(Tổ Quốc) - Sinh con khi tuổi còn quá trẻ lại không siêu âm thời gian đầu và không tiêm uốn ván, một sản phụ 16 tuổi ở Đắk Nông bị sa dây rốn, nguy hiểm tính mạng cả mẹ lẫn con khi trong quá trình lâm bồn.
Ngày 22/6, ThS.BS Huỳnh Thanh Huynh, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đắk G'long (tỉnh Đắk Nông) cho biết, nơi đây vừa cứu thành công một trường hợp sản phụ bị biến chứng nặng trong lúc sinh khi tuổi còn rất trẻ.
Bệnh nhân là chị N. (16 tuổi, ngụ huyện Đắk G'long). Theo bệnh sử, N. mang thai con so, không siêu âm 3 tháng thai kỳ đầu, không tiêm uốn ván.
Đêm 14/6, N. ở nhà thấy đau bụng, ra nước âm đạo. Đến 9h sáng hôm sau, bệnh nhân vào viện trong tình trạng tỉnh, tiếp xúc tốt, chỉ có mẹ và anh trai đưa đến nhập viện.
Khám sản, các bác sĩ xác định thai không đáp ứng với cơn gò, ối vỡ hoàn toàn, cổ tử cung nở 7 cm, ngôi mông cao, dây rốn vắt ngang mông, nhịp đập nhẹ, khó khảo sát.
Bệnh nhân được chẩn đoán con so thai đủ tháng, sa dây rốn, tiên lượng nặng, được chỉ định mổ lấy thai cấp cứu
Sản phụ được lấy máu tại giường, siêu âm tại giường làm các xét nghiệm cận lâm sàng khẩn cấp và đưa vào phòng mổ 45 phút sau khi nhập viện.
Kíp mổ có tổng cộng 8 người gồm bác sĩ sản, gây mê, kỹ thuật viên và nữ hộ sinh. Đến 10 giờ 4 phút, các bác sĩ đã đưa được bé gái nặng 3.100gram chào đời an toàn, khóc to, phản xạ tốt, được da kề da với mẹ lập tức.
Hậu phẫu, sản phụ được theo dõi tại phòng hồi sức và được hướng dẫn cho bé bú mẹ sớm.
Theo bác sĩ Huynh, sa dây rốn là một tai biến sản khoa nguy hiểm ở giai đoạn cuối thai kỳ, khiến cho dây rốn bị chèn ép giữa thành xương chậu.
Theo thống kê thì cứ 300 trẻ chào đời sẽ có 1 ca mắc sa dây rốn.
Nguyên nhân gây ra tình trạng sa dây rốn có thể đến từ 3 yếu tố cơ bản, đó là:
Về phía mẹ: Những người sinh nở nhiều lần khiến cho ngôi thai bình chỉnh không tốt gây ra các ngôi bất thường. Ngoài ra, phụ nữ có khung chậu hẹp, méo hay có khối u tiền đạo cũng rất dễ dẫn đến sa dây rốn.
Về phía thai nhi: Thai nhi gặp phải tình trạng ngôi thai bất thường như ngôi thai ngược, ngôi ngang... hoặc do ngôi thai không tỳ được vào cổ tử cung.
Về phía phần phụ của thai: Dây rốn dài bất thường, đa ối, nhau bám thấp, vỡ ối đột ngột... đều có thể khiến dây rốn bị sa theo.
Sa dây rốn nếu nặng có thể gây suy thai cấp khi mẹ chuyển dạ. Nếu mổ cấp cứu lấy thai chậm, thai nhi sẽ bị suy hô hấp, hôn mê và tử vong.
Trong trường hợp bé được cứu sống cũng sẽ dễ mắc phải những tổn thương não do thiếu oxy.
Tùy vào từng trường hợp sa dây rốn mà thai nhi có thể tử vong ngay trong bụng mẹ, thậm chí trong thời gian từ vài phút đến gần 30 phút.
Vì thế, ngay khi phát hiện thai phụ bị sa dây rốn cần phải được theo dõi kỹ càng và cấp cứu một cách nhanh chóng, kịp thời khi có những tai biến xảy ra.
Theo thống kê, hiện nay tại huyện Đắk G'long có 99 trường hợp mang thai ở độ tuổi vị thành niên.
Đắk G'long là một huyện có tỷ lệ dân tộc thiểu số cao, trình độ dân trí thấp. Đồng bào dân tộc thiểu số di cư tự do từ miền núi phía bắc vào rất nhiều khó kiểm soát, đồng thời phong tục tập quán lạc hậu, điều kiện kinh tế khó khăn.
Do đó, tình trạng tảo hôn (hôn nhân dưới 18 tuổi) vẫn còn diễn biến phức tạp.
Hoàng Lê