(Tổ Quốc) - Bị rối loạn kinh nguyệt từ năm 18 tuổi, kết hôn ở tuổi 25 nhưng mãi tới năm 30 tuổi chị Tình mới có đứa con đầu lòng nhờ đi xin trứng để làm thụ tinh ống nghiệm.
Rối loạn kinh nguyệt khi mới bước sang tuổi 18
Chị Trương Thị Tình (sinh năm 1990, ở Tam Điệp, Ninh Bình), chia sẻ 2 năm trước, sau 5 năm kết hôn, cảm xúc về đầu tiên khi đi xét nghiệm beta (xét nghiệm để biết phụ nữ có mang thai hay không) của chị rất khó tả và xúc động. 9 tháng sau đó, lần đầu tiên được bế con trên tay cũng là cảm giác chị không bao giờ có thể quên được.
Để có được ‘trái ngọt’ như vậy, chị Tình đã trải qua những năm tháng vô cùng khổ cực, có những lúc dường như muốn bỏ cuộc vì không thể vực dậy tinh thần cho chính mình.
Chị kể vốn dĩ chị là người có kinh nguyệt hoàn toàn bình thường. 18 tuổi chị bắt đầu đi làm công nhân. 6 tháng sau đó, chị đột ngột bị sụt cân không rõ nguyên nhân. Từ một cô gái 44kg, chị giảm xuống còn 37,5kg.
Rồi từ đó, chị bị rối loạn nội tiết, kinh nguyệt thưa dần, cứ 2 tháng, 3 tháng, thậm chí 6 tháng, chị mới có kinh 1 lần. Chị thường xuyên phải đi khám và uống thuốc mới ra kinh. Kinh nguyệt của chị phụ thuộc hoàn toàn vào thuốc, không có thuốc thì không có kinh.
"Ròng rã suốt 2 năm, từ năm 21 tuổi đến năm 23 tuổi, cứ hết 1 đợt thuốc khoảng 3 tháng tôi lại đi khám và lấy thuốc 1 lần. Nhưng bệnh không cải thiện. Bẵng đi một thời gian, tôi không uống thuốc nữa.
Quan niệm 'Có bệnh thì vái tứ phương', cứ ai mách gì tôi đều uống với hy vọng sẽ khỏi bệnh. Nhưng uống thuốc các kiểu tình trạng vẫn cứ vậy. Cũng chỉ uống thuốc mới ra kinh, dừng thì không có. Kinh nguyệt màu rất xấu", chị Tình chia sẻ.
Hành trình 'tìm' con gian nan
Năm 25 tuổi, chị Tình kết hôn. 2 vợ chồng lại đi khám rất nhiều bệnh viện lớn chuyên về hiếm muộn tại Hà Nội. Bác sĩ kết luận chị bị đa nang buồng trứng, Amh chỉ 0,6 (chỉ số giúp đánh giá sức khỏe sinh sản của phụ nữ), kích trứng 3 lần cao nhất chỉ được 13mm, không đủ điều kiện làm thụ tinh ống nghiệm.
"Chi phí cho những lần đi khám vô cùng tốn kém, mà không được gì khiến tôi rất buồn và suy sụp. Sau khi khám, tôi được bác sĩ chỉ định xin trứng làm IVF (thụ tinh ống nghiệm). Nhưng vì không chấp nhận sự thật đó, vợ chồng tôi lại đi khám những viện khác, nhưng viện nào cũng chỉ 1 kết luận ‘xin trứng làm IVF’", chị Tình tâm sự.
Cuối cùng, chị Tình cũng phải tin vào hiện thực, quyết định làm IVF. Trong vòng 1,5 năm, chị chuyển phôi 3 lần và 2 lần đầu tiên không thành công.
"Thời gian đó, tôi rất mệt mỏi, nhất là khi đã xin được trứng để làm IVF rồi nhưng chuyển phôi lại không thành công. Thực sự lúc đó tôi không còn hy vọng và muốn bỏ cuộc", chị Tình rùng mình nghĩ lại khoảng thời gian đó.
Mong muốn có con và ước nguyện làm mẹ thúc giục, chị Tình quyết định chuyển phôi lần thứ 3 vào ngày 11/4/2019.
"May mắn đã mỉm cười, trong ca chuyển phôi hôm đó có 6 người thì 2 người đậu thai, trong đó có tôi. Cảm xúc như vỡ òa vì cuối cùng, sau bao nỗ lực, tôi đã hoàn thành được tâm nguyện", chị Tình xúc động chia sẻ.
Sau 5 năm tìm con, chị Tình đã có một bé gái xinh xắn, đáng yêu.
Hiện bé gái nhà chị đã hơn 2 tuổi, thông minh và rất đáng yêu. Tháng 8 năm nay, chị Tình sẽ chuyển phôi lần tiếp theo. Khoảng thời gian trước đó, chị đã tìm hiểu về sức khoẻ, về dinh dưỡng, về lối sống lành mạnh như ăn đúng giờ, không bỏ bữa, ngủ trước 23h, vận động tập thể thao.
Để giúp cơ thể khỏe mạnh, chị Tình đã thay đổi chế độ ăn uống phù hợp, tập luyện thể dục thể thao, ngủ nghỉ đúng giờ. Chị cũng ý thức việc giữ cân nặng ở mức độ vừa phải.
"Sau từng ấy năm, tôi may mắn có chồng bên cạnh, luôn yêu thương và động viên mình, dù nhiều lần tôi bảo chồng ly hôn đi để tìm hạnh phúc mới, nhưng anh vẫn bên cạnh. Ngoài ra, bố mẹ 2 bên cũng luôn động viên và chăm sóc cho tôi rất tốt. Qua bao nhiêu khó khăn, cuối cùng ước mơ được làm mẹ của tôi đã thành sự thật. Chỉ cần đừng từ bỏ, ắt bạn sẽ thành công!", chị Tình xúc động nói.
Buồng trứng đa nang là hội chứng biểu hiện ở sự mất cân bằng hormone trong cơ thể nữ giới. Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất của vô sinh ở nữ.
Một số triệu chứng của buồng trứng đa nang bao gồm:
- Rối loạn kinh nguyệt, bao gồm mất kinh trong khoảng thời gian dài, lượng máu quá nhiều hoặc quá ít.
- Béo phì.
- Nổi nhiều mụn trứng cá.
- Sự phát triển quá mức của lông trên cơ thể, đặc biệt trên mặt, bụng hoặc đùi.
- Hình ảnh siêu âm buồng trứng có nhiều nang nhỏ.
Buồng trứng đa nang không chỉ ảnh hưởng tới khả năng sinh sản của nữ giới mà còn có thể gây ra rối loạn chuyển hóa; gia tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, tim mạch hoặc tăng sinh nội mạc tử cung...
Mộc Trà