(Tổ Quốc) - Theo Sở Y tế TP.HCM, qua kiểm tra vẫn còn một số phường, xã, thị trấn chưa thực hiện đúng hướng dẫn của Sở về việc chăm sóc F0, chậm phát túi thuốc, ảnh hưởng đến hiệu quả chăm sóc và điều trị F0 tại nhà.
Mới đây, Sở Y tế TP.HCM vừa có văn bản khẩn về việc chăm sóc và quản lý người F0 trên địa bàn gửi đến Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch ở TP Thủ Đức, quận, huyện.
Theo đó qua kiểm tra thực tế về hoạt động chăm sóc, quản lý F0 đang cách ly tại nhà, vẫn còn một số phường, xã, thị trấn chưa thực hiện đúng hướng dẫn của Sở Y tế.
Điều này ảnh hưởng đến hiệu quả chăm sóc và điều trị F0 tại nhà.
Do đó Sở Y tế yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các địa phương tập trung triển khai và đẩy mạnh kiểm tra, giám sát hoạt động quản lý người F0 cách ly tại nhà.
Các trạm Y tế phường, xã, thị trấn, Trạm Y tế lưu động phải quản lý danh sách người F0 trên địa bàn bằng cách, khi có kết quả xét nghiệm test nhanh hoặc PCR phải khẩn trương gửi ngay danh sách F0 mới phát hiện về các Trạm Y tế hoặc Trạm Y tế lưu động để triển khai công tác chăm sóc.
Tổ chức đến nhà để lấy mẫu xét nghiệm nhanh khi nhận được thông tin của người dân báo có kết quả tự làm xét nghiệm dương tính qua điện thoại hoặc qua phần mềm "Hệ thống khai báo y tế điện tử" hoặc nhận được thông tin từ Tổ COVID-19 cộng đồng, Tổ dân phố…
Đăng nhập vào phần mềm "Hệ thống quản lý người cách ly và người bệnh COVID-19" để biết và tiếp nhận danh sách người F0 mới thuộc địa bàn quản lý do các cơ sở y tế khác phát hiện.
Các bước thực hiện khi phát hiện một trường hợp F0 mới như sau:
Bước 1: Ghi lại đầy đủ thông tin về địa chỉ nhà, số điện thoại của người F0 và người thân trong gia đình.
Bước 2: Phát ngay túi thuốc điều trị COVID-19 (gói thuốc A, gói thuốc B) cho người bệnh. Phổ biến và hướng dẫn cho người F0 biết, chấp nhận tham gia và ký vào "Phiếu chấp thuận tham gia chương trình Molnupiravia có kiểm soát tại cộng đồng cho người mắc COVID-19" khi phát gói thuốc C.
Bước 3: Tầm soát đủ điều kiện để cách ly tại nhà hoặc cách ly tập trung. Hướng dẫn người F0 tự theo dõi và khai báo tình hình sức khỏe mỗi ngày (tự ghi vào sổ tay hay khai báo y tế điện tử).
Bước 4: Cung cấp các số điện thoại để người F0 biết và gọi khi cần giúp đỡ.
Sau đó, gọi điện thoại hỏi thăm tình hình sức khỏe F0 mỗi ngày hoặc chủ động nắm bắt tình hình sức khỏe người F0 qua khai báo y tế mỗi ngày.
Chủ động đến nhà người F0 để thăm khám trực tiếp, ưu tiên cho các trường hợp F0 thuộc nhóm nguy cơ (người cao tuổi, người có bệnh nền, phụ nữ mang thai…) để thuyết phục cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung tại các phường, xã, thị trấn và quận, huyện.
Về cấp cứu tại nhà trường hợp người F0 có triệu chứng nặng, Sở Y tế TP.HCM yêu cầu các địa phương cần đảm bảo cung cấp số điện thoại và tiếp nhận cuộc gọi của người F0 hoặc người thân 24/7.
Trong một diễn biến liên quan, Sở Y tế cũng nhận được bức xúc của các F0 về việc chậm được cấp phát túi thuốc điều trị.
Cụ thể sau khi ban hành công văn về việc phân bổ túi thuốc A, B cho bệnh nhân F0 điều trị bệnh COVID-19 tại nhà, đã có 150.000 túi thuốc A và B, Bộ Y tế cấp 16.000 túi thuốc C được phân bổ.
Số thuốc này vượt so với số bệnh nhân F0 do quận, huyện và TP.Thủ Đức báo cáo.
Tuy nhiên qua kết quả kiểm tra, giám sát về hoạt động chăm sóc, quản lý F0 đang cách ly tại nhà và báo cáo số liệu cấp phát túi thuốc A, B, C từ các Trung tâm y tế, các túi thuốc được cấp đến F0 vẫn còn chậm, nhiều trường hợp chưa được nhận túi thuốc.
Do đó để đảm bảo bệnh nhân F0 điều trị tại nhà được tiếp cận túi thuốc điều trị kịp thời, giảm trường hợp chuyển nặng, Sở Y tế đề nghị các cơ quan chức năng khẩn trương rà soát và cấp phát túi thuốc cho bệnh nhân F0 theo hướng dẫn.
Tuyệt đối không để bất kỳ trường hợp bệnh nhân F0 điều trị tại nhà bị thiếu thuốc.
Những đơn vị y tế chậm triển khai đưa túi thuốc F0 đến cho bệnh nhân sẽ bị phê bình nghiêm khắc.
Hoàng Lê