Sau hai thập kỷ sống chung với bệnh Crohn và viêm loét đại tràng, người phụ nữ 34 tuổi buộc phải cắt bỏ đại tràng và trực tràng

(Tổ Quốc) - Viêm loét đại tràng và bệnh Crohn là hai tình trạng viêm ruột mãn tính, có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi.

Renee Welch, 34 tuổi, hiện đang sống tại Toronto, Canada, đã chiến đấu với bệnh Crohnviêm loét đại tràng trong 25 năm. 

Những dấu hiệu đầu tiên như đau dạ dày, tiêu chảy và nôn xuất hiện từ năm cô 8 tuổi. Bác sĩ đã cho Renee dùng thuốc với hy vọng giảm bớt cơn đau nhưng không đem lại hiệu quả. Một khoảng thời gian sau, cô gái trẻ bắt đầu sụt cân vì thiếu dinh dưỡng, thiếu máu và phải chịu đau đớn khi có một lỗ rò ở hậu môn, một tình trạng nhiễm trùng do viêm đường tiêu hóa gây ra. Dưới đây là những lời chia sẻ của người phụ nữ này về hành trình chiến đấu với bệnh Crohn và viêm loét đại tràng mãn tính:

Chẩn đoán đầu tiên

Sau khi sống chung với bệnh Crohn và viêm loét đại tràng trong hai thập kỷ, người phụ nữ 34 tuổi này đã buộc phải cắt bỏ đại tràng và trực tràng - Ảnh 1.

Renee được chẩn đoán mắc bệnh Crohn từ năm 9 tuổi và cho tới thời điểm hiện tại, cô đã sống chung với bệnh này 25 năm.

Gia đình tôi được giới thiệu đến một bệnh viện dành cho trẻ em ở Toronto và tại đây, họ tiến hành chụp X-quang, cắt lớp, cộng hưởng để xác định nguyên nhân. Bác sĩ chính thức kết luận tôi mắc mắc bệnh Crohn vào khoảng 10 tháng sau khi các triệu chứng đầu tiên xuất hiện. Lúc đó tôi mới 9 tuổi.

Đến tuổi thiếu niên, tôi còn mắc viêm tuyến mồ hôi mủ, một bệnh tự miễn gây ra các vết sưng lớn hình thành bên dưới da. Điều này khiến cho cuộc sống của tôi càng trở nên khó khăn hơn. Nhiều lúc tôi thậm chí không thể rời khỏi giường vì quá đau đớn. Tôi đã nghỉ học rất nhiều vì bệnh Crohn và thậm chí phải ở lại lớp vì nghỉ quá số buổi quy định.

Khó khăn ập tới

Sau khi sống chung với bệnh Crohn và viêm loét đại tràng trong hai thập kỷ, người phụ nữ 34 tuổi này đã buộc phải cắt bỏ đại tràng và trực tràng - Ảnh 2.

Renee sau ca phẫu thuật cắt bỏ một phần của ruột và khiến cô phải ở lại bệnh viện 30 ngày.

Vào năm 2003, lúc 17 tuổi, tôi phải nằm viện 1 tháng sau ca phẫu thuật cắt bỏ một phần nhỏ ở ruột kết vì tổn thương do bệnh Crohn và viêm loét đại tràng gây ra. Vào thời điểm đó, bệnh SARS đang lan rộng khắp thế giới. Vì đại dịch toàn cầu, những người duy nhất có thể đến thăm là cha mẹ tôi. ⁣Thời gian nhanh chóng trôi qua, đến tháng 1/2019, tôi được đưa vào phòng mổ một lần nữa.

Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ đã cắt bỏ trực tràng và tạo một lỗ thoát trong hồi tràng, phần thấp nhất của ruột non. Thay vì đi vệ sinh như bình thường, một túi hậu môn kết nối với lỗ thoát sẽ giúp tôi thu gom chất thải. Tôi chỉ cần thay khi chúng đầy và mang theo mọi lúc mọi nơi. Hai cuộc phẫu thuật đã để lại một mô sẹo nghiêm trọng, không thể loại bỏ trong đại tràng. Mọi chuyện chưa dừng lại ở đó. Sau một thời gian, tôi lại mắc một bệnh nhiễm trùng nguy hiểm có thể đe dọa tính mạng. Cuối cùng, tôi đi đến quyết định phẫu thuật lần nữa với sự giúp đỡ của bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa.

Ca phẫu thuật dự tính sẽ mất 6 tiếng nhưng mức độ nghiêm trọng trong đại tràng của tôi đã kéo dài thời gian lên đến 10 tiếng. Sau đó tôi phải mất một năm mới có thể hồi phục hoàn toàn. Tuy nhiên, điều này không đem lại nhiều hiệu quả. Tôi vẫn phải đối mặt với những cơn đau kinh khủng và mệt mỏi. Tôi học cách uống nhiều nước hơn và tăng cường muối trong chế độ ăn uống vì sau khi phẫu thuật cắt đại tràng, cơ thể mất đi khả năng hấp thụ nhiều chất lỏng và muối. Tôi cũng từng bị rụng tóc do thiếu dinh dưỡng, thách thức lớn nhất tôi chưa bao giờ nghĩ tới.

Tôi đã phải tự mình học hỏi rất nhiều điều sau ca phẫu thuật vì khu vực tôi ít người hiểu biết về vấn đề này. Nhiều thứ trở nên rất bất tiện. Tôi phải thay quần áo trong xe ô tô vì đề phòng trường hợp túi hậu môn bị rò rỉ.

Nhìn về tương lai

Sau khi sống chung với bệnh Crohn và viêm loét đại tràng trong hai thập kỷ, người phụ nữ 34 tuổi này đã buộc phải cắt bỏ đại tràng và trực tràng - Ảnh 3.

Renee đã chia sẻ bức ảnh này trên mạng xã hội với lời nhắn: "Đây là chuyến đi chơi đầu tiên của tôi sau ba tháng kể từ khi phẫu thuật".

Tôi từng lo sợ về tương lai của mình. Có những lần tôi nhìn vào túi hậu môn và cảm thấy cuộc sống thật đáng buồn. Căn bệnh có thể bùng phát trở lại bất kỳ lúc nào. Tôi vẫn đang học cách chấp nhận sống chung với hậu môn nhân tạo. Tuy nhiên, việc cởi mở và chia sẻ câu chuyện của mình đã giúp ích rất nhiều.

Kể từ khi phẫu thuật, tôi không còn dùng thuốc nhưng vẫn đến khám bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa. Tôi rất lưu ý chế độ ăn hàng ngày, tránh xa bất kỳ loại thực phẩm nào có thể khiến bệnh bùng phát trở lại.

Những người xung quanh như gia đình và bạn bè cũng tiếp thêm sức mạnh để tôi chiến đấu với căn bệnh về đường ruột mãn tính. Cuộc phẫu thuật đã gây ra rất nhiều khó khăn nhưng tôi không hề hối hận. Tôi đã có được cơ hội thứ hai và tôi sẽ tận dụng điều này.

(Nguồn: Women'shealth)

Nhung Mai

Tin mới