(Tổ Quốc) - Số người thiệt mạng sau cơn bão Hải Phòng gấp 47 lần so với siêu bão Hải Yến gieo rắc kinh hoàng năm 2013, trở thành thảm họa thiên nhiên.
Những ngày đầu tháng 10, Hà Nội liên tục đón những cơn mưa mát mẻ. Mùa mưa bão bắt đầu đến dù không ai mong đợi, trở thành một phần trong cuộc sống của chúng ta.
Ít ai biết rằng, trong số những cơn bão siêu mạnh từng đổ bộ vào Việt Nam, cơn bão có tên Hải Phòng quét qua ngày 8/10/1881 là một trong những sự kiện thảm khốc nhất trong lịch sử thời tiết. Cấp độ của cơn bão vẫn chưa được xác định vì nó xảy ra trước những tiến bộ khí tượng của thế kỷ XX, nhưng khả năng tàn phá của nó có thể vượt qua những cơn bão nổi tiếng như Vàm Cỏ, Hải Yến, Xangsane, Goni, Sơn Tinh...
Cơn bão khổng lồ này đã đi qua đảo Lu-dông (Philippines) và vịnh Bắc Bộ, tàn phá thành phố Hải Phòng và khu vực ven biển xung quanh, gần như "hủy diệt" mọi thứ trên đường nó đi qua. Không có nhiều tư liệu ghi chép lại về cơn bão này bởi thời điểm đó khoa học khí tượng ở Việt Nam chưa phát triển, chính vì vậy số người thiệt mạng tại thành phố Hải Phòng lúc bấy giờ không được ghi nhận cụ thể. Tuy nhiên con số thiệt hại về người tại những nơi "bão Hải Phòng" đi qua thực sự gây ám ảnh: tổng số khoảng 300.000 người đã thiệt mạng, gấp 47 lần so với số nạn nhân do cơn bão Hải Yến gây ra năm 2013.
Đây cũng là một cơn bão đặc biệt với chặng đường di chuyển khá dài, hình thành từ ngày 27/9/1881 đến 8/10/1881 mới tan. Số nạn nhân thiệt mạng được cho rằng tương đương với lốc xoáy Coringa diễn ra trên vịnh Bengal, Ấn Độ ngày 25/11/1839. Cả 2 sự kiện này luôn được xếp vào danh sách các thảm họa thiên nhiên đáng sợ nhất lịch sử.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Việt Nam, tuy không có đủ hồ sơ dữ liệu nhưng nếu tính theo thang bậc được sử dụng hiện tại thì siêu bão đổ bộ vào Hải Phòng tháng 10/1881 có thể đạt sức gió cấp 13-14.
Tuy nhiên, trong lịch sử, con số 30 vạn người chết do bão Hải Phòng gây ra vẫn chưa khủng khiếp bằng siêu bão Bhola quét qua Bangladesh vào năm 1970, khoảng 300.000 - 500.000 người thiệt mạng và tàn phá vô số tài sản.
Những cơn bão luôn khiến chúng ta sợ hãi là vậy, nhưng trong lịch sử cũng từng có lúc bão bị coi như trò đùa dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Đó là một bài học vô cùng thấm thía về chuyện coi thường tự nhiên, nghe bão đổ bộ vào Cà Mau, nhiều người kháo nhau đi xem vì cả trăm năm vùng này không hề có bão. Hậu quả, hơn 3.000 người chết và mất tích, gây thiệt hại cho 21 tỉnh phía Nam.
Tại hội thảo nhìn lại 20 năm cơn bão Linda và những bài học kinh nghiệm tổ chức cuối tháng 10/2017, nguyên Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Huy Ngọ kể lại: "Bão đổ bộ vào Cà Mau như chuyện của những người thích đùa. Có người còn hồ hởi kháo nhau đi xem bão là gì, vì vùng đất này cả trăm năm nay bình yên, chưa hề có khái niệm về bão.
Không chỉ người dân, quan chức cũng nghĩ vậy. Gọi về địa phương để cảnh báo, Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão đều nhận được phản hồi trong đây làm gì có bão mà ngoài đó cứ hốt hoảng".
Ngày 1/11/1997, một vùng áp thấp cách quần đảo Trường Sa khoảng 300 km về phía đông đông nam và nhanh chóng mạnh lên thành cơn bão thứ năm ở biển Đông, tên quốc tế là Linda. Bão di chuyển nhanh, đến sáng 2/11 đạt cường độ cấp 9-10 (sức gió 105 km/h), cách Côn Đảo 100 km về phía đông. Đêm 2/11, tâm bão đi vào Bạc Liêu - Cà Mau, ảnh hưởng hầu hết miền Tây Nam Bộ.
Hoành hành trên đất liền Việt Nam suốt đêm, sáng hôm sau bão hướng về vịnh Thái Lan, gây lũ quét làm hơn 100 người thiệt mạng. Bão cũng ảnh hưởng đến Myanmar, Indonesia, Malaysia và Campuchia.
Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đánh giá bão Linda là thiên tai thế kỷ với 21 tỉnh thành bị thiệt hại, "nặng nề nhất là về sinh mạng, phương tiện tàu thuyền, cơ sở vật chất và mùa màng". Hơn 770 người chết, 2.120 người mất tích, 1.230 người bị thương, chủ yếu là ngư dân. Hơn 3.000 tàu bị đánh chìm. 107.890 nhà bị đánh sập, 120.000 ha nuôi trồng thủy sản và 320.000 ha lúa bị ngập. Ước tính thiệt hại vật chất là 7.200 tỷ đồng. Trong đó, riêng Cà Mau có 128 người chết, 1.164 người mất tích và 600 người bị thương.
Aries (T/H)