(Tổ Quốc) - Gia đình bạn được thừa hưởng đất từ bố mẹ hoặc thành viên khác trong gia đình đang muốn sang tên sổ đỏ, thế nhưng người chủ sở hữu tài sản đã mất và không để lại di chúc. Trong trường hợp này cần giải quyết ra sao để đúng với pháp luật sẽ được luật sư của chúng tôi tư vấn kỹ càng dưới đây.
Việc sang tên sổ đỏ rất phức tạp, đặc biệt trong trường hợp bạn và gia đình còn chưa nắm được điều kiện pháp lý. Việc giải quyết giấy tờ và thủ tục sang tên sổ đỏ cần thực hiện dựa trên pháp luật và những điều khoản quy định rõ ràng.
Thế nhưng khi trường hợp gia đình bạn được chia quyền sử dụng đất và muốn sang tên sổ đỏ nhưng khi người đã mất lại không để lại di chúc thì cần xử lý như thế nào mới đúng với pháp luật.
Câu hỏi bạn đọc:
Xin chào luật sư, tôi có câu hỏi mong luật sư giúp cho tôi. Sang tên sổ đỏ là gì và gia đình tôi muốn sang tên sổ đỏ thì thủ tục sang tên như thế nào khi người đã mất lại không để lại di chúc?
Và để giải đáp cho câu hỏi này, chúng tôi đã liên hệ với Luật sư Đặng Văn Cường hiện đang là Trưởng văn Phòng Luật sư Chính pháp - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội để đưa ra ý kiến về mặt pháp luật trong trường hợp này.
Luật sư Đặng Văn Cường tư vấn:
Sang tên “sổ đỏ” là thủ tục chuyển quyền sử dụng đất theo các hình thức như: Chuyển nhượng, tặng cho, góp vốn, thừa kế... Để sang tên sổ đỏ (đăng ký sang tên quyền sử dụng đất) thì người sử dụng đất cần xuất trình văn bản về việc chuyển quyền sử dụng đất, các giấy tờ pháp lý có liên quan rồi nộp vào Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất để sang tên.
Theo quy định của Bộ luật dân sự thì khi một người có tài sản qua đời mà không để lại di chúc thì tài sản đó sẽ trở thành di sản thừa kế theo pháp luật. Những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất (gồm bố, mẹ, vợ hoặc chồng, con của người có di sản) sẽ được hưởng thừa kế.
Trường hợp hàng thừa kế thứ nhất không còn thì hàng thừa kế thứ hai sẽ được quyền hưởng thừa kế, hàng thừa kế thứ hai cũng không còn ai thì di sản thuộc về hàng thừa kế thứ ba. Trong trường hợp người để lại di sản mà không còn ai thừa kế thì di sản đó sẽ thuộc về nhà nước.
- Để sang tên sổ đỏ đối với di sản là quyền sử dụng đất mà người để lại di sản không có di chúc thì cần phải thu thập các giấy tờ chứng minh mối quan hệ nhân thân, quan hệ huyết thống của hàng thừa kế thứ nhất như chứng minh thư, sổ hộ khẩu, đăng ký kết hôn, giấy khai sinh để chứng minh các mối quan hệ.
Giấy tờ bao gồm:
- Giấy khai sinh của người để lại di sản để chứng minh mối quan hệ. Nếu bố mẹ của họ còn sống thì phải chuẩn bị chứng minh thư và sổ hộ khẩu/thẻ căn cước, nếu bố mẹ của họ đã chết thì chuẩn bị giấy chứng tử.
- Giấy tờ chứng minh quan hệ hôn nhân của người có di sản.
- Nếu vợ hoặc chồng của họ còn sống thì cần chuẩn bị Chứng minh thư nhân dân, sổ hộ khẩu hoặc thẻ căn cước, nếu đã chết thì cần có giấy chứng tử.
- Nếu người chết có di sản có con thì cần chuẩn bị giấy khai sinh của các con để chứng minh mối quan hệ cha con và chứng minh thư, sổ hộ khẩu của các con hoặc thẻ căn cước...
Sau khi chuẩn bị đầy đủ các loại giấy tờ người thuộc hàng thừa kế này liên hệ với phòng, văn phòng công chứng để lập văn bản thỏa thuận khai nhận hoặc phân chia di sản thừa kế.
Sau khi văn bản được ký kết thì sẽ niêm yết công khai tại trụ sở ủy ban nhân dân cấp xã phường. Kết thúc thời hạn niêm yết mà không có tranh chấp gì thì sẽ nộp vào văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất để đăng ký sang tên theo quy định của pháp luật.
Các loại giấy tờ bạn cần chuẩn bị được liệt kê trên đây nhằm chứng minh mối quan hệ của bạn với người có di sản để minh chứng việc hưởng phần tài sản được cho là hợp pháp.
Cách thức thực hiện khai nhận di sản: Nộp hồ sơ tại tổ chức hành nghề công chứng.
Thành phần hồ sơ:
- Phiếu yêu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch.
- Dự thảo văn bản khai nhận di sản (trường hợp tự soạn thảo);
- Bản sao giấy tờ tùy thân;
- Giấy tờ để chứng minh quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản của người để lại di sản đó.
- Giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người được hưởng di sản theo quy định của pháp luật về thừa kế.
- Giấy chứng tử (bản chính kèm bản sao) của người để lại di sản, giấy báo tử, bản án tuyên bố đã chết (bản chính kèm bản sao).
Khi nộp bản sao thì phải xuất trình bản chính để đối chiếu.
Sau đó làm thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất theo quy định của luật đất đai tại văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất như nội dung hướng dẫn của luật sư nêu trên.
Bài viết ghi theo lời tư vấn của Luật sư Đặng Văn Cường.
Hồng Nhung