(Tổ Quốc) - Cơ hội của Việt Nam đón sóng dịch chuyển vốn FDI trong dịp này là rất lớn, nhưng theo ông Nguyễn Xuân Phú - Chủ tịch Tập đoàn Sunhouse việc đón nhận làn sóng dịch chuyển cần thực hiện nghiêm túc bởi nó không hề đơn giản. Thậm chí, cần có nghệ thuật trong nhận vốn đầu tư FDI.
Thay đổi để tận dụng cơ hội
Có thể nói, Việt Nam làm một trong những nước đang kiểm soát rất tốt dịch COVID-19. Không dừng lại, để thúc đẩy kinh tế thì Việt Nam đã có những chính sách tích cực nhằm thu hút sự chú ý của nhiều nhà đầu tư nước ngoài và các tập đoàn kinh tế lớn toàn cầu.
Với lợi thế này, câu hỏi được đặt ra là cần làm gì để cuộc dịch chuyển đầu tư FDI sẽ chọn "bến đỗ" là Việt Nam và các DN Việt cần nhìn nhận và tận dụng cơ hội này ra sao?
Trong vai trò một doanh nghiệp, Chủ tịch Tập đoàn Sunhouse Nguyễn Xuân Phú chia sẻ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nào cũng phải liên tục đổi mới để có thể tận dụng cơ hội.
Ông Nguyễn Xuân Phú – Chủ tịch Tập đoàn Sunhouse.
Theo ông Phú, khi nói về cạnh tranh, chúng ta chạy nhưng người ta thậm chí còn chạy nhanh hơn chúng ta. Bản thân Sunhouse đã phải thay đổi rất nhiều để có thể tận dụng cơ hội cũng như tiếp cận được thêm nhiều đối tác, nguồn vốn đầu tư.
Bên cạnh việc chủ động đầu tư các nhà máy hiện đại, công nghệ tiên tiến để bắt kịp những doanh nghiệp toàn cầu, Sunhouse còn mời chuyên gia nước ngoài về làm việc để xây dựng lại quy trình sản xuất, quy định lại chất lượng sản phẩm.
Chính thức ra mắt vào năm 2019, nhà máy LIGHTING với 3 dây chuyền đèn Panel, 1 dây chuyền LED UFO cùng các dây chuyền cơ khí, phun sơn tự động nhập khẩu khác. Cả 2 loại đèn này hiện nay đều đang xuất đi Bắc Mỹ.
Hay như Nhà máy Narae Sunhouse System nằm trong định hướng phát triển sản phẩm công nghệ cao của tập đoàn Sunhouse. Trải qua 3 năm đầu khó khăn bắt nhịp công nghệ mới và biến động thị trường ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, đến nay công ty đã nhận được nhiều đơn hàng gia công bản mạch điện tử cho các công ty lớn trong và ngoài nước.
Tập đoàn Sunhouse đã chủ động đầu tư các nhà máy hiện đại, công nghệ tiên tiến để có những sản phẩm tốt nhất khi đưa ra thị trường.
Với sự có mặt của những nhà máy mới như Narae, hay nhà máy ép nhựa Aluba, Sunhouse sẽ hoàn thiện chuỗi tự cung ứng của doanh nghiệp, chủ động quản trị chất lượng sản phẩm (từ khâu nguyên vật liệu đầu vào đến các linh, phụ kiện công nghệ cao đến lắp ráp thành phẩm).
Làm cách nào để "đón sóng" chuyển dịch FDI hiệu quả
Ông Nguyễn Xuân Phú nói rằng việc đón nhận làn sóng dịch chuyển cần thực hiện nghiêm túc bởi nó không hề đơn giản.
Chia sẻ về bài học của Sunhouse khi hợp tác với công ty Hàn Quốc đầu tư chính nhà máy vi mạch kể trên, ông Phú cho biết riêng dây chuyền và đất đai đã ngốn hết 200 tỉ đồng nhưng Sunhouse chỉ nắm 49% cổ phần bởi cho rằng bản thân mình không có kinh nghiệm trong lĩnh vực này nên đặt trọn niềm tin vào đối tác.
Tuy nhiên sau thời gian thực tế làm việc, ông nhận thấy đối tác này không thực sự chuyên môn và tiềm lực. Họ thực hiện dự án với hy vọng có thể vay được vốn của ngân hàng Việt Nam. Song việc ngân hàng từ chối cho vay khiến dự án này lâm vào bế tắc. Cuối cùng, ông Phú phải mua lại toàn bộ vốn của đối tác,tự chủ trong hoạt động vận hành và phát triển nhà máy.
Từ những kinh nghiệm của bản thân, Chủ tịch Tập đoàn Sunhouse cho rằng doanh nghiệp Việt cần chủ động và tìm hiểu chuyên sâu trong lĩnh vực thu hút đầu tư bởi thật giả lẫn lộn, thậm chí, giả còn đông gấp nhiều lần thật.
Chính vì lý do đó, ông Phú mong đợi và hy vọng lần đón vốn này được tiến hành hiệu quả và có chiều sâu. Từ bài học của quá khứ, ông Phú nhấn mạnh cần có nghệ thuật trong nhận vốn đầu tư FDI. Giai đoạn đầu, việc chấp nhận làm gia công là điều không thể tránh khỏi.
Tuy nhiên, trong quá trình làm thuê đó, cần học hỏi được về công nghệ, học cách làm chủ, hiểu nhu cầu khách hàng ở từng thị trường để sau này xây dựng thương hiệu và có thể bán vào những thị trường đó để trở thành ông chủ.
Chia sẻ về vấn đề này, TS. Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, trong việc thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam cần giữ được 3 mục tiêu nhất quán và lâu dài.
Thứ nhất là việc phát triển kinh tế xã hội đất nước hùng mạnh. Thứ hai là xây dựng nền kinh tế tự cường. Thứ ba là đảm bảo an ninh, xã hội, quốc phòng của đất nước và văn hóa dân tộc.
"Bao giờ cũng phải đặt mục tiêu sử dụng người ta nhưng phải xây dựng được nền kinh tế tự lực, tự cường" - ông Thắng nói và khẳng định mình phải biết bảo vệ mình, biết bảo vệ để chúng ta lớn mạnh và không bị phụ thuộc.
Cùng bàn về vấn đề này ông Nguyễn Văn Toàn - Phó chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng, Việt Nam cần tiếp thu luồng vốn mới nhưng có cách tiếp cận khác mới có thể tham gia vào chuỗi giá trị. Và cần tham gia vào các chi tiết có hàm lượng công nghệ cao. Phải làm được những chi tiết mà nếu không có nó thì không thành sản phẩm được.
Nói về các giải pháp tổng thể, GS Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng, để thu hút FDI hiệu quả hơn, tất cả đều phải cùng chuyển động.
Ông nói, cả bộ máy phải chuyển động, cả bộ phận công chức phải chuyển động, cả đội ngũ doanh nghiệp phải chuyển động thế nào để cho những người lao động phải tham gia một cách tích cực vào cuộc cải cách này thì chúng ta mới có thể thành công.
Thanh Xuân