(Tổ Quốc) - Nhìn mâm cơm cữ mà mẹ chồng chuẩn bị cho mình, tôi ứa nước mắt khi bưng bát cơm lên ăn.
Sau đám cưới, 2 vợ chồng tôi tiếp tục lên thành phố lập nghiệp. Bởi trước đó chúng tôi đã làm trên Hà Nội và quen với cuộc sống đô thị.
Cuộc sống chỉ có 2 người, tuy vẫn phải lo nghĩ cơm áo gạo tiền nhưng được cái tự do. Vợ chồng tôi thích ăn gì thì ăn, thích làm gì thì làm, chẳng ai quản thúc. Có hôm đi làm về, 2 đứa lại dẫn nhau ra quán nhậu. Anh 1 cốc bia, tôi 1 cốc bia. Cùng nâng ly cụng chén như những người bạn. Cuộc sống vợ chồng cũng vì thế mà vui vẻ, hạnh phúc hơn rất nhiều.
Cưới được 3 tháng thì tôi mang bầu. Thật may tôi không bị ốm nghén gì cả, vẫn ăn uống bình thường. Thậm chí tôi còn ăn khỏe hơn trước. Ông xã của tôi quan tâm, thường xuyên mua đồ ngon về cho vợ tẩm bổ.
Cả quá trình mang thai, tôi chỉ không vừa lòng mỗi mẹ chồng của tôi. Lúc chưa biết giới tính của đứa bé, bà chịu khó gọi điện rồi hay gửi đồ ăn lên cho con dâu lắm. Nhưng khi biết tôi mang bầu con gái thì bà thay đổi 180 độ. Những tháng cuối, tôi không nhận được cuộc điện thoại nào của bà. Thấy chồng chăm vợ nhiệt tình, mẹ chồng tôi còn gọi cho anh, bảo cho tôi ăn ít thôi, ăn nhiều phí tiền. Cũng may chồng không giống mẹ mình, anh rất thích con gái. Chồng động viên tôi: "Con nào cũng là con, đẻ con gái anh càng thích. Vợ không phải suy nghĩ nhiều".
Đến gần ngày sinh, tôi dự định nhập viện trên Hà Nội. Bởi con đầu lòng, tâm lý của bà mẹ nào cũng lo lắng hơn cả. Nhưng mẹ chồng không đồng ý. Bà nói rằng, nhà bận trăm công nghìn việc với già rồi (mẹ chồng tôi mới 48 tuổi) không lên Hà Nội mà chăm con dâu được. Mẹ chồng ép tôi về quê. Cuối cùng không còn lựa chọn nào khác, tôi đành làm hồ sơ sinh con tại bệnh viện gần nhà chồng.
Ngày tôi sinh con, chồng không về kịp vì còn phải đi làm, có mỗi mẹ chồng vào viện với con dâu. Nhưng bực lắm, trong lúc tôi đau quằn quại trên bàn mổ thì bà đi... buôn chuyện. Chỉ đến khi bác sĩ gọi lớn người nhà vào nhận cháu thì mẹ chồng mới hấp tấp từ đâu chạy về, hớt hơ hớt hải vào đón cháu. Cả ekip mổ cho tôi hôm đó đều lắc đầu, đúng là trần đời này chỉ có 1 mẹ chồng vô tư như của tôi!
Đẻ mổ nên tôi chưa thể đi lại bình thường được. Nhưng mẹ chồng để mình tôi nằm viện còn bà về đi làm. Buổi tối, tôi phải nhờ người nhà sản phụ khác đi mua cháo cho mình. Cũng may, ngay hôm sau thì chồng tôi về. Anh vào viện chăm sóc tôi. Chứ để mẹ chồng chăm con dâu đẻ, chắc tôi và con cùng chết đói!
Nhưng chồng tôi không xin nghỉ phép được nhiều ngày. Ở được với vợ con 1 tuần thì anh lại phải lên Hà Nội để đi làm. Ở lại chỉ có mẹ con tôi. Những ngày tiếp theo, tôi sống trong cảnh cơm chan nước mắt!
Mẹ chồng ngày nào cũng chỉ cho tôi ăn cơm rau ngót luộc chấm muối hột. Bà nói đó là món ăn ngày xưa hay ăn khi sinh chồng tôi. Rồi mẹ chồng kể thao thao bất tuyệt về công dụng của rau ngót. Nào là sẽ nhanh chóng tống hết sản dịch ra khỏi cơ thể, trị sót rau, tăng sữa mẹ, trị táo bón... Tôi cũng không cãi lại bà về công dụng của món rau đó dành cho bà đẻ. Nhưng ngày qua ngày cứ ăn mỗi rau luộc chấm muối thì tôi làm gì có chất để nuôi con.
Đến ngày thứ 3 sau khi xuất viện, tôi mất sữa hoàn toàn. Vội vàng kêu mẹ chồng đổi bữa để sữa về, nhưng bà thản nhiên: "Ôi dồi, ăn lắm làm gì? Ăn rồi cũng sinh ra "vịt" thì chỉ ăn hại thôi. Ở trên thành phố, cô ăn đến béo lú ra rồi mà giờ còn kêu không có sữa nuôi con à...". Nói xong, mẹ chồng còn ném chậu quần áo ra giữa phòng ngủ của vợ chồng tôi. Bà bắt tôi đi giặt riêng. Bởi vì mẹ chồng quan niệm: Dùng chung đồ với bà đẻ là bị xui xẻo!
Đến lúc này thì tôi chịu hết nổi mẹ chồng quái tính rồi. Vốn biết bà chỉ thích cháu trai nhưng tôi không ngờ mẹ chồng lại có thể lạnh lùng và nhẫn tâm với cháu ruột như thế! Tôi vừa khóc vừa thu dọn quần áo, sau đó gọi xe để về mẹ đẻ luôn!
Hướng Dương HT