(Tổ Quốc) - Khuyến nghị để doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) tiếp cận nguồn vốn ngân hàng tốt nhất, ông Đồng Xuân Hùng, Giám đốc Ngân hàng Vietinbank tại TPHCM cho biết phía ngân hàng rất ấn tượng và đánh giá tốt những doanh nghiệp minh bạch báo cáo tài chính.
Ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Đánh giá về thực trạng hiện nay của khối DN này, ông Trần Minh Bình, Tổng Giám đốc VietinBank cho biết: "Một trong những tác động nặng nề do ảnh hưởng từ COVID-19 đến các SME là sự thiếu hụt dòng tiền và điều này gây ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn tại của các DN".
Khuyến nghị để tiếp cận nguồn vốn ngân hàng tốt nhất, ông Đồng Xuân Hùng, Giám đốc Ngân hàng Vietinbank tại TPHCM, chia sẻ: "Trong hàng nghìn SME tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng, chúng tôi thực sự ấn tượng và đánh giá tốt những DN minh bạch báo cáo tài chính. Hiện nay, Vietinbank có gói ưu đãi cho những DN này so với các DN khác".
Bên cạnh đó, trong 100 chủ điểm của gói tín dụng hỗ trợ SME, có rất nhiều gói sản phẩm đặc thù cho DN ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Ví dụ, hiện nay Viettinbank có gói vốn dành cho DN sản xuất thiết bị và vật tư y tế. Ngân hàng này cũng triển khai gói phê duyệt vốn nhanh dành cho khách hàng truyền thống.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, cộng đồng SME là đối tượng bị tổn thương nhiều nhất với nguy cơ phá sản lớn, tuy nhiên, đây cũng là nhóm DN dễ phục hồi nhất do sở hữu những lợi thế riêng.
Theo đó, việc vượt qua khó khăn, tận dụng cơ hội và tìm hướng đi mới cho hoạt động sản xuất để biến "nguy" thành "cơ" là bước đi cần thiết để SME "bật dậy" sau dịch Covid-19.
TS. Nguyễn Đức Thành, chuyên gia kinh tế cao cấp cũng đánh giá, ngoài những thuận lợi, DN Việt đang đứng trước những cơ hội lớn từ làn sóng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á.
Dự kiến, làn sóng này sẽ mạnh dần lên vào cuối năm 2020 và đầu năm 2021. "SME cần chuẩn bị nguồn vốn tốt và hạn chế những rủi ro để đón đầu những cơ hội cực lớn sau COVID-19", TS. Nguyễn Đức Thành nhận định.
Theo Vietinbank, phân khúc khách hàng SME là phân khúc trọng điểm chiến lược của ngân hàng này. Tính đến hết 6 tháng đầu năm 2020, dư nợ phân khúc khách hàng SME tại đây đạt gần 247.000 tỷ đồng, chiếm 26% dư nợ khách hàng DN, giữ vững tốc độ tăng trưởng tín dụng là 2%.
Thời gian qua, Vietinbank đã triển khai chuỗi các giải pháp tài chính dành riêng cho khối khách hàng SME như chương trình tín dụng đồng hành cùng khách hàng, các gói tín dụng, cho vay, chương trình ưu đãi lãi suất cho vay dành cho DN khởi nghiệp quy mô 3.000 tỷ đồng.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến nay tín dụng đã tăng trở lại. Cụ thể, tính đến ngày 29/6, tín dụng tăng 3,26%, mức tăng khá mạnh bắt đầu từ tháng 5 trở lại đây.
Tháng 3, tín dụng mới tăng khoảng 1,13%; tháng 4 tăng 0,12% nhưng đến tháng 5 đã tăng lại 0,53% và đến 29/6 thì mức tăng so với tháng 5 là 1,28%.
Ngay từ đầu tháng 7, NHNN đã chủ động điều chỉnh tín dụng hỗ trợ phục vụ cho tăng trưởng, vì vậy vừa qua đã điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của một loạt ngân hàng NHTM, kể cả những NHTM có vốn Nhà nước hay NHTM cổ phần tư nhân, để ngân hàng nào có điều kiện tăng trưởng lành mạnh vào các lĩnh vực phục vụ cho tăng trưởng kinh tế, thì có thể điều chỉnh tăng trưởng tín dụng ở mức cao hơn so với nhu cầu.
Trước đó, NHNN cũng đã ban hành Thông tư 01 với các giải pháp về cơ cấu lại nợ, không chuyển nhóm nợ và trong thời gian cơ cấu lại nợ thì khách hàng vay vốn không phải trả nợ gốc và lãi đến hạn, được miễn giảm lãi, phí cũng như giảm lãi suất.
Đến nay, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khoảng gần 260.000 khách hàng với dư nợ xấp xỉ 180.000 tỷ đồng; miễn giảm và hạ lãi suất cho khoảng 421.000 khách hàng với dư nợ xấp xỉ 1,3 triệu tỷ đồng; cho vay mới khoảng 1,1 triệu tỷ đồng cho xấp xỉ 240.000 khách hàng, lãi suất thấp hơn từ 0,5-2,5%/năm so với trước dịch.
Tuy vậy, cũng theo đại diện Vietinbank, các gói chính sách ưu đãi về tín dụng tại đây bao gồm cho tất cả các khách hàng cũ và mới, bao gồm cả dư nợ cũ và dư nợ mới.
Tính từ thời điểm ngày 23/1 tới 19/6, Vietinbank đã giải ngân cho gần 7.000 khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh với doanh số giải ngân mới khoảng 180.000 tỷ đồng, lãi suất giảm 0,5%/năm so với mức lãi suất đang áp dụng trước dịch Covid-19.
Tại Việt Nam, khối SME chiếm tới 98% tổng số DN trên toàn quốc, đóng góp 40% GDP và 29% ngân sách quốc gia. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch Covid-19, nhiều DN, trong đó chủ yếu là SME, phải thu hẹp sản xuất kinh doanh hoặc tạm ngừng hoạt động.
Cùng với những khó khăn do căng thẳng thương mại, dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến cộng đồng SME bởi đây vốn là những DN có nguồn lực bị hạn chế về năng lực tài chính, nhân lực và thị trường.
Hương Nguyễn