(Tổ Quốc) - Những biến chứng sau sinh nếu không được phát hiện kịp thời sẽ gây nguy hiểm tới tính mạng của sản phụ.
"Cửa sinh như cửa tử" quả thực không sai. Không phải sinh con xong là phụ nữ đã có thể thở phào nhẹ nhõm, bởi họ còn có thể đối diện với những biến chứng sau sinh khác như tình trạng băng huyết, sót nhau… Vì thế vào thời điểm này, bất cứ dấu hiệu nào bất thường cũng cần được phát hiện sớm để phòng tránh được những rủi ro đáng tiếc xảy ra.
12 giờ đêm, khi đi kiểm tra khoa như thường lệ, một nữ y tá ở Thâm Quyến, Trung Quốc phát hiện Tiểu Lưu, sản phụ vừa sinh con có điều gì đó bất thường. Đã 4 tiếng trôi qua kể từ lúc sinh con, Tiểu Lưu mới được chợp mắt ngủ một chút. Thế nhưng, sắc mặt của cô lại rất nhợt nhạt, tay chân đổ mồ hôi, sọt rác gần đó đầy giấy vệ sinh thấm máu.
Chồng của Tiểu Lưu lúc đó mới lên tiếng: "Từ lúc sau sinh đến giờ, cô ấy cứ luôn bị chảy máu như vậy, đã dùng hết 8 cuộn giấy vệ sinh".
Trong trường hợp bình thường, phụ nữ sau sinh vẫn sẽ bị chảy máu nhưng không nhiều. Vì vậy, nữ y tá nói rằng mình sẽ kiểm tra cho Tiểu Lưu xem sao. "Cô ấy mới ngủ được một chút, cô đừng gọi", chồng của Tiểu Lưu nói.
Lúc này, nữ y tá kiểm tra lại hồ sơ của Tiểu Lưu và nhận thấy cô nhập viện từ 6 giờ tối đêm hôm trước trong tình trạng có những cơn gò chuyển dạ, thai nhi được 40 tuần tuổi, huyết áp 120/70, tim thai 140/phút, tử cung mở 2cm. Qua quan sát, bác sĩ nhận thấy tiến độ chuyển dạ của Tiểu Lưu tương đối tốt, sau 2 tiếng đã sinh thường được bé gái nặng 2,5kg.
30 phút sau sinh, nhau thai vẫn chưa tụt xuống, bác sĩ tiến hành bóc tách bằng tay. Trong quá trình nạo lấy nhau thai, bác sĩ thấy đáy chậu bị rách cấp độ 1, nên đã tiến hành khâu lại và để Tiểu Lưu trong phòng sinh quan sát thêm 2 tiếng. Sau đó, vì không thấy gì bất thường nên cô được đưa về phòng nghỉ ngơi.
Tình trạng xuất huyết của Tiểu Lưu không được phát hiện cho tới khi có nữ y tá nhận thấy sắc mặt của cô bất thường. Lúc đó, huyết áp của cô đã giảm xuống 90/60. Tất cả những dấu hiệu quan sát được cho thấy tình trạng của cô đang rất tồi tệ. Rất nhanh chóng sau đó, cô được y tá thông báo cho bác sĩ trực ban và nhanh chóng đưa đi cấp cứu.
Qua kiểm tra, bác sĩ thấy tử cung co bóp tốt, không có cảm giác buồn tiểu, xoa bóp một chút thì thấy máu tươi và các cục máu đông chảy ra từ âm đạo rất nhiều, ước lượng đến 50ml. Chẩn đoán sơ bộ Tiểu Lưu bị tổn thương đường âm đạo, sốc xuất huyết, thiếu máu.
Đường âm đạo là con đường mà thai nhi từ bụng mẹ chui ra ngoài, được cấu thành từ tử cung, âm đạo, tầng sinh môn và các bộ phận khác. Tính linh hoạt của đường âm đạo tương đối lớn, khả năng co giãn mạnh. Trong quá trình sinh nở, nó sẽ tự động giãn rộng ra khi tử cung co bóp mạnh và có áp lực lên ổ bụng. Khi giãn nở khoảng 10cm thì đầu thai nhi có thể chui lọt ra một cách thuận lợi. Nếu đầu em bé lớn, đường âm đạo không mở rộng, nó sẽ dễ bị tổn thương trong quá trình sinh nở.
Trong trường hợp của Tiểu Lưu, bác sĩ nhận thấy cổ tử cung của cô bình thường, nhưng có một vết rách 3cm x 1,5cm ở giữa âm đạo không được khâu lại, đây chính là nguyên nhân gây xuất huyết. Sau đó, bác sĩ khâu lại vết rách ngay lập tức để cầm máu và cứu sống Tiểu Lưu. Vì bị mất máu quá nhiều nên cô được truyền thêm 300ml máu, uống kháng sinh để tránh nhiễm trùng. Sau đó cô đã bình phục và được xuất viện sau 5 ngày.
Nguồn: Sohu
PHAN HIỀN