(Tổ Quốc) - Trong cơ cấu nợ vay, ngân hàng cho Tập đoàn FLC vay nhiều nhất là Sacombank.
Sáng ngày 22/4/2022, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín - Sacombank đã tiến hành Đại hội đồng cổ đông thường niên năm tài chính 2021.
Bên cạnh việc báo cáo kết quả kinh doanh trong năm tài chính 2021, kế hoạch kinh doanh 2022, bầu Hội đồng quản trị nhiệm kỳ mới, một trong những điểm nhận được sự chú ý của các cổ đông chính là tình hình xử lý khoản nợ lên đến hơn 5.000 tỷ đồng mà Sacombank cho Tập đoàn FLC và Bamboo Airways của ông Trịnh Văn Quyết vay.
Cụ thể, khi cổ đông hỏi về lãi dự thu của Sacombank xử lý khi nào thì xong, dư nợ cho vay bất động sản hiện nay ra sao, dư nợ cho vay với hệ sinh thái FLC và Bamboo Airways như thế nào, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc của ngân hàng đã có những chia sẻ khá tường tận.
Bà Diễm cho hay, dư nợ cho vay bất động sản của Sacombank chỉ 22%. Cho vay hệ sinh thái của FLC trên 5000 tỷ, trong đó có cả của Bamboo Airways. Các khoản vay này tại thời điểm đó là đồng hành cùng hàng không, du lịch và đã truyền thông rộng rãi. Các khoản vay vừa đảm bảo bằng cổ phiếu, đằng sau là nhiều dự án bất động sản, vì vậy xử lý các tài sản này cũng tốt.
"Hiện ngân hàng đã xử lý được 2.600 tỷ, đã thu nợ rồi và tới đây thu tiếp. Cổ đông yên tâm rằng hiện Sacombank cho vay rất chuẩn, đúng quy định... Trong tình hình rất khó, chúng tôi vẫn xử lý được tốt như vậy thì cổ đông cổ đông có thể tin rằng Sacombank đang cho vay rất chuẩn", bà nhấn mạnh.
Ông Dương Công Minh, Chủ tịch Sacombank bổ sung thêm, khoản nợ của FLC chỉ có 3.200 tỷ, đã thu hồi được 2.600 tỷ, trong vòng 1 tháng nữa sẽ thu hồi xong khoản vay đó. "Thực ra khoản nợ tốt nhưng do sức ép dư luận nên Sacombank phải thu hồi sớm" - ông Minh nói.
Lễ ký kết hợp tác toàn diện ngày 9/4/2021 giữa Sacombank với Bamboo Airways. Nguồn: Sacombank.
Trước đó, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2021, Tập đoàn FLC đang có 24.065 tỷ đồng nợ phải trả tại thời điểm 31/12/2021. Trong cơ cấu nợ vay, ngân hàng cho FLC vay nhiều nhất là Sacombank. Tại ngày 31/12/2021, FLC vay của Sacombank với tổng dự nợ ngắn hạn cũng như dài hạn là hơn 1.840 tỷ đồng.
Từ tháng 10/2021 đến tháng 1/2022, vợ chồng ông Trịnh Văn Quyết đã dùng xấp xỉ 160 triệu cổ phần tại Bamboo Airways để làm tài sản thế chấp cho các khoản vay của Tập đoàn FLC tại Sacombank.
Khi thông tin ông Trịnh Văn Quyết bị bắt, phía Sacombank cho biết, "Sacombank khẳng định các khoản vay của FLC Group đảm bảo tuân thủ pháp luật và an toàn.
Trong năm 2021, Sacombank đã tham gia tài trợ vốn cho FLC Group, bao gồm hãng hàng không Bamboo Airways để đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động kinh doanh của khách hàng. Việc cho vay này cũng phù hợp với chủ trương của Chính Phủ đối với việc kích cầu du lịch và hỗ trợ các hãng hàng không sau đại dịch Covid – 19.
Cùng với đó, Sacombank khẳng định, hoạt động cấp tín dụng của Sacombank cho nhóm khách hàng FLC Group được thực hiện đúng quy định pháp luật và quy định nội bộ của Sacombank. Các khoản vay có đầy đủ tài sản đảm bảo.
Kết thúc năm 2021, tổng tài sản của Sacombank đạt hơn 521 ngàn tỷ đồng, tăng 6%; huy động vốn tăng 4% đạt hơn 464 ngàn tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu giảm mạnh về mức 1,47%; số dự phòng tăng gần 24% đạt hơn 16.130 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 4.400 tỷ, tăng 31,8%.
Năm 2022, Sacombank đặt mục tiêu tăng tổng tài sản lên trên 573 ngàn tỷ đồng, tăng 10% so với 2021; nguồn vốn huy động tăng 10%, dư nợ tín dụng tăng 12%, lợi nhuận trước thuế tăng 20% lên 5.280 tỷ đồng, kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới 2%.
Pha Lê