(Tổ Quốc) - Trong bối cảnh này, không ít người thắc mắc rằng liệu các biện pháp phòng ngừa COVID-19 như rửa tay, xịt khuẩn có còn có tác dụng với biến chủng mới hay không.
"Rất cẩn thận phòng dịch vẫn mắc COVID-19", bác sĩ nói gì?
Những ngày vừa qua, số ca dương tính với SARS-CoV-2 tại TP.HCM vẫn tiếp tục gia tăng. Ngoài việc TP.HCM có mức độ tập trung dân cư đông đúc, nhiều chợ tự phát thì biến chủng Delta cũng là một lý do khiến số lượng bệnh nhân COVID-19 ở TP.HCM tăng nhanh. Trong bối cảnh này, không ít người thắc mắc rằng liệu các biện pháp phòng ngừa COVID-19 như rửa tay, xịt khuẩn có còn có tác dụng với biến chủng mới hay không.
Theo chia sẻ của chị Đ.P.T (TP.HCM), đối diện nhà chị có 2 trường hợp F0. Kể từ khi thành phố có quy định giãn cách xã hội chị hoàn toàn không ra khỏi nhà, chỉ có 2 lần ra ngoài nhận đồ ăn của shipper. Trong gia đình, chị thường xuyên thực hiện khử khuẩn định kỳ. Kể cả khi nhận đồ ship, chị cũng đeo khẩu trang cẩn thận. Sau khi nhận hàng có dùng cồn 70 độ để xịt khuẩn, sau đó có rửa tay sạch sẽ.
"Tuy nhiên đến ngày 6/8, mình bỗng có dấu hiệu khó chịu trong người, kèm cảm giác đau họng, nghẹt mũi. Ngày 10/8, mình thực hiện test nhanh thì cho kết quả dương tính. Mình lo ngại rằng có thể mình đã nhiễm bệnh từ shipper khi xịt khuẩn không hiệu quả", chị T nói.
Thực tế, nhiều người cũng lo ngại rằng biến chủng Delta có thời gian lơ lửng trong không khí lâu hơn trước khi rơi xuống bề mặt, vì thế khả năng nhiễm bệnh sẽ cao hơn. Như vậy phải chăng thói quen rửa tay, khử khuẩn sẽ không còn có tác dụng?
Giải đáp về vấn đề này, bác sĩ Trương Hữu Khanh (trưởng khoa Nhiễm - Thần Kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP HCM) khẳng định: "Xịt khuẩn, rửa tay vẫn là những biện pháp phòng dịch vô cùng cần thiết. Chủng Delta khi được khử khuẩn bằng cồn, virus vẫn sẽ bị tiêu diệt hết. Sau khi bạn nhận đồ mà cẩn thận rửa tay, xịt khuẩn là vô cùng tốt và đúng như khuyến cáo 5K của Bộ Y tế đề ra".
Bác sĩ nhấn mạnh, trong khuyến cáo 5K của Bộ Y tế có nhắc tới yếu tố khử khuẩn. Bao gồm việc: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay. Vệ sinh các bề mặt/vật dụng thường xuyên tiếp xúc (tay nắm cửa, điện thoại, máy tính bảng, mặt bàn, ghế…). Giữ vệ sinh, lau rửa và để nhà cửa thông thoáng.
"Theo WHO, chưa có bằng chứng nào khẳng định SARS-CoV-2 có thể truyền sang người thông qua hàng hóa. Trường hợp bạn T vẫn mắc bệnh sau khi nhận đồ ship hay gia đình đã khử khuẩn cẩn thận thì không ngoại trừ lý do người thân trong gia đình bạn có ra ngoài để mua bán, gặp gỡ sau đó vô tình nhiễm bệnh rồi lây sang cho bạn ấy", BS Khanh nói.
BS khẳng định việc thực hiện khử khuẩn cho gia đình là việc làm cần thiết. Bên cạnh đó, chúng ta còn cần đeo khẩu trang tại nơi công cộng, giữ khoảng cách với người khác, tránh tụ tập ở nơi đông người.
Bộ Y tế hướng dẫn cách khử khuẩn trong nhà
Để vệ sinh, khử khuẩn môi trường phòng chống dịch COVID-19 tại gia đình, các gia đình cần làm theo 7 hướng dẫn sau của Cục Quản lý Môi trường y tế (Bộ Y tế):
1. Khử khuẩn bằng chất tẩy rửa thông thường như chai xịt tẩy rửa đa năng dùng sẵn hoặc pha dung dịch tẩy rửa bồn cầu gia dụng (chứa khoảng 5% sodium hypochlorite) theo tỷ lệ 10ml dung dịch tẩy rửa với 1 lít nước để thành dung dịch có khả năng diệt vi rút, hoặc dung dịch chứa 0,05% clo hoạt tính sau khi pha. Chỉ pha dung dịch đủ dùng trong ngày.
2. Ưu tiên khử khuẩn bằng cách lau rửa. Sử dụng găng tay cao su, khẩu trang khi thực hiện vệ sinh, khử khuẩn.
3. Các bề mặt phải được làm sạch bằng xà phòng và nước trước khi khử khuẩn.
4. Khử khuẩn ít nhất 01 lần/ngày đối với các vị trí nền nhà, tường, bàn, ghế, đồ vật, bề mặt có nguy cơ tiếp xúc và khu vệ sinh.
5. Khử khuẩn ít nhất 02 lần/ngày đối với các vị trí có tiếp xúc thường xuyên như tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, tay vịn lan can, nút bấm thang máy, công tắc điện, bàn phím máy tính, điều khiển từ xa, điện thoại dùng chung. Tắt các thiết bị điện tử, công tắc đèn trước khi khử khuẩn.
6. Bố trí đủ thùng đựng rác có nắp đậy, đặt ở vị trí thuận tiện.
7. Thực hiện thu gom, xử lý rác thải hằng ngày theo quy định.
Đậu Đậu