi xích mích với gia đình cũng được Mai Tiến Dũng rủ đến ở chung nhà.
Chính lối sống và văn hóa ứng xử này đã ảnh hưởng không nhỏ tới lối hát, phong cách trình diễn, âm nhạc của nghệ sĩ hải (sẽ nói ở phần sau).
Long Phạm