Shark Bình chốt đầu tư mô hình kinh doanh "chưa có một đồng doanh thu", shark Liên nhắc: Đừng vội, trả giá đấy!

(Tổ Quốc) - Câu chuyện về mô hình của starup này đã nhận được rất nhiều chú ý của cộng đồng mạng. Dù đây mới chỉ là ý tưởng trên giấy tờ và chưa thu được lợi nhuận, nhưng nó đã được các shark quyết định rót vốn.

Xây dựng mô hình giáo dục tập trung để đưa lao động sang Đức, startup bị nhận xét "quá non"

Xuất phát từ nỗi trăn trở trước vấn nạn người lao động Việt Nam tìm mọi cách sang nước ngoài làm việc, thậm chí bất chấp cả tính mạng để mong đổi đời, Startup VNG Education 21 nảy ra ý tưởng thành lập mô hình đào tạo và xuất khẩu lao động có chuyên môn sang Đức.

Hai nhà sáng lập Nguyễn Lê Phú Thịnh và Dương Minh Khánh Lâm tham gia Shark Tank mùa 4 để gọi vốn 3 tỷ đồng cho 10% cổ phần. Điều đáng nói là, công ty chỉ mới thành lập, mọi dự định, kế hoạch đều chỉ nằm trên giấy và công ty chưa hề có doanh thu.

Điều này làm khó các "cá mập" khi các nhà đầu tư mặc dù rất quan tâm và nhìn thấy triển vọng phát triển lĩnh vực này, nhưng lại băn khoăn có nên "rót tiền" vào hai startup?

Shark Bình chốt đầu tư mô hình kinh doanh chưa có một đồng doanh thu, shark Liên nhắc: Đừng vội, trả giá đấy! - Ảnh 1.

VNG Education 21 đào tạo người lao động về ngôn ngữ, văn hóa, lối sống, phong cách làm việc chuyên nghiệp.

Giới thiệu về mô hình của công ty, hai startup chia sẻ: "Dân số Đức già hóa nhanh. Năm 2020, Viện Kinh Tế Đức đã có thông báo 1,2 triệu công việc trống do không tìm được nguồn nhân lực đáp ứng đủ nhu cầu và con số này có thể gia tăng tới 3,9 triệu trong năm 2030.

Nhận ra vấn đề khủng hoảng nguồn nhân lực chất lượng cao ở Đức, trong khi Việt Nam lại đang có nguồn nhân lực dồi dào. Vì vậy, VNG Education 21 đã ra đời để làm cầu nối giữa Việt Nam và Đức

Công ty mang đến giải pháp cung cấp nguồn nhân lực có chuyên môn, có tay nghề tại Việt Nam cho nhà tuyển dụng tại Đức. 

Tham gia khoá học, người lao động được đào tạo trong mô hình khép kín hoàn toàn, từ sáng tới tối sẽ được học về ngôn ngữ, văn hóa, lối sống, phong cách làm việc chuyên nghiệp".

Theo startup Phú Thịnh, sau khi matching (phù hợp) thì người lao động và người tuyển dụng lao động sẽ sử dụng nền tảng này phỏng vấn online với nhau. 

Phỏng vấn online xong sẽ ký hợp đồng lao động tại Việt Nam theo tiêu chuẩn hợp đồng lao động của Đức. Từ đó, VNG Education 21 sẽ thực hiện việc đào tạo ngôn ngữ, chuẩn hóa mọi bộ hồ sơ xuất nhập cảnh.

Theo VNG Education 21, công ty vừa thành lập năm nay nhưng đã có 500 đơn đặt hàng từ Đức. Đối tượng hiện tại trong năm 2021 mà VNG Education 21 hướng tới sẽ là những người đã có chứng chỉ nghề, dưới 35 tuổi, và còn có khả năng học ngôn ngữ.

Shark Bình chốt đầu tư mô hình kinh doanh chưa có một đồng doanh thu, shark Liên nhắc: Đừng vội, trả giá đấy! - Ảnh 3.

Startup bị nhận xét "quá non"

Con số 500 đơn hàng không thuyết phục được các Shark bởi các "cá mập" hiểu rất rõ về vô số khó khăn trong việc đào tạo ngôn ngữ, trình độ chuyên môn, các thủ tục về nhập cảnh, giấy phép lao động... khi đưa lao động sang Đức.

Shark Hưng chia sẻ: "Tôi cũng có thể đưa vài nghìn người sang Châu Âu ngay lập tức nếu bạn có nguồn cung đáp ứng được yêu cầu của bên đó, nhưng điều đó là rất khó".

Shark Liên cũng tiết lộ, bản thân đã ký với Đức 4 năm, đào tạo hàng trăm người nhưng chưa xuất được ai đi.

VNG Education 21 cho biết đã nộp giấy phép dạy tiếng Đức với Sở Giáo Dục & Đào Tạo TP.HCM, tuy nhiên hiện nay vẫn chưa dạy khóa nào, công ty hoàn toàn mới. Shark Phú là người đầu tiên rút, quyết định không đầu tư vì mô hình doanh nghiệp còn quá sơ khai chưa khẳng định được gì.

Shark Bình "chốt deal" nhanh như chớp dù bị nhắc có thể phải "trả giá", dân mạng nhìn ra "bí quyết" gọi vốn thành công

Dù biết startup mới và còn "non", Shark Bình vẫn quyết  "rót vốn" 3 tỷ cho 50% cổ phần chỉ sau vài phút khiến các "cá mập" bất ngờ. 

Thậm chí Shark Liên đã phải lên tiếng can ngăn: "Shark Bình từ từ thôi, đừng vội vã, trả giá đấy!"

Các startup chia sẻ trăn trở mong muốn xây dựng mô hình sau sự kiện đau lòng ở Anh vừa qua: "Nhu cầu xuất khẩu lao động của người Việt Nam lớn và họ sẵn sàng đánh đổi để được cơ hội đổi đời đó. 

Tụi em làm để cho người ta một con đường đi thật sự chính thống và hiệu quả. Việc này có thể được đảm bảo tương lai cho các bạn trẻ, đảm bảo tương lai cho nền kinh tế Việt Nam"

Mong muốn giúp các bạn trẻ Việt Nam có công ăn việc làm nên Shark Liên rất hào hứng và vị cá mập đưa ra đề nghị cùng Shark Bình và Shark Louis đầu tư cho VNG Education 21, với điều kiện startup phải cam kết được những gì đã nói.

Shark Bình chốt đầu tư mô hình kinh doanh chưa có một đồng doanh thu, shark Liên nhắc: Đừng vội, trả giá đấy! - Ảnh 4.

VNG Education 21 đã mang không khí lễ hội Oktoberfest nổi tiếng của nước Đức đến trường quay.

Thương vụ thành công khi cả 3 "cá mập" là Shark Bình, Shark Liên, Shark Louis đều cùng góp vốn, tổng cộng 3 tỷ cho 45% cổ phần công ty, chia đều cho mỗi người.

Đây là cái kết ngọt ngào khiến người xem vô cùng bất ngờ bởi một startup được nhận xét "quá non trẻ", tay không đi gọi vốn lại thành công ngoạn mục.

Dân mạng nhìn ra "bí quyết" đặc biệt giúp các startup gọi vốn thành công: Trước khi bắt đầu phần gọi vốn, VNG Education 21 đã mang không khí lễ hội Oktoberfest nổi tiếng của nước Đức đến trường quay, mời các Shark tham gia bữa tiệc và uống bia.

Shark Bình chốt đầu tư mô hình kinh doanh chưa có một đồng doanh thu, shark Liên nhắc: Đừng vội, trả giá đấy! - Ảnh 5.

Dân tình bình luận vui về lý do khó ngờ giúp thương vụ thành công

Chính Shark Bình cũng hài hước chia sẻ, chính vì có "hơi men" sau khi uống ly bia mà Shark cảm thấy hưng phấn và muốn ra deal ngay.

Mặc dù chỉ là nhận định vui nhưng chính điều này cũng khiến chương trình trở nên thú vị hơn và thú hút sự quan tâm của khán giả.

Ngân Hà

Tin mới