(Tổ Quốc) - Sở Công Thương TP.HCM vừa ban hành văn bản yêu cầu cơ quan chức năng phân chia tần suất đến các điểm bán hàng hóa, lương thực, thực phẩm trên địa bàn thông qua việc phát "Phiếu mua hàng thiết yếu" theo mẫu cách 2-3 ngày/lần cho người dân.
Cụ thể theo văn bản, nhằm kiểm soát, phân chia, điều phối số lượng người đến chợ và phục vụ việc truy xuất thông tin, hỗ trợ công tác phòng, chống dịch nhanh chóng, hiệu quả, Sở Công Thương TP.HCM đã hướng dẫn thực hiện phương án phân chia tần suất đi chợ của người dân trong khu vực thông qua việc áp dụng "Thẻ ra vào chợ".
Tuy nhiên, tình hình triển khai tại các quận huyện chưa đồng bộ theo từng địa bàn, chưa có cơ chế kiểm tra việc triển khai thực hiện và chưa đảm bảo khống chế lượng khách ra – vào điểm bán phù hợp.
Một số nơi còn tình trạng tập trung đông người và phát sinh nhiều vấn đề cần điều chỉnh để đảm bảo nhu cầu mua hàng của người dân được đáp ứng an toàn, đầy đủ, kịp thời.
Để đảm bảo cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân trên địa bàn và kiểm soát, hạn chế người dân ra đường khi không cần thiết trong thời gian thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg, Sở Công Thương đề nghị Ủy ban nhân dân TP Thủ Đức và các Quận - Huyện, các đơn vị quản lý điểm bán trên địa bàn thực hiện các giải pháp sau:
Rà soát quy mô dân số, số lượng điểm bán hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu tại các khu vực, chủ động làm việc với hệ thống phân phối trên địa bàn: siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng kinh doanh hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu, chợ truyền thống.
Từ đó đánh giá khả năng, số lượng hàng hóa cung ứng, năng lực phục vụ hàng ngày và có phương án phân bổ tần suất, địa điểm đi chợ, đi siêu thị của người dân trên địa bàn phù hợp, thuận tiện cho việc đi lại, mua sắm trong bán kính phục vụ, đáp ứng nhu cầu cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân trên địa bàn.
Phân chia tần suất đến các điểm bán hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu trên địa bàn thông qua việc phát "Phiếu mua hàng thiết yếu" cách 2-3 ngày/lần.
Riêng trong các khu phong tỏa, các địa phương thông tin đến người dân về việc mua thực phẩm thiết yếu tại các siêu thị/chợ trong khu phong tỏa với tần suất 2 lần/tuần, sử dụng "Phiếu mua hàng thiết yếu" do chính quyền địa phương cấp.
Lưu ý rằng "điểm bán" được đề cập tại hướng dẫn gồm các loại hình như: chợ truyền thống, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng kinh doanh hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu...
Các đơn vị nghiên cứu thực hiện tích hợp mã QR trên "Phiếu mua hàng thiết yếu", để phục vụ khai báo y tế đối với khách hàng, người ra vào các điểm bán.
"Phiếu mua hàng thiết yếu" cần thể hiện đầy đủ họ và tên, địa chỉ, số điện thoại, chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân.
Theo đó, mỗi hộ dân chỉ cử 1 (một) người đại diện mua hàng hóa thiết yếu tại các điểm bán theo khung thời gian, địa điểm cung ứng phù hợp (ghi rõ thời gian đi và địa điểm các điểm bản gần nhất để người dân thuận tiện mua sắm).
Trong trường hợp cần thiết cần mở rộng khu vực người dân mua hàng trên cơ sở đảm bảo tính hợp lý về mật độ dân cư, số lượng và năng lực cung ứng của điểm bán, có sự linh động trong lựa chọn các điểm bán tại khu vực cư trú để tạo thuận tiện cho người dân mua sắm.
Tổ chức lực lượng ứng trực; hình thành số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận thông tin và giải quyết kịp thời các phản ánh, kiến nghị của nhân dân.
Kiểm tra, giám sát giá cả, hàng hóa cung cấp tại các điểm bán trên địa bàn phụ trách.
Tuyên truyền, yêu cầu người dân tuân thủ quy định về sử dụng Phiếu mua hàng thiết yếu; thực hiện nghiêm thông điệp 5K và mua hàng đúng địa điểm, thời gian quy định.
Đảm bảo khống chế lượng khách ra - vào điểm bán phù hợp với số lượng hàng hóa cung ứng.
Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng tập trung đông người, thiếu hàng hóa cục bộ gây bức xúc cho nhân dân và góp phần kiểm soát việc di chuyển của người dân trên địa bàn trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.
Kịp thời thông tin những vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện để Sở Công Thương phối hợp, hỗ trợ giải quyết.
Ban Giám đốc siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng kinh doanh hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu, đơn vị quản lý chợ truyền thống phải cung cấp thông tin đầy đủ về khả năng cung ứng, năng lực phục vụ hàng ngày cho chính quyền địa phương để phối hợp và có phương án phân bổ tần suất, địa điểm đi chợ, đi siêu thị của người dân trên địa bàn phù hợp, thuận tiện.
Trường hợp điểm bán vẫn còn dư thừa năng lực cung ứng, khả năng phục vụ tại địa phương, có thể nghiên cứu, đề xuất cách thức tổ chức phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân tại khu vực phường hoặc quận lân cận.
Phải tuân thủ nghiêm các yêu cầu phòng, chống dịch, đồng thời đảm bảo khả năng cung ứng hàng hóa thiết yếu; kịp thời bổ sung hàng hóa để cung ứng đến người dân.
Hoàng Lê