(Tổ Quốc) - Nhiều sinh viên tại khu ký túc xá đại học quốc gia TP.HCM gần đây trở thành nạn nhân của kiến ba khoang khi da bị sưng húp, mưng mủ. Thậm chí có trường hợp người bị độc tố của loài kiến này làm lở loét khắp lưng.
Những ngày qua, nhiều sinh viên sống tại khu B, ký túc xá Đại học Quốc gia (ĐHQG) TP.HCM bức xúc xen lẫn hoang mang, sợ hãi khi liên tục chịu sự tấn công của kiến ba khoang khiến cơ thể bị lở loét. Có trường hợp bị tổn thương da, đau nhức phải nghỉ học ở nhà.
Kiến ba khoang "lộng hành" đầu mùa mưa
Kiến ba ngày càng xuất hiện nhiều hơn khi đã bước vào mùa mưa, thậm chí bay thẳng vào chỗ ngủ của các sinh viên.
Bạn Lưu Thùy Linh, sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cho biết, đây là năm thứ 2 chịu cảnh sống chung với kiến ba khoang.
Cách đây vài ngày, Linh đã bị nọc độc của kiến ba khoang làm bỏng nửa mặt phải. Không chỉ gây đau đớn mà còn khiến nữ sinh này ngày ra đường giao tiếp với mọi người.
"Từ mùa mưa đến giờ xuất hiện rất nhiều kiến ba khoang. Kiến xuất hiện cả ban đêm lẫn ban ngày, trên tường, trên sàn nhà, trong nhà vệ sinh…
Phòng mình có một bạn thường thức khuya làm việc, bạn bật đèn bàn nên thường sau khi phòng tắt điện, bạn bật đèn lại thu hút kiến ba khoang xuất hiện nhiều hơn" - Linh nói.
Chung cảnh ngộ trên, bạn Bùi Yến Ly, Sinh viên Trường đại học Kinh tế - Luật bị bỏng vì kiến ba khoang liên tục đến nỗi xem đó như một việc hiển nhiên.
"Kí túc xá cũng thường phun thuốc định kỳ. Chúng mình cũng tìm cách tốt nhất để chủ động phòng ngừa như mắc màn, đóng cửa, tắt điện sớm… nhưng vẫn bị kiến ba khoang ghé thăm. Tuần này phòng mình thi cuối kỳ nên tắt đèn khá trễ. Cộng với dạo này mưa nhiều nên việc bị kiến ba khoang cắn chắc chỉ là vấn đề sớm muộn" - cô gái chia sẻ.
Diệu Uyên, một sinh viên năm 2 khác bức xúc khi đè phải kiến ba khoang và bị hoại tử khắp mặt, hai mắt sưng húp đến nỗi không mở được. Vừa kể Uyên vừa bức xúc và ước có thể... trốn khỏi ký túc xá.
Trước tình hình trên ban quản lý ký túc xá ĐHQG TP.HCM đã cảnh báo, yêu cầu sinh viên chủ động phòng ngừa và tự bảo vệ mình khỏi kiến ba khoang bằng cách ở gọn gàng, ngăn nắp, phòng ở luôn sạch sẽ, khô ráo, thoáng.
Sinh viên cần mắc màn khi ngủ, mặc quần áo dài, kiểm tra, giũ mạnh khăn mặt trước khi sử dụng để phòng có kiến ba khoang bám vào.
Buổi tối khi bật đèn nhớ đóng hết cửa bao gồm cửa nhà vệ sinh phía ban công, cửa ban công, cửa sổ để hạn chế kiến ba khoang bay lên.
Không chỉ hoành hành ở ký túc xá, kiến ba khoaang cũng có mặt ở nhà dân, thậm chí là các khu chung cư cao tầng.
Chia sẻ những bức hình bắt được rất nhiều kiến ba khoang tại căn hộ của mình, chị Giao Linh (ngụ quận 9, TP.HCM) cho biết chồng chị vừa bị kiến ba khoang làm lở loét khắp lưng.
Vì mới sinh con gái 3 tháng tuổi, mẹ bỉm sữa này rất lo lắng, sợ con có thể bị ảnh hưởng sức khỏe nếu chẳng may bị kiến "tấn công".
Cẩn thận bị bỏng kiến ba khoang mà tưởng "giời leo"
Bác sĩ Lâm Bình Diễm, chuyên khoa Da liễu, Bệnh viện Quận 2 (TP.HCM) cho biết, thời điểm mùa hè và những ngày bắt đầu mưa ở TP.HCM là lúc một loài côn trùng có độc tên khoa học là Paederus (hay kiến ba khoang) xuất hiện nhiều.
Paederus có mình dài, kích thước 1,5-20 mm, màu đỏ nâu, hơi giống kiến. Dân gian gọi côn trùng này bằng nhiều tên khác nhau như kiến ba khoang, kiến lác, kiến gạo, cằm cặp, kiến nhốt, kiến cong đít…
Chúng tiết ra chất pederin, có độc tính gây bỏng, khi tiếp xúc trên da người gây phản ứng viêm da bóng nước.
Những tình huống làm cho bệnh nhân mắc bệnh là khi đang làm việc, ngủ bị côn trùng rơi vào cổ, mặt hay vùng da hở trên thân mình. Bệnh nhân vô ý quẹt tay hoặc đập nát côn trùng gây viên da bóng nước.
Một trường hợp khác là khi côn trùng bám vào khăn mặt, mắt kính, quần áo... bệnh nhân không chú ý nên để da tiếp xúc vào.
Biểu hiện của việc da bị nhiễm độc kiến ba khoang là các thương tổn thành đường hay vệt đỏ, có thể phù nề nhẹ, có mụn nước, mụn mủ, thường ở vị trí vùng da hở như mặt, cổ, tay chân.
Ban đầu, bệnh nhân sẽ thấy hơi ngứa rát, căng da, đỏ da nhẹ. Sau 6-12 giờ, vùng da đỏ nhiều, thành vệt hay đường, hơi phù nề và có thế có mụn nước, mụn mủ.
Lúc này, bệnh nhân thường cảm thấy đau, rát, có thể kèm theo sốt, khó chịu, nổi hạch. Nếu thương tổn gần mắt có thể gây sưng cả 2 mắt.
Ngoài ra, việc nhiều người còn lầm tưởng bị giời leo (zona) nên tự đi mua thuốc hoặc đi thầy phán sẽ làm cho vết thương trầm trọng hơn.
Vì thế bác sĩ khuyên khi mắc bệnh, nên tránh làm cho thương tổn lây lan sang vùng da khác và không tự điều trị mà nên đến cơ sở y tế để được chăm sóc và xử trí thích hợp.
"Bệnh thường sẽ ổn sau 5-7 ngày. Có những trường hợp nặng, tổn thương da nhiều hơn, nhất là ở nếp tay chân sẽ khiến vết thương lâu lành, gây khó chịu cho bệnh nhân.
Người dân cần hạn chế đập kiến ba khoang, chỉ nên gắp ra và phải đi thăm khám bác sĩ chuyên khoa để được xử trí đúng cách" - bác sĩ Diễm đưa ra lời khuyên.
Thiên Kim - Ngọc Linh