(Tổ Quốc) - Tuổi thọ của con người gắn liền với sức khỏe, những ai biết cách chú ý đến cơ thể thì tuổi thọ sẽ càng cao.
Mức sống hiện đại được nâng cao, sự phát triển không ngừng của công nghệ, dịch vụ y tế không ngừng được cải thiện và nâng cao... là những yếu tố góp phần làm tăng tuổi thọ trung bình của con người.
Nhưng nói như vậy không có nghĩa là chúng ta không cần phải lo đến chuyện giữ gìn sức khỏe. Tuổi thọ của con người gắn liền với sức khỏe, những ai biết cách chú ý đến cơ thể, giữ gìn sức khỏe thì tuổi thọ sẽ ngày càng cao. Ngược lại, những người bỏ bê sức khỏe của mình thì tuổi thọ chắc chắn sẽ không thể cao.
Có câu nói "Bạn sẽ biết số phận của mình ở tuổi 50". Điều này có nghĩa là sau tuổi 50, tình trạng khỏe mạnh hay ốm yếu của bạn sẽ là yếu tố quyết định tuổi thọ của bạn. Theo lẽ thường, sau 50 tuổi, con người sẽ dễ gặp nhiều bệnh.
Sau 50 tuổi con người thường gặp 5 bệnh
1. Loãng xương
Loãng xương có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng khi bạn già đi, xương của bạn sẽ trở nên mỏng manh hơn và dễ gãy hơn. Loãng xương đặc biệt phổ biến ở phụ nữ cao tuổi. Canxi và vitamin D có thể giúp bạn làm chậm hoặc ngăn chặn sự tiến triển của căn bệnh này. Nếu không chú ý bảo vệ sức khỏe xương khớp, bạn có thể gặp phải một số vấn đề về loãng xương.
2. Bệnh dạ dày và đường ruột
Một số người cho rằng "ăn uống là hạnh phúc" nên đã không chú ý đến chuyện ăn sao cho khoa học. Thay vào đó, họ ăn tất cả những gì mình thích, kể cả những món được khuyến cáo là không nên ăn nhiều. Ăn uống vô độ là một trong những nguyên nhân dẫn đến tăng cân, tạo gánh nặng cho chức năng tiêu hóa hư viêm loét dạ dày, chảy máu dạ dày, trào ngược dạ dày và thậm chí là ung thư dạ dày...
3. Bệnh tâm thần, chẳng hạn như trầm cảm
Sau 50 tuổi, trí lực có thể không còn tốt như khi còn trẻ, các vấn đề về tinh thần thường xảy ra do áp lực từ xã hội và gia đình. Đó là lý do tại sao nhiều người nhận thấy mình dễ bị trầm cảm, lo lắng, cáu kỉnh, thậm chí có triệu chứng sợ hãi, ảo giác... sau khi đã bước qua tuổi 50.
4. Các bệnh về tim mạch và mạch máu não, mạch máu bị tắc nghẽn
Khi chúng ta già đi, mọi mặt chức năng của cơ thể đều suy giảm dần. Sau tuổi 50 tốc độ lão hóa cũng tăng nhanh, mọi vấn đề sức khỏe sẽ xuất hiện, đặc biệt là tim mạch. Trong bệnh mạch máu não, một khi các mạch máu không còn "sạch sẽ" và chứa đầy các chất thải chuyển hóa như triglycerid và cholesterol thì lâu dần sẽ gây ra hiện tượng dính máu, gây huyết khối, dẫn đến các bệnh tim mạch và mạch máu não. Nghiêm trọng hơn là nó còn có thể gây nhồi máu cơ tim, nhồi máu não, thậm chí đột tử.
5. Bệnh gút, bệnh viêm khớp
Sau khi một người bước vào tuổi 50, khi bệnh gút xuất hiện, các khớp hoặc một số ngón chân, ngón tay... sẽ cảm thấy đau, sưng tấy đột ngột. Đây là một loại viêm khớp gây ra bởi sự tích tụ của axit uric trong cơ thể. Ngoài ra, những người ở độ tuổi này ngoài huyết áp cao còn có nhiều khả năng bị 3 cao (đường huyết cao - bệnh tiểu đường, mỡ máu cao và axit trong nước tiểu cao) và kèm theo một số bệnh khớp, bệnh gút là bệnh thường gặp.
Sau tuổi 50, người có tuổi thọ "ngắn" thường có 6 đặc điểm chung
Ngoài nguy cơ bệnh tật, lối sống, thói quen ăn uống cá nhân cũng là yếu tố then chốt ảnh hưởng đến tuổi thọ. Sau tuổi 50, người có tuổi thọ "ngắn" thường có 6 đặc điểm chung này, hãy cố gắng loại bỏ chúng và sống lâu hơn nhé!
1. Không bảo vệ gan và phổi
Uống rượu trong các bữa tiệc có thể trở thành thói quen khi bạn về già, nhưng sau khi bước qua tuổi 50, nếu bạn vẫn không bảo vệ tốt lá gan của mình mà vẫn tiếp tục như vậy thì chính là đã tự đưa mình đến với bệnh gan. Uống rượu trong thời gian dài sẽ đẩy nhanh sự xuất hiện của bệnh gan do rượu, xơ gan, thậm chí là ung thư gan .
Hút thuốc lá là một việc làm vô cùng hại phổi. Khói tạo ra sau khi điếu thuốc được đốt cháy có chứa hơn 3000 chất hóa học độc hại, những chất này được hít vào cơ thể dễ gây viêm phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, viêm đường hô hấp cấp tính, rượu bia có thể gây độc cho tế bào gan.
Phổi điều khiển hô hấp và gan chi phối quá trình giải độc. Nếu có vấn đề gì xảy ra với cả hai, tuổi thọ của một người sẽ bị đe dọa.
2. Tâm lý không tốt, suy nghĩ nhiều
Có câu nói "chỉ cần tâm lý tốt thì mọi việc đều tốt" để hàm ý rằng tâm lý không tốt thì gặp chuyện rắc rối nào đó cũng dẫn đến mất kiểm soát, ảnh hưởng đến sức khỏe. Cảm xúc tiêu cực sẽ làm giảm khả năng miễn dịch và khả năng chống chịu bệnh tật của cơ thể. Bệnh tật đương nhiên sẽ ảnh hưởng đến tuổi thọ của bạn.
Con người sống trên đời chắc chắn sẽ gặp nhiều chuyện không vui, cũng không tránh khỏi những cảm xúc tiêu cực, tinh thần không tốt nhưng phải học cách điều chỉnh sẽ tốt hơn nhiều.
3. Chế độ ăn không phù hợp, vẫn thích ăn thức ăn chứa nhiều dầu, muối
Ăn quá no, không ăn rau, ăn nhiều dầu mỡ, nhiều muối... sẽ đẩy nhanh khả năng quá tải của cơ thể. Thói quen ăn uống này sẽ đẩy nhanh nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, mạch máu não, huyết áp... do lớp niêm mạc trong thành mạch máu sẽ nhanh chóng bị ăn mòn và nặng hơn là máu bị kết dính dẫn đến hình thành các mảng xơ vữa.
4. Lười giữ gìn vệ sinh
Những người không quá quan tâm đến chất lượng cuộc sống sẽ rất cẩu thả về các chi tiết giữ gìn vệ sinh, đặc biệt là đánh răng rửa mặt, rửa tay chân trước khi ngủ... Nhất là khi ngoài 50, cơ thể không còn linh hoạt như trước thì thói quen vệ sinh nhiều khi được bỏ qua liên tục.
Nhưng bạn có biết không, thói quen lười vệ sinh như vậy chính là tạo điều kiện cho vi khuẩn sẽ sinh sôi nẩy nở nhiều hơn trong khoang miệng, dễ sinh ra bệnh, dẫn đến đến các vấn đề răng miệng như bệnh nha chu. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người đàn ông không đánh răng trước khi đi ngủ có nhiều nguy cơ mắc bệnh tim và tiểu đường hơn theo thời gian.
5. Ngại đi khám
Trong cuộc sống có những người rất ngại đi khám mà nghĩ rằng tự dùng thuốc thì bệnh cũng sẽ khỏi. Thực tế, "tự chữa bệnh" hay lạm dụng thuốc là con đường chính gây nguy hiểm cho sức khỏe, rút ngắn tuổi thọ. Nếu bị bệnh nhẹ, bạn không chủ động đi khám mà chỉ dựa vào kinh nghiệm của mình để chẩn đoán tình trạng bệnh sẽ làm chậm trễ việc điều trị, uống nhầm thuốc cũng có thể gây tổn thương gan thận cấp tính, nguy hiểm tính mạng.
6. Thường thức khuya
Một số người bước qua tuổi 50 thì cho rằng đã đến lúc phải tận hưởng cuộc sống, vậy là họ làm mọi điều mình muốn, kể cả thức khuya để xem phim, chơi cờ, xem điện thoại... trong khi đúng ra, khi có tuổi, cơ thể càng cần phải được nghỉ ngơi. Thức đêm lâu sẽ khiến cơ thể bức bối, không tốt cho sức khỏe.
Muốn sống lâu và khỏe mạnh, hãy luôn thực hiện những điều sau
1. Uống nhiều nước, nhiều trà hơn, uống ít rượu đi
Không cần nói thì ai cũng biết lợi ích của việc uống nhiều nước. Dù là để bồi bổ gan hay phổi, bạn hãy hình thành thói quen tốt là uống nước hoặc trà thay cho thuốc lá, rượu bia để giảm tác hại của thuốc lá và rượu bia đối với nội tạng.
2. Duy trì chất lượng giấc ngủ tốt
Chúng ta sẽ thấy rằng nếu chất lượng giấc ngủ đêm qua tốt thì chúng ta sẽ cảm thấy tràn đầy năng lượng suốt cả ngày. Ngủ là lúc cơ thể nghỉ ngơi và phục hồi. Thiếu ngủ có thể khiến tâm trạng thất thường và khiến khả năng phán đoán của bạn trở nên tồi tệ hơn, dễ có hành động bốc đồng, chẳng hạn như mua đồ bừa bãi, ăn uống kém, cáu kỉnh... Trong trường hợp nghiêm trọng, nó sẽ đẩy nhanh chứng mất ngủ và trầm cảm. Vì lý do này, bạn phải ngủ thường xuyên và giảm các hành vi xấu như thức khuya.
3. Tập thể dục phù hợp
Chúng ta nghe quá nhiều về chân lý "cuộc sống nằm trong sự vận động" nhưng có bao nhiêu người thực hiện việc tập thể dục hàng ngày. Thông thường, đi bộ 1 giờ mỗi ngày là một loại bài tập thể dục đơn giản nhưng rất có lợi cho sức khỏe. Nó có thể vận động toàn bộ cơ thể và thúc đẩy lưu thông máu khắp cơ thể. Nó không chỉ giúp kiểm soát cân nặng, thúc đẩy tiêu hóa, mà còn giảm ba cao, ngăn ngừa tim mạch và các bệnh khác.
Sau tuổi 50 bạn càng cần vận động. Nhưng điều quan trọng nhất là vận động phù hợp tình trạng sức khỏe của bạn. Nếu đi bộ 1 giờ mỗi ngày khiến bạn thấy mệt thì có thể giảm xuống 15-10 phút.
NT